V.I. Lê-nin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động toàn thế giới. Tư tưởng của V.I. Lê-nin đã soi đường cho Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH, trong đó có đường lối phát triển kinh tế của đất nước.
V.I. Lê-nin (Vladimir Ilyich Lenin) sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là TP Ulyanovsk - nước Nga). Ông là người sớm đón nhận học thuyết chủ nghĩa xã hội, sớm tiếp cận chủ nghĩa Mác và phương pháp cách mạng nhân dân.
V.I. Lê-nin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới. Ảnh tư liệu/TTXVN. |
Mùa thu 1895, V.I. Lê-nin thành lập Hội Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, tập hợp các nhóm cách mạng ở Saint Petersburg. Năm 1900, Lê-nin lại tập hợp những người Mác-xít cách mạng để thành lập đảng.
Tháng 4/1905, tại Đại hội lần thứ III Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga, V.I. Lê-nin được bầu là Chủ tịch đại hội. Tại đại hội này, Ủy ban Trung ương đã được bầu do V.I. Lê-nin đứng đầu. Từ năm 1905-1914, bằng nhiều phương thức hoạt động, V.I. Lê-nin đã lãnh đạo cách mạng Nga. Trong thời gian Đại chiến thế giới lần thứ I (1914-1918), V.I. Lê-nin đưa ra khẩu hiệu biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng và đề ra đường lối khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Hàng vạn quần chúng đã tổ chức tuần hành, mít tinh để chào đón V.I. Lê-nin - người con ưu tú của nước Nga tại nhà ga ở thành phố Petrograd. Ảnh tư liệu/TTXVN.
Tối 6/11/1917, V.I. Lê-nin đến Cung điện Smolnưi trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đến đêm 7/11/1917, Cách mạng tháng Mười Nga toàn thắng; chính quyền về tay Nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời. Tại Đại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ II, V.I. Lê-nin được bầu là Chủ tịch Hội đồng các ủy viên nhân dân (Hội đồng Dân ủy).
Ngày 30/8/1918, V.I. Lê-nin bị ám sát và bị thương nặng, nhưng sau đó ít lâu sức khỏe hồi phục. Tháng 3/1919, Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Nga đã thông qua Cương lĩnh mới của Đảng, V.I. Lê-nin được bầu là Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Cương lĩnh mùa xuân năm 1920. Thời gian này, ông soạn thảo xong kế hoạch xây dựng CNXH; sáng lập ra Kế hoạch điện khí hóa toàn Nga (GOELRO), đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP). Ngày 21/4/1924, V.I. Lê-nin qua đời ở làng Gorki, gần Thủ đô Moskva.
V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7/11/1918. Ảnh tư liệu/TTXVN.
Một trong những di sản quý báu của V.I. Lê-nin để lại cho nhân loại là NEP. Đó là về tính tất yếu phải phát triển kinh tế nhiều thành phần, về việc áp dụng chính sách thuế lương thực thay cho chính sách cộng sản thời chiến, về luân chuyển cán bộ từ trung ương về địa phương, về thực hiện các hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước; đó là tô nhượng và hợp tác xã, về việc coi trọng người nông dân và phát triển kinh tế nông thôn, phát triển kinh tế tri thức.
Những tư tưởng của V.I. Lê-nin đã soi sáng nhận thức, tư duy của Đảng và Nhân dân ta về thời kỳ quá độ lên CNXH, mà trọng tâm là đường lối phát triển kinh tế của đất nước. Vận dụng sáng tạo NEP của V.I. Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam, Đảng đã đổi mới tư duy, khởi xướng và lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước.
Qua các kỳ đại hội, Đảng ta đều khẳng định nền kinh tế nước ta có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời cũng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò là cầu nối quan trọng với thế giới về chuyển giao công nghệ, giao thương quốc tế.
Qua các kỳ đại hội, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lê-nin vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
“Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt về nhận thức nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quá độ là một nền kinh tế nhiều thành phần, đã được khẳng định từ Đại hội VI của Đảng và tư tưởng này được các đại hội từ Đại hội VII đến nay kế thừa và đặc biệt gần đây nhất là các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung và hoàn thiện với nhiều nội dung, biện pháp, chính sách mới.
Một trong những nội dung định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng khẳng định, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, SXKD…
Tư tưởng của NEP còn được Đảng ta phát triển, mở rộng ở tầm cao mới, đó là phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ Chính sách kinh tế mới của V.I. Lê-nin, Đảng ta không chỉ tìm tòi, vận dụng sáng tạo, mà còn phát triển, mở rộng lên một tầm cao mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gần 35 năm qua.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang được triển khai mạnh trên toàn thế giới, việc vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp tư tưởng của V.I. Lê-nin sẽ tiếp tục soi sáng cho đường lối phát triển kinh tế của đất nước ta.
Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Ý kiến bạn đọc