Sáng ngày 11/8, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với chủ đề thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Minh Khái – Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Văn Thành – Phó Thủ tướng Chính phủ. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch T.T UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp.
Điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Trong 7 tháng đầu năm 2022, kinh tế xã hội Việt Nam phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc. Nhất là các ngành giao thông vân tải, xây dựng, nông lâm thủy sản và du lịch. CPI bình quân tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thông qua với gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó đến nay đã có gần 200 tỷ đồng hỗ trợ cho cho 340 nghìn người lao động đang làm việc trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cũng được các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, trước tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, cũng khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp và nền kinh tế cả nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, tại Hội nghị các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện các gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế; duy trì ổn định giá cả thị trường đặc biệt là nguyên nhiên liệu, giá vật liệu xây dựng; đẩy mạnh tuyên truyền, huy động người lao động quay trở lại các khu, cụm, doanh nghiệp lao động.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định sau hơn 2 năm chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh Covid – 19, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo tăng trưởng. Khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp. Tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách của doanh nghiệp để khơi thông các điểm nghẽn, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực thực hiện triển khai các giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới. Khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước. Có giải pháp khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo kỹ năng người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thiếu hụt thị trường./.
Tuấn Quỳnh
Ý kiến bạn đọc