Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Thị trường lao động năm 2024: Thời cơ và thách thức

07:45, 04/01/2024

Tình trạng lao động giãn việc, thôi việc, mất việc đã giảm nhiệt ở những tháng cuối năm 2023. Vậy thị trường lao động - việc làm trong năm 2024 sẽ diễn biến ra sao?

Sản xuất từng bước được phục hồi

Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vào cuối năm có sự tiến triển nhất định khi nhiều doanh nghiệp có đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và các dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại đã tạo ra những hy vọng tươi sáng cho bức tranh lao động, việc làm trong năm mới.

Thay vì ít việc như thời điểm giữa năm ngoái, hiện Công ty May Hưng Yên đã bắt đầu nhận được đơn hàng cho đến hết quý I/2024. Điều này khiến nhiều người lao động vô cùng phấn khởi vì được tăng ca trở lại.

Theo doanh nghiệp, dù đơn hàng chỉ nhích lên từ 10% - 20%, song đó là cả một sự nỗ lực để đảm bảo mức lương ổn định cho người lao động từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Nỗ lực đàm phán, chào hàng mẫu mã đa dạng, đặc biệt doanh nghiệp chấp nhận mức giá cạnh tranh để giữ được đơn hàng trong năm mới.

Thị trường lao động Việt Nam đã có sự tiến triển nhất định khi nhiều doanh nghiệp có đơn hàng mới.
Tại Công ty Sao Giày Sao Vàng Thái Bình, với tình hình đơn hàng ổn định, hiện doanh nghiệp đã lên phương án tuyển dụng dự phòng để bắt kịp tiến độ sản xuất.

Thị trường lao động đầu năm, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng trở lại đồng nghĩa với công ăn việc làm của người lao động sẽ ổn định hơn trước.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh chung, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, đơn hàng sản xuất chưa phủ công suất. Dự báo trong quý I thị trường mới phục hồi rõ rệt hơn.

Thách thức của thị trường lao động

Mới đây Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo về tình hình lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025. Qua đó, đơn vị nhìn trực diện một số thách thức của thị trường lao động TP Hồ Chí Minh hiện nay như sau:

Thứ nhất, thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý rằng nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, thế nhưng nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo ý muốn.

Thứ hai, lao động khu vực phi chính thức (lao động tự do) ngày càng cao.

Thứ ba, nhân lực phân bố không đồng đều giữa các khu vực, ngành kinh tế, làm mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Hiện quy mô đào tạo lao động kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thua rất nhiều so với quy mô đào tạo trình độ cao đẳng, đại học.

Thứ tư, tình hình vi phạm pháp luật lao động còn nhiều, khi thanh tra hay có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì doanh nghiệp vẫn không chấp hành, nhất là xử phạt liên quan nợ bảo hiểm xã hội.

Thứ năm, công tác dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, giao dịch việc làm (tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động) còn chưa hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Thị trường lao động Việt Nam bước vào năm 2024 trên nền tảng những chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành lao động - thương binh và xã hội đều đảm bảo. Đó là duy trì tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%; lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp 28%. Tuy nhiên, những thách thức mới đến từ tình hình thế giới, sự phát triển vũ bão của công nghệ khiến chúng ta phải có những giải pháp hết sức nhanh nhạy và phù hợp.

Việc kinh tế toàn cầu đã tránh được một đợt suy thoái mới, cùng với đó là những tín hiệu lạc quan như chi tiêu tiêu dùng tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát đang trên đà hạ nhiệt... đang thúc đẩy niềm tin về một triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn vào năm 2024. Đó là tín hiệu rất tích cực với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Trước nhiều cơ hội và thách thức của thị trường lao động, việc làm, thì nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất, là động lực đột phá. Công tác đào tạo nhân lực chất lượng lao chính là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 để Việt Nam không bỏ lỡ xu thế và có thể là nước đi sau nhưng "đi cùng và vươn lên" so với nhiều quốc gia khác.

Chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đã có những phân tích, bình luận về các vấn đề trên!

Nguồn: Vtv.vn


Ý kiến bạn đọc