Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử
Chiều 24/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6.
Ngày 24/10, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 6.
Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về:
+ Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
+ Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương).
+ Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
+ Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
+ Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
+ Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cuối buổi chiều, Quốc hội bắt đầu các quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Sau đó, các đại biểu thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Trao đổi với báo chí về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho công tác này. Toàn bộ kết quả lấy phiếu sẽ được công khai. Văn phòng Quốc hội sẽ có thông báo chính thức về kết quả lấy phiếu.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh trả lời câu hỏi của nhà báo về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6
Đại diện Ban Công tác đại biểu cho biết đã nhận đầy đủ báo cáo, kê khai tài sản của người có liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm. Các báo cáo theo quy định được gửi trước 20 ngày và đến nay đã được gửi đầy đủ tới các đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp sẽ có phiên thảo luận tại đoàn để các đại biểu có ý kiến về các báo cáo, kê khai tài sản.
Về lý do lấy phiếu tín nhiệm đầu kỳ họp thay vì sau phiên chất vấn, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, việc lấy phiếu nhằm đánh giá suốt từ đầu nhiệm kỳ nên việc lấy phiếu tín nhiệm đầu kỳ họp là phù hợp.
Quốc hội khoá XV đến nay đã bầu và phê chuẩn 50 chức danh. Hiện có 49 chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, một số chức danh sẽ không được lấy phiếu tín nhiệm là các chức danh nghỉ hưu, được bầu trong năm 2023.
Trả lời câu hỏi liên quan phản ánh về trách nhiệm nêu gương của người được lấy phiếu và vợ con, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, chưa nhận thông tin gì liên quan. Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp tục theo dõi các vấn đề phát sinh và báo cáo Quốc hội.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc