Noru được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất 20 năm qua; Hà Tĩnh: Sạt lở đường tuần tra ven biển, di dời 13 hộ dân đến nơi an toàn; Chìm phà tại Bangladesh, ít nhất 23 người thiệt mạng...là một số tin đáng chú ý hôm nay (25/9).
Dự báo đêm nay (25/9) đến sáng mai, bão Noru sẽ tiến vào Biển Đông. (Ảnh chụp mây vệ tinh) |
Noru được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất 20 năm qua
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, nhằm ứng phó cơn bão có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông chiều 25/9, ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, bão Noru được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, tương đương cơn bão Xangsane (tháng 9/2006), bão Ketsana (tháng 10/2009) và bão Molave (tháng 10/2020).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, đêm nay (25/9) đến sáng mai, bão Noru sẽ tiến vào Biển Đông. Đến 13h ngày 26/9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134 - 149km/h), giật cấp 16.
Khoảng 13h ngày 28/9, vị trí tâm bão trên đất liền Thừa Thiên Huế - Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74km/h), giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m, biển động dữ dội.
Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Trong 3 ngày vừa qua, các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh và Nam Trung Bộ có mưa lớn 100-250mm, một số trạm mưa lớn như: Sầm Sơn (Thanh Hoá) 332mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 288mm, Xuân Bình (Phú Yên) 233mm.
Đến nay các tỉnh thành đã kiểm đếm, hướng dẫn 57.840 tàu với 300.128 lao động, trong đó khu vực Bắc Biển Đông, giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là 739 tàu với 7.455 người; hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại bến là 57.101 tàu với 292.673 người.
Các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ với 868.230 người. Trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tuỳ theo diễn biến của bão.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, dự báo bão Noru là cơn bão mạnh, di chuyển với tốc độ nhanh, ảnh hưởng trên phạm vi rất rộng.
“Những cơn bão có cường độ lớn cấp 13 đến cấp 16 thì ảnh hưởng rất lớn, thiệt hại tới tài sản tính mạng của nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung, lãnh đạo chỉ đạo từ sớm, từ Trung ương tới địa phương trong việc ứng phó với bão Noru.
“Trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương, phải rà soát kỹ tất cả cơ sở vật chất, cơ sở xung yếu, có giải pháp để thống nhất trước khi bão đổ bộ”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Philippines vừa ban hành cảnh báo cấp độ tín hiệu 5 - mức thảm họa cho siêu bão Noru với quốc gia này.
Một điểm sạt lở ở xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. (Ảnh: Báo Đại đoàn kết) |
Hà Tĩnh: Sạt lở đường tuần tra ven biển, di dời 13 hộ dân đến nơi an toàn
Mưa lớn diễn ra từ ngày 21/9 đến nay đã gây sạt lở dọc tuyến đường tuần tra ven biển xã Cẩm Lĩnh (hay còn gọi là tuyến đường quốc phòng đi xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đến Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh).
Trên tuyến đường này, đoạn qua thôn 1, xã Cẩm Lĩnh đã xuất hiện 10 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 200m. Khối lượng đất đá sạt lở khoảng 150 m3.
Tối 25/9, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh cho biết, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để đối phó với tình trạng sạt lở đường tuần tra ven biển (đường quốc phòng) ở xã Cẩm Lĩnh. Cụ thể, ngay sau khi xảy ra sự việc, huyện Cẩm Xuyên huy kiểm tra hiện trạng và chỉ đạo UBND xã Cẩm Lĩnh thuê máy, giải phóng khối lượng đất đá sạt lở trên nhằm đảm bảo lưu thông qua địa bàn nên không ảnh hưởng đến việc lưu thông trên tuyến đường. Huyện chỉ đạo chính quyền xã Cẩm Lĩnh lắp các biển cảnh báo, làm rào chắn và bố trí lực lượng trực chốt 24/24h ở hai đầu tuyến đường tuần tra ven biển qua địa phương này để ngăn cấm người và các phương tiện qua lại.Yêu cầu các thôn, xóm liên tục phát thanh cảnh báo người dân. Mặt khác, chính quyền huyện Cẩm Xuyên, xã Cẩm Lĩnh còn yêu cầu 13 hộ dân sinh sống và kinh doanh dọc chân núi ở tuyến đường tuần tra ven biển ký cam kết tuyệt đối không ở lại trông hàng quán và di dời người, tài sản đến nơi an toàn.
Ngoài điểm sạt lở tại tuyến đường tuần tra ven biển xã Cẩm Lĩnh, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên còn xảy ra sạt lở dọc bờ sông Ngàn Mọ thuộc thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành, gây đổ tường rào của 1 hộ dân. Tuyến kè biển xã Cẩm Nhượng tiếp tục xuất hiện thêm 3 vị trí sụt lún, gây nguy cơ mất an toàn cao.
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh, đến 10h sáng 25/9, toàn tỉnh có 3.675 tàu thuyền, trong đó 3.666 phương tiện đã nắm bắt thông tin và vào bờ trú ấn, còn lại 9 phương tiện với 48 lao động đang hoạt động trên biển đã liên lạc được, đang kêu gọi vào tránh trú.
Hình ảnh về vụ chìm thuyền trên sông Karatoya tại Boda upazila ở Panchagarh. (Ảnh: daily- bangladesh.com) |
Chìm phà tại Bangladesh, ít nhất 23 người thiệt mạng
Ít nhất 23 người đã thiệt mạng và hàng chục người mất tích trong vụ chìm phà trên sông Karatoya tại huyện Panchagarh, miền Bắc Bangladesh chiều 25/9.
Theo giới chức địa phương, lực lượng chức năng đã tìm thấy 23 thi thể, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Công tác tìm kiếm, cứu nạn vẫn đang được tiến hành.
Hiện chưa rõ chính xác số người có mặt trên phà vào thời điểm gặp nạn. Tuy nhiên, các hành khách cho biết phà chở hơn 70 người./.
Nguồn: Đảng cộng sản
Ý kiến bạn đọc