Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

50 năm Hiệp định Paris: Âm mưu chia cắt Việt Nam không thành

19:48, 25/01/2023

Với thắng lợi của Hiệp định Paris, chúng ta đã tiến một bước dài quan trọng trong việc xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước trong suốt 20 năm ròng rã. 

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Theo nội dung của bản Hiệp định, Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Trong thời gian 2 năm sẽ thống nhất hai miền trên cơ sở một cuộc tổng tuyển cử tự do. Trong thời gian này, không nước nào được đưa vào Việt Nam các dạng vũ khí như máy bay chiến đấu, tàu hải quân, pháo lớn và xe bọc thép. Hiệp định cũng ghi rõ, không một nước nào được thiết lập căn cứ quân sự ở hai miền. Hai bên không được gia nhập vào khối liên minh quân sự nào, không được lợi dụng để tái diễn tình trạng chiến tranh.

50 nam hiep dinh paris Am muu chia cat viet nam khong thanh hinh anh 1
Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Phiên khai mạc Hội nghị bốn bên về Việt Nam tại Paris, ngày 25/1/1969.

Mỹ là một bên, một thành viên tham gia Hội nghị Geneve. Cho dù nước Mỹ không ký vào Hiệp định này, thì nó vẫn có giá trị pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ đã ngang nhiên phá hoại Hiệp định, đưa quân vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Vì thế, vấn đề mấu chốt nhất trên bàn đàm phán Paris chính là vấn đề rút quân Mỹ ra khỏi chiến trường miền Nam. Và với thắng lợi của Hiệp định Paris, chúng ta đã tiến một bước dài quan trọng trong việc xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước trong suốt 20 năm ròng rã. 

Ngày 8/5/1969, Đại diện cho Phái đoàn Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Trần Bửu Kiếm đưa ra đề nghị giải pháp 10 điểm cho Hội nghị Paris. Trong đó, có nội dung lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam do các bên miền Nam giải quyết. Đề nghị này, mở đường cho việc Mỹ rút lui trong danh dự mà vẫn có khả năng giữ được chính quyền tay sai Sài Gòn. Chúng ta đã nhân nhượng như vậy, nhưng Tổng thống Mỹ Nixon vẫn cố tình phớt lờ đề nghị. Ông ta ngang nhiên đưa ra yêu cầu, mặc cả với chúng ta, nếu quân Mỹ rút thì quân miền Bắc cũng phải rút khỏi miền Nam.

Người Mỹ hiểu rằng, với hơn nữa triệu quân, binh hùng tướng mạnh, vũ khí trang bị đầy đủ, hiện đại nhất thế giới mà trong suốt 4 năm, kể từ năm 1968, Mỹ và ngụy vẫn không giành được mục tiêu đề ra. Nay nếu Mỹ rút đi, tương quan so sánh lực lượng sẽ có sự chênh lệch, bất lợi cho Nguyễn Văn Thiệu. Vì thế, nếu Mỹ rút đi mà quân đội miền Bắc vẫn còn ở lại, thì sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong khi đó, chúng ta kiên trì lập luận, Mỹ là kẻ đi xâm lược, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vì vậy, Mỹ phải rút toàn bộ quân Mỹ và quân chư hầu khỏi Việt Nam.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phân tích: "Quá trình đàm phán, chúng ta trước sau kiên định hai điều. Một là, Mỹ phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Việc của Việt Nam phải do Việt Nam quyết định. Hai là dứt khoát Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi Việt Nam. Còn quân đội Việt Nam, dù là ở miền Nam hay miền Bắc cũng trên đất Việt Nam, không có chuyện rút đi đâu cả, không thể rút ra khỏi đất nước mình".

Còn Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho rằng, đó là âm mưu, ý đồ của Mỹ.

"Mỹ không muốn chấp nhận ngay những yêu cầu của Việt Nam Dân chủ cộng hòa và sau này là của Chính phủ lâm thời đưa ra. Yêu cầu chấp nhận cao nhất của chúng ta là quân Mỹ rút ra, quân ta ở lại. Nói ngắn gọn là như thế. Bởi vì, Việt Nam là của chúng tôi. Mỹ xâm lược Việt Nam, bây giờ nếu muốn hòa bình ở Việt Nam thì Mỹ cứ về đi. Chúng tôi tự giải quyết. Yêu cầu cơ bản đó Mỹ biết nhưng Mỹ không chấp nhận. Và để không chấp nhận chuyện đó, họ vin vào đủ mọi cớ, để chưa đặt bút ký. Cho nên riêng chuyện Chính phủ lâm thời có được tham gia hay không phải mất mấy hội nghị bàn đi bàn lại", Thiếu tướng Vũ Quang Đạo thông tin thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng. (Ảnh: Trí thức Việt Nam)

Khi gây ra cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, Mỹ luôn rêu rao, xuyên tạc cho rằng, miền Bắc xâm lược miền Nam. Mỹ phải có trách nhiệm ngăn chặn cộng sản xuống miền Nam Việt Nam. Họ còn tuyên truyền kích động dư luận thế giới, cho rằng miền Bắc là tay sai của các thế lực cộng sản nước ngoài. Do đó, họ ngang nhiên đưa ra đòi hỏi quân đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định: Đây là một đòi hỏi vô lý. Bởi lẽ, nước Việt Nam là một thực thể độc lập, thống nhất và có chủ quyền. Sự phân chia hai miền Nam - Bắc sau Hiệp định Geneve năm 1954, chỉ là sự phân chia mang tính tạm thời. Nhưng người Mỹ luôn tìm cách đánh đồng bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của mình với sự có mặt của quân đội miền Bắc ở chiến trường miền Nam.

"Chúng ta kiên trì nguyên tắc đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Miền Bắc giúp đỡ miền Nam để đánh thắng kẻ thù xâm lược, chứ không đi xâm lược ai cả. Trong lịch sử, đất nước ta là một dải thống nhất. Mỹ đã cam tâm chia cắt vĩ tuyến 17 thành ranh giới quốc gia. Chúng ta kiên trì quan điểm ấy đến khoảng giữa năm 1971 thì Mỹ thôi đòi hỏi bộ đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam. Trong khi đó, chúng ta vẫn kiên trì yêu cầu Mỹ đưa ra lịch trình rút quân ra khỏi Việt Nam, rút càng nhanh càng tốt", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong cuộc họp báo tại Paris. (Nguồn: Getty Images)

Dù đã có sự tác chiến trực tiếp của quân Mỹ và quân chư hầu có thời điểm lên tới hơn nửa triệu quân, với tất cả những vũ khí tối tân hiện đại, nhưng người Mỹ vẫn thất bại. Với thực trạng đó, nếu người Mỹ rút khỏi chiến trường miền Nam thì quân đội và chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa sẽ nhanh chóng bị đè bẹp, Việt Nam sẽ thống nhất. Và ngược lại, nếu ta rút quân đội miền Bắc ra khỏi miền Nam, thì lực lượng Quân giải phóng miền Nam sẽ khó chống đỡ nổi quân lực Việt Nam Cộng hòa với sự giúp đỡ của Mỹ. Và như thế miền Nam sẽ không được giải phóng, nước Việt Nam sẽ bị chia cắt lâu dài thành hai miền giống như tình trạng của Triều Tiên và Hàn Quốc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, những mâu thuẫn trong giới chóp bu Lầu Năm Góc với chính quyền tai sai Nguyễn Văn Thiệu là bài toán nan giải, chính vì chưa đưa ra được đáp số cho bài toán này mà người Mỹ còn chần chừ, do dự khi quyết định rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

"Đó cũng là sản phẩm họ đẻ ra họ phải chịu. Đó chính là chính quyền Việt Nam cộng hòa. Bởi vì chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nhất là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó, đã thấy rõ được là, nếu như kết thúc cuộc chiến bằng cách là Mỹ rút ra, mà để lại nguyên si cái lực lượng này. Tức là Quân Giải phóng ở lại đây, Quân đội nhân dân Việt Nam ở trên đất nước của mình, một cách tất yếu như vậy, thì sớm muộn chính quyền Việt Nam Cộng hòa sẽ không còn tồn tại. Cho nên họ tìm mọi cách để níu kéo Mỹ, lôi kéo Mỹ, không được thì họ còn phản đối Mỹ. Cho nên, mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong quá trình đàm phán ở Paris, là một trong những vấn đề, một bài toán khó giải nhất của Tổng thống Mỹ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. (Ảnh: Học viện cán bộ TP.HCM)

Quan điểm của chúng ta khẳng định rất rõ: Đây là đất nước Việt Nam, người Việt Nam dù ở bất cứ miền nào trên lãnh thổ Việt Nam đều có nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia đánh đuổi quân xâm lược. Vì vậy, phái đoàn đàm phán của ta nhận chỉ thị phải dứt khoát đạt cho được mục tiêu: Quân Mỹ thì ra còn quân ta ở lại. Quán triệt tinh thần chỉ đạo đó, các đoàn ngoại giao của ta đã ứng biến linh hoạt để đi tới ngày ký kết. Đây cũng là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

"Tôi nghĩ dĩ bất biến ở đây chính là dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, tuy nhiên để đạt được nguyên tắc đó thì phong cách, thao tác nội dung ngoại giao có những điều khoản cụ thể, chúng ta có thể uyển chuyển, nhưng cuối cùng, quan trọng nhất không thể xa rời, đó là lợi ích dân tộc. Cũng giống như trong đấu tranh Paris, chúng ta giữ vững ngay từ đầu những nguyên tắc, đó là Mỹ mang quân đến xâm lược Việt Nam thì họ buộc phải rút quân ra khỏi Việt Nam, công việc của người Việt Nam do người Việt Nam quyết định và có đủ khả năng quyết định", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà nêu thêm.

16h ngày 29-3-1973, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ làm lễ cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam. (Ảnh tư liệu).

Hai tháng sau khi Hiệp đinh Paris được ký kết, Bộ Chỉ huy Quân viễn chinh Mỹ đã làm lễ cuốn cờ, đánh dấu sự kết thúc hiện diện của 2,6 triệu lượt quân Mỹ từng có mặt ở Việt Nam trong suốt 20 năm tham chiến. Với việc quân Mỹ rút khỏi miền Nam, trong khi bộ đội miền Bắc vẫn tiếp tục ở lại, điều đó đã tạo ra tình thế mới rất có lợi để chúng ta tiếp đà thắng lợi đánh cho ngụy nhào. Như vậy, ranh giới phân chia hai miền trên lý thuyết và thực tế đã bị xóa bỏ, âm mưu chia cắt đất nước ta của người Mỹ đã biến thành ảo vọng. Để có được những thắng lợi vang dội cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán, chúng ta luôn nêu cao tinh thần tự lực, chính nghĩa. Và trên thực tế, đại nghĩa đã thắng hung tàn, chí nhân đã thay cường bạo./. 

Nguồn: VOV.VN


Ý kiến bạn đọc