Bằng những trải nghiệm của mình, Đại sứ Anh Iain Frew nói: "Tôi nghĩ bất kỳ ai tới thăm Việt Nam cũng nên hòa nhập vào văn hóa ẩm thực nơi đây và thưởng thức các món ăn khác nhau".
Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Việt Nam và Vương quốc Anh đã phát triển mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, hiệu quả và năng động trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, sự tiến bộ vượt bậc trong hợp tác kinh tế tiếp thêm nhiều triển vọng thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 quốc gia sau nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao và 14 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Anh còn đồng hành giải quyết các thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19 hay biến đổi khí hậu với nhiều hoạt động thiết thức suốt những năm gần đây. Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững, đảm bảo mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phóng viên có cuộc trò chuyện với Ngài Iain Frew, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam để cùng nhìn lại những thành tựu hợp tác đáng tự hào giữa 2 quốc gia.
Ngài Iain Frew, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam. |
PV: 2023 là một năm thật đặc biệt khi Việt Nam và Vương quốc Anh kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao, 13 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Nhìn lại nửa thập kỷ quan hệ giữa hai quốc gia, theo ông, chúng ta đã đạt được những thành tựu gì nổi bật?
Đại sứ Iain Frew: Năm 2023 là một năm rất đặc biệt đối với quan hệ song phương Việt Nam-Vương Quốc Anh, khi chúng ta kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhìn lại chặng đường 50 năm, chúng ta có rất nhiều điều để chúc mừng. Quan hệ song phương đã thực sự chuyển mình trong suốt thời gian qua. Tôi nghĩ khoảnh khắc quan trọng nhất là thời điểm chúng ta thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2010. Kể từ đó, mối quan hệ hợp tác song phương đã tiến xa trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cách đây 3 năm.
Có một số lĩnh vực thực sự nổi bật theo quan điểm của tôi. Trước hết, mối quan hệ song phương cùng phát triển với sự gắn bó chặt chẽ về kinh tế và thương mại thực sự rất quan trọng. Vương quốc Anh là một trong những quốc gia hỗ trợ sự phát triển giáo dục và y tế cho Việt Nam ngay từ giai đoạn đầu khi chúng ta thiết lập quan hệ. Khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, thương mại và hợp tác kinh tế trở thành trụ cột cho sự gắn kết quan hệ. Tôi rất vui mừng vì Việt nam và Vương quốc Anh đã ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương và năm nay, chúng ta cũng chứng kiến việc Vương Quốc Anh và Việt Nam nhất trí gia nhập CPTPP của khu vực Thái Bình Dương.
Việt Nam là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ tại vòng đàm phán cuối cùng ở đảo Phú Quốc và đó là thời khắc rất quan trọng, đem lại ý nghĩa lớn lao cho việc tăng cường thương mại hàng năm giữa hai nước. Năm ngoái, trao đổi thương mại song phương đã đạt hơn 6,9 tỷ bảng Anh, tăng 29% so với năm trước đó và tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Và chúng tôi đang có mục tiêu tham vọng rằng, thương mại song phương sẽ một lần nữa tăng gấp đôi trong thập kỷ tới. Thương mại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ song phương và rõ ràng là chúng ta chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với rất nhiều hàng hóa và dịch vụ.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, hợp tác giáo dục cũng đã trở thành trung tâm trong mối quan hệ giữa hai nước. Tôi rất tự hào rằng thông qua Bản Ghi nhớ về hợp tác giáo dục mà chúng ta ký kết cũng như các chương trình trao đổi giữa các trường đại học và các sinh viên đã đưa tiếng Anh trở thành một thành tố quan trọng trong mối liên kết giữa chính phủ và người dân hai nước trong suốt 50 năm qua.
Đối với tôi, một lĩnh vực khác cần nhấn mạnh, đó là việc mối quan hệ chính trị đã phát triển lên mức cao nhất. Vào năm 2015, Ngoại trưởng Anh hiện nay là Ngài David Cameron đã trở thành Thủ tướng Anh đầu tiên tới Việt Nam vào năm 2015. Chúng tôi trông đợi sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương.
Bên cạnh đó, các cuộc thăm viếng của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong những năm qua cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng tôi rất tự hào được đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ông tới Anh tham dự Hội nghị COP26 cách đây 2 năm.
Đó là sự kiện quan trọng với thế giới nhằm giải quyết cách thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu và cũng là dịp quan trọng khi Việt Nam cùng với các quốc gia khác đưa ra mục tiêu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết đó hết sức quan trọng, tham vọng và mang tính lịch sử, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực trong lĩnh vực này.
Và năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương khi tới Anh tham dự lễ đăng quang của đức Vua Charles III. Mối quan hệ chính trị cấp cao được vun đắp và cùng với đó, những trao đổi ở cấp Bộ trưởng và quan chức các cấp đang được tích cực tiến hành trên nhiều lĩnh vực. Tôi rất tự hào về sự phát triển đó và coi đó là minh chứng cho sự lớn mạnh của quan hệ song phương.
Việt Nam đang ngày càng hội nhập với cộng đồng và kinh tế quốc tế, và việc Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng là một trong những điểm mà tôi cho rằng rất nổi bật.
Vương quốc Anh và Việt Nam là đối tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, góp phần tạo lập vai trò của Việt Nam trong phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan. Nếu nhìn lại 10 năm qua, có một sự chuyển mình của Việt Nam trong vai trò gìn giữ hòa bình trên con đường hội nhập quốc tế và Vương quốc Anh tự hào được đóng góp một phần vào chặng đường đó.
PV: Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh trong tương lai. Trong thời gian tới, Vương quốc Anh sẽ ưu tiên phát triển hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực nào?
Đại sứ Iain Frew: Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta nhìn lại những gì đã làm được trong suốt 50 năm qua và đặc biệt là trong năm vừa qua, chúng ta hãy nghĩ đến những nền móng đã xây dựng được và hướng tới tương lai 50 năm tới.
Chúng tôi đã đưa ra một số lĩnh vực muốn bảo vệ và tập trung vào bởi chúng tôi nghĩ rằng đó là những lĩnh vực nhiều tiềm năng hợp tác. Như tôi đã nhắc tới, thương mại là một trong số những lĩnh vực đó. Thương mại là lĩnh vực mà nhờ vào đẩy mạnh giao thương giữa hai nước, chúng ta có thể tăng cường sự thịnh vượng, tạo việc làm, và cải thiện đầu tư.
Tôi mong muốn chúng ta tận dụng nền tảng này để mở rộng ra lĩnh vực mới trong nền kinh tế, những lĩnh vực mà vương quốc Anh phát triển mạnh và phía Việt Nam đang phát triển, như lĩnh vực tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp. Đó là những lĩnh vực nòng cốt cho đầu tư và tăng trưởng của nền kinh tế. Chúng tôi đang xúc tiến hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực tài chính quốc tế ở TP.HCM, các quy định và môi trường làm cơ sở cho sự phát triển bùng nổ lĩnh vực tài chính ở thành phố này. Chúng tôi cũng đang tăng cường làm việc trên lĩnh vực công nghệ.
Nền kinh tế tương lai sẽ ngày càng trở nên số hóa và được kết nối, kết nối ngay cả những loại hàng hóa và dịch vụ đang được tạo ra và phát minh ra vào thời điểm này. Do đó, công nghệ và phương thức mà công nghệ thay đổi tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế của chúng ta là một lĩnh vực quan trọng cho hợp tác trong tương lai.
Và lĩnh vực thứ 3 có tiềm năng thương mại rất lớn là chăm sóc sức khỏe khoa học đời sống. Trong suốt giai đoạn đại dịch Covid-19, tất cả đều chứng kiến tầm quan trọng của việc phát triển lĩnh vực dược phẩm chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống bởi vì chính những đổi mới này sẽ thực sự hỗ trợ sức khỏe người dân và hỗ trợ sự phát triển trong tương lai của nền kinh tế.
Vì vậy, tôi rất vui vì có một số công ty của Vương quốc Anh đang hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực này và đang ngày càng tìm kiếm không chỉ phương thức họ có thể sản xuất ở Việt Nam mà còn làm cách nào để họ có thể tham gia vào nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và đổi mới. Vì vậy, tôi nghĩ đó là lĩnh vực tiềm năng rất lớn đối với Việt Nam cũng như sự hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
Thương mại là trọng tâm của mối quan hệ tương lai của chúng ta. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng các cam kết chung về phát thải ròng bằng 0 để ứng phó với biến đổi khí hậu cho thấy rằng chúng ta có một lĩnh vực hợp tác thực sự quan trọng liên quan tới phát triển bền vững và khí hậu. Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Vương quốc Anh cùng chia sẻ, là mục tiêu đầy thách thức và chúng ta sẽ chỉ thành công nếu hợp tác cùng nhau.
Vì vậy, Vương quốc Anh rất tự hào là một trong những đối tác quan trọng và dẫn đầu trong Hiệp định Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa các nước G7 và Việt Nam. Tại hội nghị thượng đỉnh COP28, chúng ta đã chứng kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động kế hoạch huy động nguồn lực. Đó là kế hoạch định hướng phương thức mà chúng tôi sẽ đầu tư vào năng lượng xanh tại Việt Nam.
Chúng ta sẽ đầu tư vào năng lượng gió ngoài khơi và năng lượng mặt trời như thế nào để chuyển đổi lưới điện và đảm bảo có thể hỗ trợ sự tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế theo phương thức phát thải ít các-bon, cũng như đạt được quá trình chuyển đổi năng lượng nhờ sự hỗ trợ của công nghệ và đầu tư quốc tế. Do đó, tôi rất vui mừng khi thấy chúng ta sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi năng lượng này thành công.
PV: Tiếng Anh và du học Anh đặc biệt được ưa chuộng tại Việt Nam. Thông qua nhiều chương trình tài trợ học bổng, Vương quốc Anh cũng đã mang đến cho nhiều du học sinh Việt Nam cơ hội học tập tại các trường đại học danh tiếng của Anh. Đại sứ quán Anh sẽ có những hoạt động gì trong năm 2024 để thúc đẩy hợp tác giáo dục – đào tạo giữa hai bên?
Đại sứ Iain Frew: Giáo dục là trọng tâm trong các ưu tiên của chúng tôi khi hợp tác với Việt Nam. Chúng tôi biết rằng mọi gia đình Việt Nam đều ưu tiên giáo dục cho thế hệ tiếp theo và tôi nghĩ đó là giá trị mà hai nước cùng chia sẻ. Đây cũng là lĩnh vực mà Vương quốc Anh có uy tín và chuyên môn quốc tế.
Trong chiến lược giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh, Việt Nam là một trong 5 quốc gia ưu tiên trên toàn cầu để chúng tôi xây dựng quan hệ đối tác. Và điều chúng tôi muốn làm trong năm tới là xây dựng mối quan hệ hợp tác này bao trùm lĩnh vực giáo dục, bắt đầu từ các trường liên kết, nơi chúng tôi mong muốn cung cấp cho học sinh Việt Nam nền giáo dục chất lượng của Anh.
Chúng ta nhận thấy các trường học đang áp dụng một số yếu tố của chương trình giảng dạy ở Anh và kết nối với hệ thống giáo dục Vương quốc Anh. Hiện nay cũng có ngày càng nhiều trường quốc tế đang tìm cách tiếp cận thị trường Việt Nam.
Trong lĩnh vực giáo dục đại học, tôi rất vui khi thấy số lượng các thỏa thuận hợp tác về giáo dục xuyên quốc gia đang được xây dựng. Cách đây ít lâu, phái đoàn giáo dục của các trường đại học Vương quốc Anh đã đến Việt Nam, bởi chúng tôi mong muốn sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận các khóa học hoặc cơ hội học tập chất lượng cao thông qua các mối quan hệ hợp tác đó, cũng như chào đón nhiều sinh viên Việt Nam tới Vương quốc Anh. Theo tôi được biết, hiện có khoảng 11.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Vương quốc Anh và chúng tôi rất mong con số đó sẽ tăng lên.
Chúng tôi muốn các sinh viên có được trải nghiệm tuyệt vời và tiếp thu tri thức khi học ở Vương quốc Anh và quay trở lại Việt Nam để áp dụng kiến thức chuyên môn cũng như xây dựng các mối liên kết. Bằng cách đó, Việt Nam có thể hướng tới môi trường chuyên nghiệp.
Đối với tôi, việc tăng cường quan hệ hợp tác về kỹ thuật và nghề nghiệp giữa hai nước đóng vai trò rất quan trọng. Đó là những kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế mới, cho dù đó là về chất bán dẫn, cho dù đó là các dịch vụ chuyên nghiệp đóng vai trò nền tảng cho nền kinh tế hiện đại. Chúng ta có thể xây dựng một mối liên kết thực sự bền chặt dựa trên điều đó.
Và điều cuối cùng tôi cần đề cập đến, học bổng cũng là một phần quan trọng. Tôi tự hào rằng năm nay chúng ta kỷ niệm 30 năm Chương trình Chevening tại Việt Nam. Chương trình Chevening là chương trình học bổng toàn phần do chính phủ Anh tài trợ dành cho khoảng 30 sinh viên Việt Nam mỗi năm để họ theo học các khóa học thạc sĩ tại Vương quốc Anh.
Các học giả theo học chương trình Chevening sẽ quay trở lại Việt Nam để áp dụng chuyên môn và kiến thức của họ. Và tôi nghĩ theo thời gian, điều này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt trong tất cả các lĩnh vực hợp tác của chúng ta. Quan hệ hợp tác được củng cố bằng rất nhiều bước đi vững chắc mà chúng ta đã thực hiện trong những năm gần đây qua Biên bản ghi nhớ với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
PV: Tôi nghĩ rằng Hội đồng Anh là tổ chức lớn nhất đang thúc đẩy tiếng Anh tại Việt Nam. Thế nhưng chắc hẳn ít người biết rằng Hội đồng Anh cũng thúc đẩy các dự án văn hóa. Năm nay cũng là lần đầu tiên UK Season đến Việt Nam với rất nhiều các dự án văn hóa, giáo dục, khoa học đặc sắc được thực hiện giữa người dân 2 nước. Ông cảm nhận thế nào về UK/Vietnam Season so với các quốc gia khác, ông có ấn tượng về một dự án nghệ thuật/ công nghiệp sáng tạo nào không?
Đại sứ Iain Frew: Năm nay, Hội đồng Anh cũng đang kỷ niệm 30 năm hiện diện tại Việt Nam. Đây là một tổ chức quan trọng trong việc xây dựng kết nối giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
Như bạn đã đề cập đến các kỳ thi sát hạch và hoạt động đào tạo ngôn ngữ mà Hội đồng Anh đóng một vai trò rất quan trọng. Song đây cũng là tổ chức giữ vai trò nòng cốt thúc đẩy liên kết văn hóa giữa hai nước chúng ta. Năm nay, chương trình UK/Vietnam Season đã đem đến một loạt sự kiện tuyệt vời. Đó là các buổi trình diễn âm nhạc, hoạt động hợp tác của các thành phố sáng tạo, các buổi giao lưu và chia sẻ kiến thức chuyên môn của các chuyên gia văn hóa, cũng như một loạt các sự kiện được tổ chức theo chương trình tại Việt Nam. Tôi rất vui được tham gia vào một vài trong số các sự kiện đó.
Các chủ đề của UK/Vietnam Season rất rộng, nhưng hai trọng tâm chính là về biến đổi khí hậu và di sản cùng việc tôn vinh và tận dụng tối đa di sản. Tại Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức Đối thoại Thành phố Hà Nội vào tháng 11, nơi các chuyên gia văn hóa và các đoàn trao đổi từ một số thành phố sáng tạo của Vương quốc Anh như Glasgow, Belfast và Derry đã đến đây và thực sự truyền đạt các kiến thức góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực sáng tạo tại Việt Nam.
Đây là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa cũng như sự phát triển kinh tế xã hội. Một trong những dự án thực sự gây ấn tượng với tôi là dự án mà tôi đã tham gia gần đây về cách chúng ta sử dụng, bảo tồn và tận dụng tối đa di sản văn hóa phi vật thể.
Đó chính là những bài hát và những câu chuyện dân gian, những yếu tố văn hóa bắt nguồn từ các cộng đồng khác nhau ở Việt Nam. Sự kiện tôi tham gia được tổ chức tại Văn Miếu, nơi tôn vinh văn hóa Việt Nam và ở đó chúng tôi quy tụ mọi người từ các vùng miền, các tỉnh thành khác nhau của Việt Nam để trao đổi về cách bảo tồn và chia sẻ di sản trong cộng đồng trong tương lai.
PV: Đại sứ từng chia sẻ rằng, loại cà phê yêu thích của cha ông được nhập khẩu từ Đà Lạt đến Edinburgh. Tại nhiều thành phố lớn của Anh, không khó để tìm thấy các siêu thị Việt Nam bán hàng Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, một loạt các mặt hàng nông sản Việt Nam như bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy, cam Cao Phong đã được xuất khẩu sang Anh. Ông đánh giá thế nào về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước? Trong thời gian tới có nông sản nào có khả năng tiếp tục được xuất khẩu sang Anh không?
Đại sứ Iain Frew: Năm nay, tôi sẽ đón cha tôi tới thăm Việt Nam và tôi sẽ giới thiệu với ông ấy rất nhiều sản vật khác. Thực tế là, ngày càng có nhiều hàng hóa Việt Nam có mặt ở Vương quốc Anh. Ngay cả ở nơi cha tôi đang sống, ông ấy cũng có thể mua hoa quả và rau củ từ Việt Nam, trong đó có các loại bưởi nổi tiếng của Việt Nam. Mới đây, những lô xuất khẩu sầu riêng đầu tiên từ Việt Nam cũng đã cập bến.
Tôi nghĩ rằng, không chỉ cha tôi mà bất kỳ người Anh nào cũng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm Việt Nam hơn và đều thực sự yêu thích chúng. Bên cạnh mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là gạo, trong bất kỳ khu chợ hay siêu thị nào ở Anh, người ta đều có thể tìm được hải sản hay tôm từ Việt Nam.
Tôi rất vui mừng nói rằng, mối quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa hai nước đang thực sự phát triển, theo cả hai chiều. Ngày càng nhiều sản phẩm có chất lượng cao của Anh, từ thực phẩm tới đồ uống đang được bán ở Việt Nam. Tôi lấy ví dụ như rượu whiskey Scotland là một trong những sản phẩm nổi tiếng và ngày càng phổ biến.
PV: Năm ngoái, Việt Nam đã chào đón Đại sứ bắt đầu nhiệm kỳ bằng tô phở bò ngon tuyệt. Tới nay, ông có món ăn nào khác của Việt Nam để lại cho ông ấn tượng đặc biệt không?
Đại sứ Iain Frew: Có rất nhiều món ngon đã được thêm vào danh sách yêu thích của tôi. Một trong những điều tôi yêu thích nhất khi ở Việt Nam là việc có thể ra ngoài ăn hàng. Các món ăn ngon ở ngoài đường phố, trong các quán ăn. Đó là điều người Việt Nam yêu thích và tôi cũng thích khi sống ở đây.
Một trong những món mà tôi rất thích là bún riêu cua Hà Nội. Đó thực sự là một món ăn ngon. Mỗi khi trở về sau các chuyến công tác và cảm thấy mệt mỏi, nếu được đi ăn một tô bún riêu, tôi cảm thấy vô cùng thỏa mái, ấm áp, và tôi cảm thấy tôi như trở về nhà mình vậy.
PV: Vậy chắc giờ ông đã hiểu vì sao Gordon Ramsay say mê món Bún riêu?
Đại sứ Iain Frew: Đúng vậy. Nhưng đó chỉ là bề nổi thôi. Tôi nghĩ bất kỳ ai tới thăm Việt Nam nên hòa nhập vào văn hóa ẩm thực nơi đây và thưởng thức các món ăn khác nhau. Ở Hà Nội, chả cá cũng là một trong những món mà tôi thực sự yêu thích.
PV: Chúng ta đã nói tới ẩm thực, giờ hãy nói tới du lịch. Ông đã thăm được nhiều nơi ở Việt Nam chưa và đâu là điểm đến mà ông yêu thích?
Đại sứ Iain Frew: Thật khó để tôi chọn được địa điểm ưa thích. Trong năm nay, tôi đã nhiều lần tới Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Nhưng tôi nghĩ với tư cách là Đại sứ, việc phải đi xa hơn một chút thực sự rất quan trọng. Và một trong những chuyến đi yêu thích của tôi là khi đi du lịch Côn Đảo. Tôi nghĩ đó cũng là một nơi có ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt Nam.
Và tôi nghĩ Võ Thị Sáu cũng là một nhân vật nổi tiếng đối với người Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Tôi cảm thấy thật thú vị khi đến đó. Đó là một nơi tuyệt đẹp nhưng cũng là nơi có lịch sử và ý nghĩa văn hóa. Đó thực sự là một chuyến đi tuyệt vời.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ.
Nguồn: Vov.vn
Ý kiến bạn đọc