Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Khai mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

08:09, 12/10/2023

Phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng nay (11/10) tại Nhà Quốc hội. Dự kiến phiên họp diễn ra tới ngày 17/10.

Khai mạc Phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh 1.

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng nay (11/10) tại Nhà Quốc hội - Ảnh: VGP/ĐH

Theo Chủ tịch Quốc hội, tại phiên họp này (dự kiến trong 5 ngày làm việc), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 16 nhóm nội dung quan trọng.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với 12 nội dung phải chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế-xã hội, gồm: Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. 

Cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về vấn đề tài chính ngân sách, bao gồm: Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó có tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 và lộ trình, các phương án để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Kết quả tiếp công dân xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023. 

Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023. Tham gia ý kiến về Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Theo quy định và thông lệ tại phiên khai mạc kỳ họp cuối năm, ngay trong ngày khai mạc, các báo cáo trên đây sẽ được trình bày trước Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng để tham gia ý kiến cụ thể, làm cơ sở cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở nghiên cứu để hoàn thiện có chất lượng cao nhất và đảm bảo là phản ảnh một cách đầy đủ, khái quát, trung thực các ý kiến phản ánh và nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước về những vấn đề lớn mà phải báo cáo với Quốc hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, cho ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới. 

Cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Trên cơ sở xem xét toàn diện công tác chuẩn bị và các nội dung trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần cuối cùng về chương trình nội dung kỳ họp thứ 6 để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại phiên họp trù bị.

Nhấn mạnh khối lượng công việc của phiên họp nhiều, tính chất phức tạp, độ khó cao, thời gian gấp rút, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các nội dung, bảo đảm chất lượng phiên họp là tốt nhất.

Nguồn: Chính phủ


Ý kiến bạn đọc