Giới chuyên gia đã cảnh báo, giao tranh dữ dội xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh khu vực.
Thành phố Nikopol nằm dọc bên bờ sông Dnipro - nơi có nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Chính quyền thành phố đang chuẩn bị phương án cho tình huống khẩn cấp, sau khi khu vực này đã xảy ra nhiều vụ tấn công quân sự trong những ngày qua. Các xe di động quan trắc bức xạ khẩn cấp đã được triển khai quanh thành phố để đo mức độ bức xạ, nếu nghi ngờ có rò rỉ. Các biện pháp khi có tình huống xấu nhất xảy ra cũng được tính đến.
Ông Maxim Kosterko - Người đứng đầu Dịch vụ khẩn cấp thành phố Nikopol, Ukraine cho biết: "Chúng tôi có thể hạn chế người dân ra đường, chúng tôi cũng có dự phòng thuốc i-ốt và cũng có sẵn nơi trú ẩn".
Nhà máy Zaporizhzhia hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga, nhưng vẫn được vận hành bởi các kỹ thuật viên của Energoatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia Ukraine. Moscow và Kiev vẫn đang cáo buộc lẫn nhau pháo kích nhà máy này. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cảnh báo, tình hình xung quanh nhà máy rất đáng quan ngại.
Ông Viktor Shabanin - Người dân làng Vyshetaranivka, Ukraine chia sẻ: "Người dân chúng tôi đều lo lắng vì nhà máy điện hạt nhân ngay gần đây. Hướng gió thường là thổi về phía ngôi làng, nên nếu có bức xạ rò rỉ thì chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, bức xạ cũng sẽ ngấm vào nguồn nước".
Cộng đồng quốc tế liên tục đưa ra các lời cảnh báo khẩn thiết trước tình hình ở nhà máy Zaporizhzhia. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterress nhấn mạnh, bất kỳ thiệt hại tiềm tàng nào đối với nhà máy hạt nhân này đều là tự sát.
Trong cuộc điện đàm hôm qua, các nhà lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ thống nhất quan điểm chung là cần kiềm chế những hành động quân sự xung quanh nhà máy và phải đảm bảo an toàn, an ninh cho các cơ sở hạt nhân của Ukraine. Họ kêu gọi cho phép các thanh sát viên độc lập của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thực hiện chuyến thăm tới nhà máy điện hạt nhân này.
Đánh giá nguy cơ thảm họa hạt nhân
Năng lượng hạt nhân cung cấp 55% lượng điện của Ukraine trong năm 2021. Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và là một trong 10 nhà máy lớn nhất thế giới. Giao tranh Nga - Ukraine tại nhà máy này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sai sót và nó có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân nghiêm trọng.
Câu hỏi đang được đặt ra nhiều nhất lúc này, là nếu tình huống xấu nhất xảy ra, liệu có thêm 1 thảm họa hạt nhân như tại Chernobyl (của Ukraine) hồi năm 1986 hay không.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng, đủ cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình. Tính tới đầu tháng 8, nhà máy này có ba lò phản ứng đang hoạt động, trong đó hai lò được kết nối với lưới điện.
Bất cứ sự cố phóng xạ nào đều là nỗi ám ảnh với nhiều người. Tuy nhiên, do thiết kế loại lò phản ứng khác, sự cố ở Zaporizhzhia có thể không nghiêm trọng như thảm họa Chernobyl năm 1986.
CNN trích ý kiến phân tích của các chuyên gia cho rằng "Ít có khả năng nhà máy bị phá hủy. Trong trường hợp có xảy ra, thì vấn đề phóng xạ chủ yếu sẽ chỉ ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh nhà máy, chứ không lan rộng khắp châu Âu như đã từng xảy ra với nhà máy Chernobyl. Tức là những người dân Ukraine sống ở khu vực lân cận nhà máy, bên bờ sông Dnipro và các nhân viên đang làm việc bên trong nhà máy sẽ đối diện với những mối nguy hại cấp bách nhất.
Ngoài ra, các lò phản ứng hiện đại của Ukraine như ở nhà máy Zaporizhzhia cũng được bảo vệ bởi một hệ thống ngăn chặn thứ cấp bằng bê tông vững chắc.
Theo Reuters, các chuyên gia đánh giá rủi ro tức thời hiện nay không bao gồm ảnh hưởng trực tiếp tới lò phản ứng hạt nhân, bởi vì chúng được chế tạo để chịu được một vụ đâm máy bay.
Ông Boris Zhuikov - Chuyên gia phóng xạ: "Các vụ phóng kích có thể làm hư hại nhà máy điện hạt nhân, điều đó là đúng. Nhưng ít có khả năng lò phản ứng bị hư hỏng. Nó được bảo vệ rất tốt, cả ở bên trong và lớp bê tông cốt thép bên ngoài. Hệ thống làm mát lò phản ứng có thể bị hỏng, do đó, về nguyên tắc, một tai nạn khá nghiêm trọng có thể xảy ra, nhưng không ở mức của vụ Chernobyl, mà như nhà máy Fukushima".
Tuy nhiên, một vụ tấn công tên lửa, dù vô tình hay cố ý, đều có thể dẫn tới một vụ nổ ở lò phản ứng. Quy mô sự cố sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cách nó xảy ra, cách phản ứng của nhân viên nhà máy và tốc độ sơ tán cư dân.
Điều mà nhiều chuyên gia lo lắng hơn là đạn pháo có thể rơi trúng kho chứa chất thải hạt nhân được lưu trữ ở Zaporizhzhia. Trong trường hợp đó, ô nhiễm hạt nhân sẽ lây lan qua không khí và nước.
Hơn bất kì quốc gia nào, Ukraine có lẽ hiểu rõ nhất hậu quả của các vụ nổ tại một nhà máy điện hạt nhân. Sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới xảy ra tại Chernobyl, miền bắc nước này, tháng 4/1986 đã khiến phóng xạ lan ra khắp châu Âu. Sự cố đã tác động lớn tới Ukraine với hàng trăm nghìn người phải sơ tán và hậu quả kinh tế ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc