Phấn đấu để "nam nữ bình quyền", đó là một chủ trương xuyên suốt được Hiến định trong bản Hiến pháp năm 1946. Bình đẳng ở đây là phụ nữ được tham gia quyết định những vấn đề quan trọng trong cơ quan của đất nước.
Ngay sau khi giành được độc lập, trong sắc lệnh 14 về Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội được ban hành ngày 08/9/1945 đã nêu rõ: "Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ứng cử". Đây là một điểm tiến bộ của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới. Ở thời kỳ này, quan niệm bình đẳng giữa nam và nữ là vấn đề rất mới. Để tuyên truyền về việc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài báo, bài nói chuyện về phụ nữ và quyền của phụ nữ.... Cuộc Tổng tuyển cử thành công, 10 nữ đại biểu đầu tiên được bầu tại Quốc hội khóa I và được giữ những trọng trách ngay từ phiên họp đầu tiên.
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, Quốc hội Việt Nam là 1 điển hình, kể cả nước Mỹ sau giải phóng và bầu Quốc hội, nhưng rất lâu sau phụ nữ Mỹ mới được ra ứng cử: "Sự quan tâm của Bác Hồ, vì thế bầu cử Quốc hội khóa 1 vào tháng giêng năm 1946 chúng ta đã chọn được những người phụ nữ xứng đáng vào Quốc hội. Nhân vật lúc đó là bà Nguyễn Thị Thục Viên, bà Ngô Thị Huệ (phu nhân của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) là những đại biểu nữ của Quốc hội đầu tiên. Đến các kỳ Quốc hội sau cho đến bây giờ chúng ta đều duy trì được tỉ lệ nữ trong Quốc hội".
Từ những năm tháng đầu tiên, tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, các nữ đại biểu Quốc hội luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, tâm huyết của mình, xứng đáng là những phụ nữ ưu tú, đại biểu của nhân dân. Số lượng, chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao. Từ chỗ chỉ có 10 nữ đại biểu trong Quốc hội khoá I, đến nay Quốc hội khoá XV có 151 nữ đại biểu (chiếm tỉ lệ là 30,26%). Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng, trình độ, học vấn, chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động của các nữ đại biểu cũng không ngừng được nâng lên; tỷ lệ phát biểu, tham gia tại các kỳ họp luôn ở mức cao. Nhiều ý kiến được tiếp thu, có sức thuyết phục. Điều này cũng làm thay đổi suy nghĩ và nhìn nhận của cộng đồng về năng lực của phụ nữ tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Trần Thị Quốc Khánh, đoàn thành phố Hà Nội tâm sự: "Mình cần phải làm hết lòng, hết sức đối với trách nhiệm, nhiệm vụ của đại biểu. Cho nên làm cái gì cũng đến nơi đến chốn. Thứ hai nữa là cũng phải tranh thủ từng ngày, từng giờ một để làm những việc thực sự có ích lợi cho đất nước, cho cử tri".
Còn Đại biểu khóa XV Cao Thị Xuân, đoàn Thanh Hóa cho rằng: "Đối với cá nhân tôi, trong suốt 2 nhiệm kỳ, tôi đã hết sức cố gắng, phấn đấu để làm tròn trách nhiệm đối với những lời hứa của mình trước cử tri và làm tròn trách nhiệm của đại biểu quốc hội chuyên trách. Với những yêu cầu đặt ra ngày càng cao về chất lượng đội ngũ đại biểu quốc hội thì bản thân tôi còn cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa."
Các nữ đại biểu Quốc hội thảo luận bên lề Phiên họp. (Ảnh: Cổng thông tin Điện tử Quốc hội)
Không chỉ ở nghị trường Quốc hội, nhiệm kỳ 2016-2021, lần đầu tiên, Việt Nam đã có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, có nữ Chủ tịch Quốc hội - một trong 4 vị trí lãnh đạo cao nhất của bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước. Cũng lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 2021-2026, cán bộ nữ đầu tiên giữ chức Thường trực Ban Bí thư và 9 nữ Bí thư tỉnh ủy - những người đứng đầu các địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan nhìn nhận, đó đều là những đồng chí có năng lực và phẩm chất nổi bật: "Cán bộ nữ đã có sự phấn đấu vươn lên của bản lĩnh, từ học tập cho đến đảm bảo các yêu cầu để đáp ứng được nhiệm vụ. Cán bộ nữ cũng sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm cứ việc gì và cũng đáp ứng hoàn thành tốt nhiệm vụ được được. Qua những thử thách đó, xứng đáng để có thể bố trí phụ nữ đảm nhiệm các vai trò cao hơn."
Những đóng góp quan trọng của phụ nữ là minh chứng cho thấy sự ưu việt trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người của Đảng, Nhà nước và cũng cho thấy sự vươn lên của phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên ở nhiều địa phương, quy định về tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị trong xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước không được bảo đảm; một số địa phương, chưa có cán bộ nữ giữ các chức danh bí thư, phó bí thư; Công tác bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế...
Tiến sĩ Lương Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới và lãnh đạo nữ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị thúc đẩy phụ nữ tham gia chính trị, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo phát triển bền vững: "Giải pháp đồng bộ là phải tiếp tục phát triển và hoàn thiện khung chính sách pháp luật về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Tiếp đó có giải pháp đồng bộ nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ngoài xã hội, trong gia đình và tại công sở. Tiếp đó chúng ta phải có những giải pháp để nâng cao năng lực cho phụ nữ."
Phấn đấu để "nam nữ bình quyền", đó là một chủ trương xuyên suốt được Hiến định trong bản Hiến pháp năm 1946. Bình đẳng ở đây là phụ nữ được tham gia quyết định những vấn đề quan trọng trong cơ quan của đất nước. Đảm bảo tỷ lệ nữ không phải chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguồn: VOV.VN
Ý kiến bạn đọc