Ngày 10/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tổ chức hội nghị Triển khai kế hoạch công tác năm 2023 lĩnh vực phát thanh, truyền hình.
Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng Cờ thi đua khen thưởng cho các Đài phát thanh-truyền hình có thành tích xuất sắc năm 2022.
Theo đánh giá của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, năm 2022, cả nước có 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình. Công tác thông tin tuyên truyền chính trị vẫn là nhiệm vụ hàng đầu được các Đài phát thanh-truyền hình thực hiện nghiêm túc, chất lượng theo đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng nội dung từ các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí.
Tổng cộng, thời lượng phát sóng phát thanh đạt trung bình 78.358 phút/ngày (trong đó, thời lượng tự sản xuất phát mới đạt 38.423 phút/ngày); 236.483 phút/ngày đối với truyền hình (trong đó, thời lượng tự sản xuất phát mới 43.585 phút/ngày).
Các Đài phát thanh-truyền hình đã thông tin tuyên truyền kịp thời, trung thực toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế; có đổi mới, sáng tạo trong hoạt động tuyên truyền. Nhiều Đài phát thanh-truyền hình đã kịp thời triển khai ứng dụng hạ tầng số để chuyển tải các sản phẩm, chương trình, tiếp cận được nhiều khán giả, duy trì lượt truy cập cao, chất lượng ổn định. Hoạt động hợp tác đồng sản xuất, phát sóng các chương trình chung của Cụm thi đua đã có nhiều chuyển biến tích cực; nội dung, chất lượng chương trình chung có nhiều đổi mới, có tính thời sự, thực tiễn, gắn kết các vùng miền và địa phương.
Tính đến 1/12/2022, tổng nguồn thu của các Đài phát thanh-truyền hình cả nước đạt hơn 15.159 tỷ đồng, tăng 1% (tăng hơn 205 tỷ đồng) so với năm 2021 (hơn 14.953 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp hơn 4.967 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2021; doanh thu dịch vụ hơn 10.192 tỷ đồng, tăng 5,6%.
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội nghị, đại diện các Đài phát thanh-truyền hình cả nước cũng nêu thực trạng phải đối mặt nhiều thách thức như: Doanh thu quảng cáo suy giảm; hoạt động liên kết sản xuất chương trình còn nhiều tồn tại bất cập; cơ chế tự chủ tại các Đài phát thanh-truyền hình gặp nhiều khó khăn kinh phí hoạt động.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông biểu dương những thành tích của các cơ quan phát thanh-truyền hình trong năm 2022. Trong giai đoạn hiện nay, xu hướng chuyển đổi số tạo ra những thách thức phải tiếp cận với người xem, người nghe theo phương thức phù hợp với họ trên nền tảng công nghệ số.
Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng Cờ thi đua khen thưởng cho các Cụm thi đua.
Để làm được điều này, chúng ta phải giải quyết bài toán kỹ thuật, toán kết nối và kinh phí thông qua hoàn thiện thể chế. Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 đến năm 2030, trong đó Bộ sẽ hỗ trợ việc này bằng cách làm việc, kết nối với tất cả các nhà sản xuất tin ti-vi thông minh trong nước để năm nay phải tích hợp, cài sẵn những ứng dụng phát thanh, truyền hình chính thống lên nền tảng số của ti-vi thông minh. Từ đó, có thể lan tỏa thông tin chính thống trên không gian số để lấn át thông tin xấu độc. Song song đó, các Đài phát thanh-truyền hình cả nước có sự gắn kết học hỏi lẫn nhau, đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước cùng vượt qua khó khăn và cùng phát triển.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng 9 Cờ thi đua khen thưởng cho các Đài phát thanh-truyền hình có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua; trao tặng 20 Bằng khen cho các Đài phát thanh-truyền hình có thành tích xuất sắc; trao tặng 8 Bằng khen cho các đồng chí Cụm trưởng các Cụm thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tặng 123 Bằng khen cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua của các Đài phát thanh-truyền hình.
Nguồn: Báo Nhân dân
Ý kiến bạn đọc