Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kỳ họp Quốc hội thứ 4 sẽ khai mạc ngày 20/10 và bế mạc ngày 15/11.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hôm nay (12/10) Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 16, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kỳ họp Quốc hội thứ 4 sẽ khai mạc ngày 20/10 và bế mạc ngày 15/11. Tổng thời gian họp dự kiến là 21 ngày trên tinh thần chất lượng đặt lên hàng đầu nhưng tiết kiệm tối đa thời gian và họp tập trung cả kỳ tại nhà Quốc hội, trong đó có 1,5 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội; 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn trả lời chất vấn. Dự kiến theo chương trình, Quốc hội sẽ tiến hành công tác nhân sự ngay đầu kỳ họp và dành nhiều thời gian để thảo luận kỹ những dự án Luật quan trọng
Theo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 4, Quốc hội xem xét thông qua 7 dự án Luật, 4 dự thảo Nghị quyết, bao gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Quốc hội xem xét, cho ý kiến 7 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 1); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Cho ý kiến vào việc thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh cùng báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo hướng đánh giá rõ nét tác động đến đời sống người dân, nêu rõ chính sách nào có thể tiếp tục được nhân rộng, chính sách nào hiệu quả chưa cao cần sửa đổi.
Trên tinh thần đó, Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 54 đến hết ngày 31/12/2023. Với Nghị quyết 115, Thường vụ Quốc hội lưu ý thành phố Hà Nội cần tạo sự đồng thuận và đưa ra phương thức quản lý tốt hơn trong việc thu phí thu dừng đỗ ô tô nhằm tăng nguồn lực đóng góp cho ngân sách.
Cũng trong sáng nay, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Bộ Nhận diện Quốc hội Việt Nam. Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc