Số vụ tai nạn giao thông trong tháng 3/2024 gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm cũ; số người tử vong gấp 1,9 lần.
Tổng cục Thống kê vừa công bố con số liên quan đến tai nạn giao thông trong quý I/2024. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra hơn 6.500 vụ tai nạn giao thông.
So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong quý I năm nay tăng gấp gần 2,8 lần. Đồng thời, số người chết gấp 1,9 lần, bị thương gấp 3,2 lần.
Bình quân mỗi ngày, cả nước xảy ra 72 vụ tai nạn giao thông, với 49 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 23 vụ va chạm giao thông. Mỗi ngày trung bình có 30 người chết, 32 người bị thương và 26 người bị thương nhẹ vì tai nạn giao thông.
Ảnh minh họa. Ảnh HNMO
Trong tháng 3 (từ 15/02-14/3/2024), cả nước xảy ra 1.697 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 1.193 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 504 vụ va chạm giao thông, làm 743 người chết, 748 người bị thương, 519 người bị thương nhẹ.
So với tháng 2, số vụ tai nạn giao thông giảm 29,9%; số người chết giảm 26,7%; số người bị thương giảm 32% và số người bị thương nhẹ giảm 38,4%. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng 3 gấp gần 2,4 lần; số người chết gấp 1,9 lần; số người bị thương gấp 2,7 lần và số người bị thương nhẹ gấp 2,2 lần.
Cũng theo Cục CSGT, trong thời gian tới, các lực lượng CSGT trên toàn quốc sẽ tập trung xử lý xuyên suốt các nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây TNGT trong năm 2024, gồm: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy. Vi phạm quá khổ, quá tải và cơi nới thành thùng xe; Vi phạm về tốc độ. Vi phạm về tránh vượt, phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện.
Đáng chú ý, đối với vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, lực lượng CSGT bố trí, huy động nhân lực cụ thể từng tuyến, địa bàn quản lý, đảm bảo khép kín tuyến, địa bàn. Đồng thời, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, vị trí kiểm soát, tuần tra cơ động gần khu vực kiểm soát để kịp thời xử lý các trường hợp cố tình bỏ chạy nhằm trốn tránh việc kiểm tra.
Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, các đơn vị có thể bố trí lực lượng mặc thường phục, bí mật nắm tình hình để thông báo và kịp thời xử lý người sử dụng rượu, bia tham gia giao thông. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm là cán bộ, Đảng viên thì gửi thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc