Chủ nghĩa Mác-Lênin (còn gọi là học thuyết Mác-Lênin) do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập vào những năm 40 của thế kỷ XIX, được V.I.Lênin bổ sung, phát triển vận dụng thành công trong Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (năm 1917), mở đầu cho phong trào xây dựng chế độ xã hội tốt đẹp cho nhân loại - xã hội xã hội chủ nghĩa, và tiến tới xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội thành kính tưởng nhớ Lãnh tụ V.I.Lênin. |
Ra đời cách đây hơn 170 năm tính từ khi C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập, nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn phát huy sức sống mãnh liệt trong thời đại ngày nay, thể hiện ở cả phương diện lý luận và thực tiễn.
Về lý luận, giới học giả nhiều nước trên thế giới vẫn quan tâm nghiên cứu học thuyết Mác-Lênin, các trào lưu mác-xít vẫn không ngừng tranh luận, trao đổi góp phần làm sâu sắc hơn các nội dung của học thuyết.
Về thực tiễn, một số nước kiên định đi theo con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, được nhân dân thế giới ghi nhận và đánh giá cao như Việt Nam, Trung Quốc... Sở dĩ chủ nghĩa Mác-Lênin còn sức sống mãnh liệt như vậy là bởi nhiều nội dung của học thuyết Mác-Lênin vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong thời đại ngày nay.
Trong khuôn khổ bài viết này xin tập trung bàn về giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin trong nhận thức, cải tạo xã hội trong thời đại ngày nay-đó là thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh khoa học-công nghệ phát triển như vũ bão và toàn cầu hóa.
Giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin trong nhận thức, cải tạo thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin, các nhà kinh điển Mác-Lênin đã khẳng định, xã hội loài người nhất định sẽ vận động và phát triển theo các hình thái kinh tế-xã hội, từ hình thái kinh tế-xã hội cộng sản nguyên thủy đến chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và tương lai là cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Đó là quy luật vận động, phát triển tất yếu của nhân loại.
Hiện nay, đa số các quốc gia đã vượt qua ba hình thái kinh tế-xã hội đầu tiên, và đang ở hình thái kinh tế-xã hội thứ tư là tư bản chủ nghĩa, một số quốc gia sớm lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, có thể khẳng định, thời đại ngày nay là “thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”(1).
Về mặt nguyên tắc, thời đại quá độ được bắt đầu từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga thành công cho đến khi nhân loại xây dựng xong chủ nghĩa xã hội. Đặc trưng của thời đại quá độ đã được V.I.Lênin phân tích: “Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng thừa nhận là có”(2).
Chỉ dẫn của V.I.Lênin cho phép chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, thời đại ngày nay là thời đại đan xen cả hai chế độ tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, do đó rất đa dạng và phức tạp, mặc dù về bản chất các chế độ có sự khác nhau, nhưng V.I.Lênin đã chỉ ra rằng, các nước theo các chế độ khác nhau có thể chung sống hòa bình và hợp tác với nhau trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi.
Giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với việc nhận thức chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay.
Hiện nay một số nước kiên quyết đi theo con đường chủ nghĩa xã hội và gặt hái được những thành công, nhưng phải thừa nhận những nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa đang chiếm đa số. Do đó, để nhận thức thời đại ngày nay không thể không tìm hiểu về chủ nghĩa tư bản hiện đại. Học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác-Lênin cho phép hiểu rõ bản chất, quy luật vận động của chủ nghĩa tư bản.
Mặc dù chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có những điều chỉnh để thích nghi với thời đại và có những bước phát triển nhất định, nhưng bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa vẫn là thu lợi nhuận từ bóc lột giá trị thặng dư, kéo theo đó là áp bức, bất công, do đó chế độ tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ bị thay thế bởi chế độ xã hội tốt đẹp hơn, đó là chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nguồn: Báo Nhân dân
Ý kiến bạn đọc