Chiều 4/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề nội vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào những nội dung trọng tâm sau đây:
Một là, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm.
Ba là, nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.
Bốn là, giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong phiên chất vấn thuộc lĩnh vực của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ mời Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời như Tài chính, Giáo dục Đào tạo, Lao động, Thương binh và xã hội báo cáo giải trình thêm.
Còn rất nhiều việc phải thay đổi, bổ sung, đổi mới, hoàn thiện…
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Phía trước ngành nội vụ còn rất nhiều việc phải thay đổi, bổ sung, đổi mới, hoàn thiện lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà gửi lời cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao toàn diện lĩnh vực quản lý nhà nước mà ngành nội vụ hoàn thành nhiệm vụ được giao đóng góp quan trọng và xây dựng nền hành chính Nhà nước. Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đại biểu Quốc hội, Nhân dân và cử tri cả nước luôn dành sự quan tâm, ủng hô, theo dõi, chia sẻ đối với hoạt động của ngành.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, những năm qua thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chính sách và phối hợp triển khai đồng bộ toàn diện lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành liên quan tới tất cả các bộ, ngành, địa phương. Nhất là về tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ đã đạt được kết quả bước đầu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng chia sẻ, phía trước ngành nội vụ còn rất nhiều việc phải thay đổi, bổ sung, đổi mới, hoàn thiện lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm rất cao, nỗ lực lớn hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Đảng, Quốc hội và của cử tri cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng được chọn chất vấn là cơ hội để lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói của cử tri và được tiếp thu, giải trình những vấn đề lớn mà đại biểu và cử tri quan tâm để ngành tiếp tục khắc phục khó khăn hạn chế phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Tinh giản biên chế giúp tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn
Đại biểu Hà Sỹ Huân (tỉnh Bắc Kạn) - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đại biểu Hà Sỹ Huân (tỉnh Bắc Kạn):
Việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức luôn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế việc đánh giá, xếp loại vẫn còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ đã và sẽ triển khai giúp cho công tác đánh giá cán bộ được chính xác và phản ánh thực chất trong thời gian tới?
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (tỉnh Trà Vinh):
Trong báo cáo số 330 của Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 có nêu, năng lực của nhiều tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản vi phạm pháp luật còn hạn chế.
Cụ thể là còn thiếu kỹ năng phân tích, dự báo, thiếu tầm nhìn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu chính sách chưa sâu, chưa kỹ, chưa đánh giá hết các tác động của các chính sách ban hành; một số trường hợp còn thiếu trách nhiệm, nặng về lợi ích ngành, cơ quan, chưa quan tâm bố trí đủ công chức làm công tác pháp chế.
Êây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân. Với trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong tham mưu xây dựng, ban hành văn bản vi phạm pháp luật hiệu quả, chất lượng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV?
Đại biểu Tao Văn Giót (tỉnh Lai Châu):
Một trong những mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong giai đoạn vừa qua, việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức?
Vừa qua còn tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ một số lĩnh vực, địa phương. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính, giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới thế nào và bao giờ thì giải quyết được?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn chưa sát với thực tiễn - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời:
Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Thực chất công tác này trong những năm gần đây đã có kết quả tích cực hơn. Tuy nhiên việc đánh giá này còn chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm đầu ra, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, để đảm bảo đánh giá cán bộ công chức, viên chức được tốt hơn thì cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo đồng bộ, liên thông, xuyên suốt; cần tập trung hoàn thành xong việc xác định vị trí việc làm khung năng lực để có cơ sở đánh giá công chức, viên chức. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực của địa phương cần căn cứ vào quy định chung để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức đơn vị mình.
Đối với vấn đề tinh giản biên chế tác động tới cải cách tiền lương, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, chúng ta giảm tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế để cải cách hệ thống tổ chức bộ máy, cải cách đội ngũ công chức viên chức. Công tác này có tác động lớn, giúp tạo điều kiện nâng lương cho đội ngũ, tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn để tạo nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Công tác này sẽ còn được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới…
Về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian qua đã có sự nỗ lực vượt bậc trong việc tinh gọn bộ máy, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng có tình trạng cào bằng, giảm theo hướng cơ học ở một vài nơi.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình cơ cấu đội ngũ, thực hiện tinh giản, bước đầu phải thực hiện theo cách cơ học, giao chỉ tiêu. Trước đó, nhiều năm chúng ta không đạt được con số 10% này. Hiện nay, tuy có tồn tại, hạn chế khi có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng cào bằng, tuy nhiên, nhìn chung việc tinh giản biên chế, bộ máy đã đạt được mục tiêu đề ra.
Áp lực công việc lớn nhưng chế độ phụ cấp vẫn như cũ
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương) - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đại biểu Thái Thị An Chung (tỉnh Nghệ An):
Việc sát nhập xã, thôn trong giai đoạn vừa qua đã làm giảm số lượng lớn thôn, xóm. Tuy nhiên, việc tăng quy mô dân số, diện tích tự nhiên trong khi số lượng cán bộ thì giảm, do đó làm tăng khối lượng công việc cũng như làm tăng áp lực cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn nhưng mà chế độ phụ cấp vẫn thực hiện như trước khi sát nhập. Việc quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn là thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhưng các tỉnh không thể tăng mức phụ cấp này do Nghị định 34 của Chính phủ.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 34? Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 34, Bộ trưởng có đề xuất giải pháp như nào để tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương):
Nếu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 34/2019/NĐ-CP, Bộ có lấy ý kiến từ cấp cơ sở tại thôn, xã hay không ? Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu rõ chừng nào thì Nghị định mới ra đời để cán bộ cấp xã yên tâm công tác?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời:
Trả lời câu hỏi của đại biểu về xác định vị trí việc làm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2012 đến năm 2019, chúng ta cũng đã xác định vị trí việc làm, tuy nhiên việc này chuẩn bị cũng chưa thật đầy đủ, căn cơ.
Sau khi có Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 62 xác định vị trí việc làm đối với công chức và Nghị định 106 xác định vị trí việc làm đối với viên chức.
Hiện nay đã xác định được một khung chung. Cụ thể, vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính có 866 vị trí, trong đơn vị sự nghiệp là có 615 vị trí, ở cấp cơ sở (cấp xã) có 17 vị trí.
Thời gian tới, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng hoàn thiện lại các vấn đề liên quan đến xác định vị trí việc làm cũng như khung năng lực của vị trí việc làm để triển khai đồng bộ, toàn diện để đảm bảo quản lý biên chế theo vị trí việc làm.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã không có sự thay đổi lớn so với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, công chức không chuyên trách cấp xã, Bộ trưởng cho biết hiện nay có hai chế độ công vụ, một chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên và chế độ công vụ cấp xã.
Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã không có sự thay đổi lớn so với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, chỉ khác nhau về ngạch, còn cán bộ, công chức cấp xã trả lương theo trình độ đào tạo.
Đối với đội ngũ không chuyên trách, thời gian vừa qua khi thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương khóa 12, cơ cấu gọn hơn, theo đó số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã giảm đi nên đang thực hiện khoán kinh phí hoạt động đội ngũ không chuyên trách ở cấp xã và khoán đội ngũ không chuyên trách ở thôn.
Thực tế có bất cập nên đã nghiên cứu rất kỹ, đánh giá tác động một cách đầy đủ, toàn diện Nghị định 34 và nhận thấy nhiều bất cập cần sửa đổi. Hiện dự thảo đã lấy ý kiến lần 1 đối với 63 tỉnh, thành. Sau kỳ họp Quốc hội này, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét phù hợp hơn.
Bộ trưởng cho biết, sửa Nghị định 34 theo hướng phân cấp cho các địa phương căn cứ vào tổng số cán bộ, công chức của cấp xã cũng như cán bộ không chuyên trách các xã, thôn, tổ dân phố, căn cứ vào nguồn ngân sách của địa phương bố trí đủ số lượng người làm việc.
Giải pháp đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cấp phường
Đại biểu Lê Hoàng Hải (tỉnh Đồng Nai): Nhiều cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước nhưng chưa được giao biên chế sự nghiệp |
Đại biểu Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng):
Khi thực hiện chính quyền đô thị tại 3 thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, công chức phường thuộc biên chế của UBND quận được xác định như công chức từ cấp quận trở lên. Tuy nhiên, cán bộ chuyên trách khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội thì vẫn thực hiện theo Nghị định 34. Điều này không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tác động đến tâm tư của đội ngũ cán bộ chuyên trách ở phường.
Bộ trưởng có giải pháp như thế nào về vấn đề này?
Đại biểu Lê Hoàng Hải (tỉnh Đồng Nai):
Hiện nay nhiều cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước các lĩnh vực nhưng chưa được giao biên chế sự nghiệp nên quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều vướng mắc, nhất là đối với khối cơ quan thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính như Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng các địa phương hoặc khối Cảng hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa…
Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết phương án giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (tỉnh Đắk Lắk):
Việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức, vị trí việc làm dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng việc làm.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng có trách nhiệm như thế nào và Bộ Nội vụ có trách nhiệm ra sao để giải quyết thực trạng này?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Đảm bảo công bằng hợp lý cho đội ngũ cấp phường - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời:
Về tình trạng biên chế viên chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chức năng, công tác phối hợp của Bộ Nội vụ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chưa chặt chẽ, để dẫn tới tình trạng trên đối với một số lượng biên chế. Thời gian tới, Bộ sẽ đánh giá, xem xét lai kỹ lưỡng thực chất để đề xuất cơ quan có thẩm quyền chuyển biên chế viên chức này lại thành biên chế công chức để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định.
Về vấn đề biên chế cấp phường ở một số địa phương, Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo sơ kết 3 năm việc thực hiện chính quyền đô thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để sửa đổi số biên chế thuộc khối phường, lãnh đạo cấp ủy để trở thành biên chế cấp quận, đảm bảo công bằng hợp lý cho đội ngũ cấp phường.
Về giao biên chế sự nghiệp, Bộ trưởng cho biết, thực chất việc giao biên chế viên chức hàng năm, Bộ không có thẩm quyền; Bộ chỉ có đề xuất tham mưu cho Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu có học sinh thì phải có giáo viên. Tới đây, Bộ tiếp tục kiến nghị sửa đổi cho phù hợp hơn về nội dung này, đề nghị giao biên chế trên cơ sở định mức, các địa phương cũng cần sắp xếp lại quy mô hệ thống trường lớp, giảm bớt các điểm trường lẻ để giảm đầu mối, giảm biên chế giáo viên.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tranh luận:
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết, phần trả lời của Bộ trưởng về chính sách đối với đội ngũ không chuyên trách cấp xã đã rõ ràng và có giải pháp cụ thể. Tuy nhiên vẫn thiếu nội dung liên quan đến các chính sách liên quan đến thực trạng cán bộ nữ hoạt động không chuyên trách cấp xã không được hưởng chế độ thai sản do vướng quy định tại Điều 30 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, người hoạt động không chuyên trách cấp xã là đối tượng phải thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01/01/2016 và thực hiện chế độ bảo hiểm y tế từ ngày 01/01/2015.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm giải quyết vấn đề này thuộc về bộ, ngành nào? Tại sao vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội khóa XIV và nhiều cử tri kiến nghị nhiều lần cho đến nay vẫn chưa được giải quyết? Đồng thời cho biết giải pháp để đội ngũ cán bộ nữ hoạt động không chuyên trách cấp xã được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng trong thụ hưởng chính sách?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời tranh luận:
Bộ trưởng cho biết Bộ Nội vụ tiếp thu và trao đổi với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để làm rõ thêm các vướng mắc liên quan đến việc các cán bộ không chuyên trách làm công tác không chuyên trách ở cấp cơ sở chưa được hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc và những chính sách có liên quan.
Giải pháp sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức dôi dư
Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (tỉnh Đồng Nai):
Một là, Bộ Chính trị đã có quyết định giao bổ sung 65.850 giáo viên cho giai đoạn 2022- 2026. Tuy nhiên năm học 2022- 2023 tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn rất lớn; nhất là đối với các tỉnh/thành phố có số lượng học sinh tăng cao. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể về vấn đề này?
Hai là, vấn đề lương tối thiểu theo vùng, đội ngũ nhân viên làm công tác đơn vị hành chính sự nghiệp như văn thư, thủ quỹ, kế toán thì mức lương cơ bản thấp. Đại biểu đề nghị giải pháp cho vấn đề này?
Đại biểu Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau):
"Trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh" là thuật dùng người cũng là luật trị quốc. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kế luật số 14 trong đó chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi Bộ trưởng với nhiệm vụ quyền hạn của mình đã làm gì để biến chủ trương trên thành pháp luật, thành quy tắc xử sự có tính chất áp dụng chung?
Đại biểu Phạm Thị Kiều (tỉnh Đắk Nông):
Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị trong vùng dân tộc thiểu số. Đây là những hạt nhân tiêu biểu trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Để phát huy những kết quả đạt được, từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian tới, Bộ trưởng có những giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ nhằm phát huy đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh miền núi?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp):
Thứ nhất, trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong thời gian qua các địa phương đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách, không chuyên trách dôi dư, tài sản, trụ sở còn nhiều vướng mắc, đến nay có nơi chưa thực hiện xong.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp sắp tới vì chuẩn bị thực hiện sắp xếp giai đoạn hai, dự kiến dự báo sẽ khó khăn hơn?
Thứ hai, thời gian qua không ít cán bộ quản lý, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận. Với tư cách là tư lệnh ngành, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý cán bộ thuộc thẩm quyền về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nhận xét vấn đề này ra sao và cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời:
Trả lời câu hỏi đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam làm thế nào để giảm được 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện Quyết định số 40 của Bộ Chính trị trong đó xác định rõ mục tiêu từ 2022 đến năm 2026 chúng ta phải thực hiện được hai chỉ tiêu quan trọng nêu trên.
Đây là bài toán cần sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống trị, đồng sức, đồng lòng, trước hết tiếp tục thực hiện thật tốt cải cách tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó sắp xếp lại tổ chức bộ máy đơn vị hành chính bên trong của tất cả các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh cho đến Trung ương. Công việc quan trọng nữa đó là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã.
Vừa qua, Ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề rất sâu, rộng với kết quả rất là toàn diện về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2019 – 2021 cho thấy chúng ta đã làm được những kết quả rất tốt và cần tiếp tục làm trong thời gian tới. Để thực hiện được việc giảm biên chế thì không còn cách nào khác, đó là chúng ta phải tiếp tục cơ cấu lại và sắp xếp lại các tổ chức.
Nhóm vấn đề thứ hai, đó là tập trung hoàn thiện xong vị trí việc làm, khung năng lực của vị trí việc làm để xác định rõ biên chế của các cơ quan, đơn vị hành chính cũng như cơ quan, đơn vị sự nghiệp.
Vấn đề thứ ba là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Huy Khánh về lương tối thiểu theo vùng, đội ngũ nhân viên làm công tác đơn vị hành chính sự nghiệp như văn thư, thủ quỹ, kế toán thì mức lương cơ bản thấp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ trình tại Kỳ họp Quốc hội mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng tăng lên 20,8%, như vậy nhân viên đơn vị hành chính cũng trong diện được điều chỉnh lương này.
Sau khi thực hiện điều chỉnh lương này, nếu điều kiện đất nước năm 2023 và những năm tới ổn định tốt, tăng trưởng tốt sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo cao hơn lương tối thiểu vùng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về trọng dụng nhân tài, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, đây truyền thống của dân tộc ta, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về thu hút và trọng dụng nhân tài đã được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết, trong các văn kiện Đại hội Đảng… Đến thời điểm này, các địa phương đã thu hút sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ được khoảng gần 3.000 người nhưng đây là con số quá ít ỏi vào làm việc trong khu vực công.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút và trọng dụng nhân tài và sẽ có cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn đang lấy ý kiến của các bộ, ngành ban hành nghị định tổng thể bao quát thu hút và trọng dụng nhân tài…
Giải trình câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã, Bộ trưởng cho biết, bên cạnh kết quả đạt được cũng phát sinh một số vấn đề như cán bộ dôi dư, trụ sở một số nơi vẫn để lãng phí…
Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đang rà soát lại các chính sách có liên quan để có một bộ chính sách tốt hơn giải quyết, sắp xếp số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức bộ máy nói chung.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng giải trình câu hỏi của đại biểu về giải pháp để tham mưu cho Chính phủ nhằm phát huy đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh miền núi; việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước…
Giảm trên 7.400 đơn vị sự nghiệp công lập
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (tỉnh Đắk Nông) tranh luận:
Bộ trưởng cần báo cáo rõ hơn về tình hình tinh giản giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn vừa qua với Quốc hội và cử tri. Trong báo cáo của Bộ trưởng có nêu, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chậm ban hành và hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, Bộ trưởng không nêu địa chỉ rõ ràng. Do vậy, đại biểu Giang đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ vấn đề này cũng như trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời tranh luận:
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vừa qua các cơ quan đã nỗ lực sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, theo đó, giảm trên 7.400 đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời đẩy mạnh tự chủ tự chủ, tự chủ thường xuyên và cả tự chủ một phần. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của các đơn vị trong toàn hệ thống nhưng còn có những vấn đề liên quan đến đẩy mạnh thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện đã có nghị định của Chính phủ hướng dẫn về tự chủ tài chính và về mặt tổ chức bộ máy. Theo đó, trong các nghị định có giao thẩm quyền cho các Bộ theo chức năng phải xây dựng được quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp và xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật để đảm bảo thực hiện tự chủ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thừa nhận đúng như đại biểu đã nêu là dù các nghị định đã được xây dựng từ năm 2020 nhưng đến nay một số Bộ thì vẫn còn chậm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ Nội vụ chưa thường xuyên đôn đốc cũng như chưa kịp thời báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo một cách quyết liệt, rốt ráo để đảm bảo thực hiện khi đã có nghị định thì phải kịp thời có các thông tư. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong thời gian tới sẽ chủ động để phối hợp chặt chẽ với các Bộ, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc thực hiện công việc, để không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện tự chủ.
Giải pháp khắc phục bất cập trong việc phân bổ chỉ tiêu và tinh giản biên chế
Đại biểu Cao Mạnh Linh (tỉnh Thanh Hóa): Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đang còn chưa đáp ứng yêu cầu - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đại biểu Cao Mạnh Linh (tỉnh Thanh Hóa):
Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện nay chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đang còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự gắn với quy hoạch và yêu cầu của vị trí việc làm.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đại biểu cho rằng cùng với việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm thì cần chuyển hình thức bồi dưỡng bắt buộc theo ngạch hiện nay sang bồi dưỡng theo chức danh vị trí việc làm. Đồng thời chú trọng hướng đến đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của cơ quan, người được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng mục đích nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức, viên chức. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (tỉnh Hải Dương):
Cử tri cho rằng, việc phân bổ chỉ tiêu cũng như tinh giản biên chế ở một số nơi còn bất cập. Qua giám sát ở tỉnh Kiên Giang cho thấy, thành phố Phú Quốc là đơn vị có thu ngân sách chiếm khoảng 50% tổng thu ngân sách. Tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 25%-30% nhưng biên chế chỉ được bố trí ngang bằng với các huyện, thị khác. Một số địa phương khác cũng có tình trạng tương tự.
Việc bố trí biên chế và tinh giảm biên chế phải gắn với tổ chức bộ máy phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là các địa phương có tính chất đặc thù. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên. Đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện xử lý, khắc phục sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức thời gian qua và giải pháp gì để giải quyết triệt để tình trạng sai phạm trong tuyển dụng?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn
Tiếp tục điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo thêm về định mức biên chế của ngành giáo dục, về đôn đốc thực hiện 65 nghìn chỉ tiêu đến năm 2026 và việc thiếu nguồn để tuyển giáo viên ở các địa phương.
Giải pháp để giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc đang diễn ra
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:
Trân trọng cảm ơn những quan tâm đến vấn đề thiếu giáo viên của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo nêu rõ đây là vấn đề đã được các đại biểu cho ý kiến tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, một trong các khâu cần làm ngay là rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông.
Bộ đã chỉ đạo công tác trong hai năm qua và có những kết quả khả quan. Tuy nhiên mỗi địa phương có một kết quả rà soát khác nhau, có địa phương sắp xếp tương đối cơ giới, máy móc, cứng nhắc. Do đó, đề nghị tới đây việc sắp xếp cần đảm bảo khoa học, các học sinh có điều kiện học tập thuận tiện nhất, giáo viên cũng không quá khó khăn trong việc dạy của mình…
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, một trong những giải pháp cần thực hiện là tiếp tục tuyển theo chỉ tiêu cũ, vừa khẩn trương tuyển theo chỉ tiêu mới.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất, tạm tuyển đối tượng giáo viên đạt được tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đạt tiêu chuẩn mới, đồng thời đề ra lộ trình bồi dưỡng, nâng chuẩn cho các đối tượng này để đạt được tiêu chuẩn mới vào năm 2030.
Về giải pháp để giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc đang diễn ra, Bộ đang tiến hành nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trong đó vấn đề tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học cần được thực hiện cấp bách. Bên cạnh đó cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ chuyên môn.
Bộ trưởng cho rằng cần nâng cao năng lực của các trường Đại học Sư phạm; có lộ trình tăng lương cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, cải thiện môi trương làm việc, hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Bộ trưởng mong xã hội, phụ huynh và học sinh, cộng đồng xã hội có sự chia sẻ với các thầy cô, vì lợi ích của con em, những mầm non tương lại đất nước.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của các trường Đại học Sư phạm; có lộ trình tăng lương cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên.
Bộ trưởng mong xã hội, phụ huynh và học sinh, cộng đồng xã hội có sự chia sẻ với các thầy cô, vì lợi ích của con em, những mầm non tương lại đất nước.
Nhân dịp tháng 11, Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng thay mặt đội ngũ các thầy cô giáo cảm ơn Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng toàn thể nhân dân đã quan tâm, sẻ chia, động viên và tạo động lực cho ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Cắt giảm tối đa các loại chứng chỉ không cần thiết
TỔNG THUẬT: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn - Ảnh 3. |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời:
Về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong thời gian vừa qua, có nhiều đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo chức danh lãnh đạo, theo vị trí việc làm, cắt giảm tối đa các loại chứng chỉ không cần thiết. Điều đó cho thấy công tác này ngày càng đi vào thực chất. Thành quả đạt được là nhờ sự đồng tình của cử tri, của các ngành, các cấp. Công tác này sẽ được tiếp tục tăng cường thực hiện trong thời gian tới, đảm bảo chất lượng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, về công tác này, Bộ đang tăng cường phối hợp, hợp tác với các cơ sở giáo dục uy tín của nước ngoài của Nhật Bản, Pháp để đào tạo cán bộ, hướng tới đào tạo cán bộ trẻ cho chính quyền địa phương. Bộ đã phân cấp triệt để cho công tác đào tạo bồi dưỡng, Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện đúng theo quy định để công tác này đạt hiệu quả.
Đối với vấn đề phân bổ chỉ tiêu, Bộ trưởng nêu rõ, trong giai đoạn vừa qua, chúng ta phải chấp nhận việc giao chỉ tiêu, cắt giảm biên chế một cách cơ học, vì nếu không giao chỉ tiêu thì rất khó thực hiện tinh giản biên chế.
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ từng bước hoàn thiện thêm, khắc phục hạn chế, bổ sung thêm cho phù hợp, nhất là với các địa bàn quy mô dân số lớn, căn cứ trên cơ sở khoa học chặt chẽ, từng bước cơ cấu lại để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Về sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, Bộ trưởng cho biết, thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Bộ Nội vụ rà soát sai phạm tuyển dụng công chức, viên chức. Đây được coi như một cuộc tổng rà soát từ năm 2007 cho đến nay. Các địa phương, Bộ ngành cần chấn chỉnh, không để sai phạm trong lĩnh vực này.
Đề nghị Bộ trưởng chia sẻ khó khăn trong sắp xếp bộ máy
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (tỉnh Đắk Lắk) tranh luận:
Tranh luận tại hội trường, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ có quan điểm chia sẻ với những khó khăn hiện nay trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên.
Bên cạnh đó, hiện nay theo chủ trương của Bộ đang giao cho các địa phương tiến hành sắp xếp các trường, lớp để đảm bảo tinh gọn bộ máy giáo viên. Các địa phương vẫn đang triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng chia sẻ với địa phương là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hiện nay có kết cấu hạ tầng cơ sở rất khó khăn, việc sắp xếp các điểm trường, lớp là một quá trình, không phải địa phương nào, đơn vị nào cũng có thể làm được.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn
Tiếp tục phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cảm ơn Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã cung cấp số liệu rất ấn tượng, về đào tạo vị trí, việc làm với các chức danh trong hệ thống chính trị, trong đó có Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách và chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội mời đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn Đắk Lắk tranh luận.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (tỉnh Vĩnh Phúc):
Hiện nay, việc quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính đã dẫn đến sự bất hợp lý giữa đơn vị cấp xã có đông dân cư cũng như đơn vị cấp xã có ít dân cư; đồng thời không khuyến khích các địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Vì thực tế đơn vị hành chính cấp xã được thành lập mới sau khi sáp nhập chỉ bố trí không quá 23 cán bộ, công chức.
Bộ trưởng đánh giá vấn đề này như thế nào, có giải pháp gì để khắc phục sự bất cập này?
Đại biểu Cao Thị Xuân (tỉnh Thanh Hóa):
Đại biểu Cao Thị Xuân cho biết qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri kiến nghị quá trình triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố có phát sinh tình huống các địa phương thuộc khu vực đặc biệt khó khăn hoặc được công nhận nông thôn mới, an toàn khu nhưng sau khi sáp nhập với các địa phương không thuộc đối tượng nêu trên thì huyện, xã, thôn mới hình thành sẽ hưởng chế độ chính sách như thế nào?
Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho quá trình thực hiện ở dưới cơ sở. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình và hướng giải quyết như thế nào để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội):
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu giải quyết vấn đề tinh giản biên chế tuy đã đạt chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức?
Đại biểu cũng chuyển ý kiến của cử tri về thời gian thực hiện giải pháp khắc phục khó khăn cho các phường, xã có dân số rất đông, giúp các phường, xã này sớm phục vụ tốt hơn cho nhân dân?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Giải quyết mối quan hệ giữa thực hiện mục tiêu giảm biên chế với yêu cầu thực thi nhiệm vụ đặt ra - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời:
Trả lời câu hỏi về sắp xếp cán bộ, công chức theo phân loại đơn vị hành chính có những vấn đề chưa phù hợp, Bộ trưởng cho biết sắp xếp số cán bộ, công chức được xác định theo chuẩn chung là đô thị loại 1 là 23 người, đô thị loại 2 là 21 người, đô thị loại 3 là 19 người. Do đó có những điểm tồn tại, hạn chế có những địa phương có nơi có quá đông dân cư nhưng số lượng cán bộ công chức ít.
Tiếp thu vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tới đây sẽ sửa nghị định theo hướng ngoài theo phân loại đơn vị hành chính còn tính đến quy mô dân số, sau đó giao lại cho địa phương phân bổ phù hợp nhưng không quá định mức. Điều này nhằm giải quyết mối quan hệ giữa thực hiện mục tiêu giảm biên chế với yêu cầu thực thi nhiệm vụ đặt ra.
Đưa nền công cụ ngày càng tinh gọn, chất lượng
Đại biểu Vương Thị Hương (tỉnh Hà Giang) - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (tỉnh Quảng Ngãi):
Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại hội trường, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết, về vấn đề liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi giải thể chính quyền cấp xã tại huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để thực hiện chính quyền các cấp huyện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh những kết quả từ chủ trương này, huyện Lý Sơn đang gặp một số khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân do vướng mắc về thẩm quyền quy định của pháp luật. Những thủ tục, yêu cầu thực hiện tại UBND cấp xã thì giờ đây không thực hiện được do không còn chính quyền cấp xã. Ngoài ra, việc sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã sau khi giải thể vẫn còn khó khăn.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng xử lý, tháo gỡ các vướng mắc này để địa phương thống nhất thực hiện?
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (tỉnh Kiên Giang):
Trong thời gian qua, việc thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên mới chỉ đạt được tỉ lệ 6,6%.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để thực hiện hiệu quả tự chủ với đơn vị nghiệp công lập trong thời gian tới?
Đại biểu Lê Nhật Thành (Thành phố Hà Nội):
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị, thành phố Hà Nội không tổ chức Hội đồng nhân dân phường; tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, Hội đồng nhân dân phường.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết hoạt động giám sát của HĐND thành phố đối với những nơi không tổ chức HĐND quận, HĐND phường có những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc như nào? Đồng thời chỉ ra giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc đặt ra?
Đại biểu Vương Thị Hương (tỉnh Hà Giang):
Việc thực hiện tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay chưa tính tới yếu tố vùng, miền và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế do tỷ lệ biên chế hai ngành này chiếm trên 90% tổng biên chế viên chức của các địa phương.
Trong khi đó các tỉnh miền núi, biên giới với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ cũng như thực hiện xã hội hóa hai lĩnh vực này rất khó thực hiện, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bộ trưởng có giải pháp gì để chia sẻ và hướng dẫn các địa phương trong thời gian tới?
Quan điểm của Bộ trưởng về ý kiến cần thống nhất phân bổ tỷ lệ tinh giản biên chế viên chức giai đoạn 2022- 2026 theo hướng chia theo từng khu vực, vùng miền và không cào bằng, đề xuất với các tỉnh miền núi, biên giới tỷ lệ tinh giảm từ 3 đến 5%?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang):
Đại biểu cho biết, Báo cáo của Bộ Nội vụ có nêu tinh giản biên chế có đạt chỉ tiêu nhưng chỉ đạt về mặt cơ học. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết suy nghĩ về vấn đề này?
Để chủ trương này thực sự có hiệu quả, đưa nền công cụ ngày càng tinh gọn, chất lượng, đại biểu đặt câu hỏi Bộ Nội vụ có giải pháp căn cơ gì để tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ ?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết thúc Phiên chất vấn chiều 4/11
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, với tinh thần cầu thị, không né tránh, phần trả lời chiều nay của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã hoàn thành tương đối tốt.
Nguồn: Chính phủ
Ý kiến bạn đọc