Trong các bài viết của mình, nguyên tắc cơ bản của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát là: “vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt".
Mới đây, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Bộ ngành liên quan tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách: 'Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc 'cây tre Việt Nam'' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với vai trò là cơ quan xuất bản sách lý luận chính trị nòng cốt của Đảng và Nhà nước, đã xuất bản nhiều bộ sách có giá trị về lý luận và thực tiễn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xác định đây là vinh dự, song cũng đòi hỏi trách nhiệm lớn, cần sự chính xác, cẩn trọng, tỉ mỉ, chu đáo để cuốn sách hoàn thành và ra mắt đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hình thức thể hiện phong phú, hấp dẫn. Từ đó góp phần giúp các ban, bộ, ngành và địa phương, cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại nắm vững, hiểu rõ và thực hiện có hiệu quả công tác quan trọng này, nỗ lực nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Dịp này, phóng viên VOV phỏng vấn bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật |
PV: Thưa bà, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là cơ quan xuất bản sách lý luận chính trị nòng cốt của Đảng và Nhà nước, đã xuất bản nhiều bộ sách có giá trị về lý luận và thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Mới đây, Nhà xuất bản đã tổ chức biên tập, xuất bản cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Vậy bà có thể cho biết cuốn sách ra đời có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với công tác đối ngoại, ngoại giao của nước ta trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước?
Bà Phạm Thị Thinh: Việc xuất bản cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” nhằm tiếp tục cụ thể hoá đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, về công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới. Cuốn sách ra mắt vào thời điểm rất có ý nghĩa, đó là Đảng ta vừa tổ chức thành công Hội nghĩa giữa nhiệm kỳ khóa XIII và Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII; công tác đối ngoại, ngoại giao trong thời gian gần đây đã đạt được những kết quả tích cực, mang nhiều dấu ấn sâu sắc, rất cần được tổng kết, xác định những nhiệm vụ mới cao hơn trong thời gian tới.
Bạn đọc sẽ thấy rõ vai trò to lớn của công tác đối ngoại, ngoại giao cả trong lịch sử lẫn trong giai đoạn hiện nay; thấy rõ chủ trương, đường lối của Đảng và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về công tác đối ngoại, ngoại giao qua các thời kỳ; những kết quả nổi bật của đối ngoại, ngoại giao trong những năm qua (những thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm); thời đại ngày nay và những yêu cầu đặt ra với công tác đối ngoại, ngoại giao và những nhiệm vụ chủ yếu của công tác đối ngoại, ngoại giao trong thời gian tới.
PV: Để ra mắt công chúng và các tầng lớp nhân dân và bàn bè quốc tế, bà có thể cho biết Nhà Xuất bản đã có sự chuẩn bị như thế nào để nắm bắt được cơ bản những chỉ đạo của Tổng Bí thư, từ đó xây dựng đề cương và trình xin ý kiến Tổng Bí thư về phương án xuất bản sách?
Bà Phạm Thị Thinh: Để thực hiện cuốn sách này, trước tiên, chúng tôi khảo sát, sưu tầm các bài viết, bài phát biểu, bài nói, thư, điện, bài trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều cơ quan, sách, báo, tạp chí… Với số lượng bài và ảnh nhiều như vậy thì việc chọn bài và ảnh đưa vào cuốn sách là rất khó khăn đối với nhóm biên tập chúng tôi. Và hiện nay, cuốn sách đã lựa chọn 86 bài viết của Tổng Bí thư và 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao và bạn bè quốc tế về vai trò và những đóng góp của Tổng Bí thư đối với công tác đối ngoại; 152 bức ảnh thể hiện toàn diện các hoạt động của Tổng Bí thư trong các chuyến thăm cấp nhà nước, các cuộc hội đàm với nhiều nước trên thế giới; với các hoạt động đối ngoại ở trong và ngoài nước.
Trong quá trình thực hiện cuốn sách này, chúng tôi đã nhiều lần xin ý kiến Tổng Bí thư và Văn phòng Tổng Bí thư về nội dung bản thảo. Ba cơ quan được giao nhiệm vụ phụ trách nội dung cuốn sách cũng họp nhiều lần, trao đổi thảo luận, làm việc cùng nhau nhiều ngày đêm để có được cuốn sách ra mắt bạn đọc.
PV: Theo bà trong cuốn sách này, đâu là điểm nhấn quan trọng về tầm tư duy chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại, ngoại giao của nước ta?
Bà Phạm Thị Thinh: Cuốn sách khái quát một cách hệ thống, toàn diện sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, thể hiện tư duy tầm chiến lược và tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta. Trong các bài viết của mình, nguyên tắc cơ bản của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát là: “vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đặc trưng của nền ngoại giao Việt Nam gắn với hình ảnh “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; đó là mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.
Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một điểm sáng về giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cần tiếp tục kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, xử lý hài hòa, khéo léo các vấn đề phức tạp, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trong đó ngành ngoại giao có vị trí nòng cốt và giữ vai trò tiên phong”.
PV: Để lan tỏa giá trị của cuốn sách quý đến đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và bạn bè quốc tế về xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại theo đúng tinh thần của cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vậy theo bà chúng ta cần có những lưu ý gì trong thời gian tới?
Bà Phạm Thị Thinh: Để lan tỏa giá trị của cuốn sách quý đến đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và bạn bè quốc tế, trong khi chờ in sách giấy cấp phát theo tiêu chuẩn, Nhà xuất bản đã xuất bản điện tử cuốn sách phục vụ bạn đọc miễn phí trên website www.stbook.vn của Nhà xuất bản. Chúng tôi cũng in thêm số lượng phát hành rộng rãi để phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Và trong thời gian tới, Nhà xuất bản sẽ trình xin chủ trương dịch nội dung cuốn sách này ra nhiều ngoại ngữ, để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về giá trị của cuốn sách và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Mặt khác, để cán bộ, đảng viên hiểu rõ, nắm vững những chỉ đạo về công tác đối ngoại của Tổng Bí thư trong cuốn sách, rất cần các cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là các cơ quan làm công tác đối ngoại, ngoại giao, sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên đọc, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung cuốn sách; các chi bộ mở sinh hoạt chuyên đề về nội dung cuốn sách; các học viện, trường chính trị, trường đại học, cao đẳng cả nước xây dựng thành tài liệu học tập, nghiên cứu về công tác đối ngoại, ngoại giao trên cơ sở nội dung cuốn sách.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Vov.vn
Ý kiến bạn đọc