Sáng 24/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Hôm nay (24/10), Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ Tư.
Theo chương trình dự kiến, buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động khám, chữa bệnh
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 12 chương và 120 điều, nhiều hơn 14 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, bỏ 01 điều và bổ sung 15 điều.
Trước đó, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 với 163 lượt phát biểu ý kiến tại Tổ, 27 lượt đại biểu phát biểu tại Hội trường và 10 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự án Luật.
Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Xã hội phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Ủy ban Xã hội đã tổ chức nghiên cứu tài liệu, tiến hành khảo sát và lấy ý kiến tại một số tỉnh, thành phố, tổ chức các hội nghị chuyên gia, hội nghị theo chuyên đề, làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành hữu quan; xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Xã hội – Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo luật chưa được thống nhất, chưa được quy định cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu khắc phục những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành. Một số vấn đề quan trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mới được đề nghị bổ sung vào luật.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật quan trọng của ngành y tế, định hướng công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế; được Nhân dân, ngành y tế mong đợi, đặt nhiều kỳ vọng nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, việc chuẩn bị cần được thực hiện kỹ lưỡng để dự thảo Luật đảm bảo chất lượng, có tính ổn định lâu dài.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc