Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Bộ trưởng Bộ TT&TT: Không có chuyện người có tiền vi phạm thì không bị xử lý

14:43, 04/11/2022

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan hành vi vi phạm của Nguyễn Phương Hằng trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sau khi xử lý hành chính 2 lần thì vụ việc đã được chuyển công an xử lý hình sự.

Sáng nay (4/11), nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) quan tâm công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội (MXH) với việc thông tin không kiểm chứng tràn lan, trong đó có vụ việc liên quan Nguyễn Phương Hằng (người thường xuyên đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân).

bo truong bo tt tt khong co chuyen nguoi co tien vi pham thi khong bi xu ly hinh anh 1

Đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

“Xin bộ trưởng cho biết vì sao lại như vậy, trách nhiệm bộ trưởng thế nào và cơ quan xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra việc đó ra sao, bộ rút kinh nghiệm gì về việc trên?” – đại biểu đặt vấn đề.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, lúc nào cũng coi thể chế là số 1. Vừa qua, trong vụ xử lý livesteam của Nguyễn Phương Hằng, rõ ràng là thể chế đi sau vì chưa có quy định pháp luật quản lý hành vi livestream.

“Chúng ta dùng thể chế cũ để xử lý hành chính 2 lần rồi, sau đó chuyển cơ quan công an điều tra và đang xử lý hình sự” – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Bộ trưởng cho biết, việc xử lý hành vi livestream sẽ được đưa vào Nghị định 72 và Thủ tướng sẽ ký ban hành trong năm nay. Theo đó, chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream, đã livestream thì phải công bố địa điểm, thời gian và nếu livesteam bán hàng có thu thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thu thuế.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng trả lời về xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi để xảy ra chậm trễ trong xử lý hành vi vi phạm.

“Lật lại một số vụ việc thì thấy cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông lý rất nhanh chứ không hẳn thiếu hành lang pháp lý như Bộ trưởng nói. Phải chăng người không có tiền, ít tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì chậm, nghe ngóng trước, xử lý sau” – đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm vấn đề này.

Đề cập có xử lý đơn vị, cá nhân chậm này hay không, ông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận cũng là vấn đề khó và bản thân ông nhận trách nhiệm chính.

“Mong đại biểu thông cảm, cuộc sống diễn biến thì khi tường minh rồi, như đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh là cái gì đã chín, đã rõ, đồng thuận thì đưa vào luật; cái nào chưa rõ, chưa chín thì thí điểm, xem xét. Quản lý Nhà nước thì chắc tay mới làm được” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

bo truong bo tt tt khong co chuyen nguoi co tien vi pham thi khong bi xu ly hinh anh 2

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Đề cập trường hợp Nguyễn Phương Hằng, Bộ trưởng Bộ TT-TT một lần nữa nhấn mạnh khi đối tượng có hành vi livestream thì thể chế chưa có quy định về hành vi này nên cơ quan chức năng sử dụng các hình thức khác để xử lý, phạt hành chính rồi chuyển cơ quan công an và nay ban hành nghị định thì đưa vào và có thể xử lý gọn gàng các hành vi này.

“Liệu có phải ít tiền thì xử lý, nhiều tiền thì không xử lý hay không? Tôi tự tin nói rằng các cơ quan của Bộ không có việc đó. Không có chuyện Nhà nước XHCN mà có việc không có tiền thì xử lý, có tiền thì không xử lý. Không có việc này trong chế độ của chúng ta” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

"Chúng ta phải có mạng xã hội Việt Nam"

Đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) dẫn số liệu hiện nay có hàng trăm triệu tài khoản tham gia nền tảng trực tuyến nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, trong đó đối với 3 mạng xã hội phổ biến nhất có tới 175 triệu tài khoản.

“Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ như hiện nay thì việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu người dùng của các nền tảng trực tuyến là vấn đề không thể xem nhẹ” – đại biểu lưu ý và đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, MXH thu thập và kinh doanh trên dữ liệu cá nhân.

“Về giải pháp đột phá, cũng trên diễn đàn Quốc hội tôi từng nói cách đây 3 năm là chúng ta phải có mạng xã hội Việt Nam, không thể bỏ nền tảng này được vì đây cũng là một trong những nền tảng số” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, nếu năm 2009, các mạng xã hội Việt Nam có xấp xỉ 40 triệu tài khoản thì hiện nay với 10 mạng xã hội Việt Nam lớn nhất đã có gần 130 triệu tài khoản, tương đương facebook và youtube cộng lại. Đây là giải pháp giữ lại dữ liệu ở Việt Nam.

Liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân, cơ quan chức năng sẽ có nghị định và tiến tới có luật để tạo hành lang pháp lý vững chắc. Các quốc gia họ ý thức rất lớn vấn đề này nên có khung phạt về vi phạm rất lớn, có khi lên tới hàng tỷ đô la với DN kinh doanh thu thập; mức tù đến 10 năm./.

Nguồn: VOV


Ý kiến bạn đọc