Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh sự tương đồng về những giá trị và nguyên tắc quan trọng đã tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác, đối tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc.
Những giá trị LHQ thúc đẩy cũng chính là những giá trị mà nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ đã chiến đấu và hy sinh xương máu để bảo vệ, đó là hòa bình, độc lập dân tộc và công lý.
Trưa 23/9 (giờ địa phương), tại New York, Hoa Kỳ, nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 77, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã chủ trì Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc Khánh Việt Nam và 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (20/9/1977-20/9/2022).
Tham dự buổi lễ có nhiều vị lãnh đạo, đại diện của Liên Hợp Quốc, lãnh đạo, bộ trưởng, đại diện các quốc gia thành viên.
Các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức hát quốc ca Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc Khánh Việt Nam và 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ (20/9/1977-20/9/2022)
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Thường trực chia sẻ về chặng đường phát triển đất nước hơn bảy thập kỷ qua cũng như những đóng góp nổi bật của Việt Nam kể từ khi trở thành thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc vào ngày 20/9/1977.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh sự tương đồng về những giá trị và nguyên tắc quan trọng đã tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác, đối tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc. Những giá trị mà Liên Hợp Quốc thúc đẩy cũng chính là những giá trị mà nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ đã chiến đấu và hy sinh xương máu để bảo vệ, đó là hòa bình, độc lập dân tộc và công lý.
Điểm lại chặng đường đã qua, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho rằng, những thành tựu to lớn đã tạo nên diện mạo và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày nay. Từ một nước bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã trở thành một thị trường năng động với gần 100 triệu dân, là điểm đến của các nhà đầu tư lớn từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ và hàng triệu du khách quốc tế, là đối tác tin cậy của các nước và là thành viên của các tổ chức quốc tế quan trọng.
Từ một nước tiếp nhận viện trợ, Việt Nam ngày nay là một nhân tố đóng góp cho hòa bình và phát triển trên thế giới, đi tiên phong trong các nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở nhiều địa bàn cũng như tham gia Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền với nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy quan tâm và lợi ích của các nước đang phát triển.
Điểm lại chặng đường đã qua, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho rằng, những thành tựu to lớn đã tạo nên diện mạo và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày nay.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ sự tri ân đối với hỗ trợ quý báu của Liên Hợp Quốc và các nước thành viên từ những năm tháng khó khăn tái thiết đất nước sau chiến tranh, cũng như trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân và hội nhập sâu rộng sau này.
Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động khó lường, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh một lần nữa khẳng định vai trò thiết yếu của đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương, với Liên Hợp Quốc ở vị trí trung tâm.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng khẳng định sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc dẫn dắt, điều phối các nỗ lực đa phương nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ mong muốn bạn bè quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 để Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc của Liên Hợp Quốc trong một sứ mệnh quan trọng là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.
Trong trao đổi, lãnh đạo Liên Hợp Quốc cùng đại diện các nước đều bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu của nhân dân Việt Nam trong 77 năm qua, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cho tới phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây.
Đại diện các nước và lãnh đạo Liên Hợp Quốc cũng hoan nghênh những thành tựu của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa cũng như những đóng góp tích cực, cân bằng và trách nhiệm của Việt Nam trong công việc chung của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế thời gian vừa qua.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc