"4 hơn” là: Làm tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa và 3 không là: Không đùn đẩy, không né tránh và không đổ lỗi khách quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu
Từ sau Phiên họp thứ 23 (tháng 01/2023) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến mới, tích cực, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương. Nội dung này tiếp tục được Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNTC nhấn mạnh tại cuộc họp sáng 10/5.
Kết quả là các cơ quan chức năng từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã phối hợp chặt chẽ trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm liên quan các vụ án, vụ việc theo yêu cầu của Ban chỉ đạo.
Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, như các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm một số địa phương; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án Việt Á, Vạn Thịnh Phát, AIC.
Mặc dù số lượng công việc nhiều, trong đó có những vụ án, vụ việc phức tạp, tồn đọng, nhưng đã được xử lý bài bản, nghiêm minh và rất nhân văn, có lý, có tình, được cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt vừa bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa vừa đúng tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vừa thu hồi được tài sản.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã phát huy được tinh thần trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh khẩn trương vào cuộc, khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế, không thể đảo ngược.
Tinh thần phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể đó là ai” tiếp tục được khẳng định qua kết quả xử lý cán bộ mắc vi phạm. Cụ thể, các cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc Sở và tương đương trở lên, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND cấp tỉnh, 2 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Thông tin thêm về kết quả cuộc họp diễn ra chiều 10/5, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, một bước tiến mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý cán bộ được Thường trực Ban chỉ đạo nhấn mạnh đó là xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực được phân công phụ trách, qua đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, từ chức, xin thôi chức vụ.
"Tổng Bí thư khẳng định, đây là cách làm rất mới, chưa có tiền lệ, thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn; xử lý đồng bộ, kịp thời giữa phòng chống tham nhũng với công tác cán bộ, với xây dựng Đảng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Thực hiện "4 hơn", "3 không"
Ông Đặng Văn Dũng cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã nêu những tồn tại, hạn chế, đó là mặc dù xử lý nghiêm, quyết liệt nhưng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu “dù đã xử lý nghiêm nhưng nhiều người chưa biết sợ, vẫn tiếp tục sai phạm”. Bên cạnh đó, việc khắc phục sơ hở, bất cập của chính sách còn chậm; nhiều chính sách còn sơ hở, thiếu sót; tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm, xử lý công việc lòng vòng, đùn đẩy cho nhau.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng thông tin, về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng cần phát huy kết quả đạt được, thực hiện “4 hơn” là: Làm tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa và 3 không là: Không đùn đẩy, không né tránh và không đổ lỗi khách quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, vừa đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng vừa tăng cường công tác phòng chống tiêu cực mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý từ sớm, từ xa.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đề nghị, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm tỉnh, thành phố; khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án trong Quý II/2023.
“Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất chủ trương phân hóa xử lý đối tượng trong vụ án liên quan Cục Đăng kiểm để làm sao xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, cầm đầu, người cố tình vi phạm, đồng thời có cơ chế phù hợp, khoan hồng với những đăng kiểm viên, người làm công ăn lương mà không chủ động hay cố ý hưởng lợi. VKSND Tối cao là cơ quan được giao chủ trì nghiên cứu tham mưu, ban hành cơ chế phân hóa xử lý tội phạm”, ông Đặng Văn Dũng đồng thời thông tin Thường trực Ban chỉ đạo yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng chỉ đạo, hướng dẫn khôi phục xử lý những vụ án có đối tượng bỏ trốn mà lâu nay chưa xử lý được theo tiền lệ vừa xử lý trong vụ AIC.
“Vừa qua, đối tượng cầm đầu bỏ trốn chúng ta vẫn xử lý được, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ các đối tượng không thể chạy đi đâu được”, ông Đặng Văn Dũng nói./.
Nguồn: VOV
Ý kiến bạn đọc