Trong Tháng Công nhân, các cấp công đoàn triển khai nhiều hoạt động hướng về người lao động, trong đó có hoạt động đối thoại với chính quyền, chủ sử dụng lao động. Ông Phan Vân Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh chủ đề trên.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty Cổ phần Sun Tech, tại cụm công nghiệp Thanh Vân (Hiệp Hoà, Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Trong tháng Công nhân, các cấp công đoàn sẽ triển khai những hoạt động chính nào, thưa ông?
Cũng như mọi năm, năm 2024, Đoàn Chủ tịch Tổng đoàn Việt Nam đã sớm phát động Tháng Công nhân kết hợp với Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong công nhân viên chức, lao động cả nước. Năm 2024 cũng là năm đầu triển khai Nghị quyết 13 của Công đoàn Việt Nam, vì vậy chúng tôi chỉ đạo tập trung một số nội dung với chủ đề “Công nhân đoàn kết để thực hiện Nghị quyết 13 Công đoàn Việt Nam”. Cùng với đó là các chương trình chăm lo cho đoàn viên và người lao động.
Ông Phan Vân Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động. |
Chương trình thứ nhất là "Công nhân khỏe để lao động sản xuất". Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Về cơ bản, đến nay hầu hết Liên đoàn Lao động các tỉnh thành, công đoàn ngành đều tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao rất sôi nổi. Ví dụ như giải bóng đá cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; các cuộc thi thể thao (bóng bàn, cầu lông) cho công nhân lao động nói chung.
Tổng Liên đoàn Lao động cũng chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức thăm hỏi, động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng tổ chức Bữa cơm Công đoàn trong Tháng Công nhân, Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động, cũng như nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Chương trình thứ hai là Tổng Liên đoàn Lao động chỉ đạo các cấp công đoàn tham gia với chính quyền địa phương, chủ sử dụng lao động triển khai hoạt động đối thoại. Chương trình có phạm vi, quy mô cấp tỉnh, hoặc phạm vi doanh nghiệp. Thông qua đối thoại, các cấp công đoàn cũng tiến hành thương lượng để ký kết thỏa ước lao động tập thể, mang lại các quyền lợi có tính chất lâu dài và tốt hơn cho đoàn viên và người lao động.
Năm nay, nhân dịp Tháng Công nhân kết hợp với Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã phối hợp với Quốc hội tổ chức cho các Đại biểu Quốc hội đến thăm, tặng quà, cũng như nắm bắt thêm về tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; cũng như các vấn đề liên quan đến đời sống của người lao động. Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ nắm bắt được thông tin để có những quyết sách trong xây dựng chính sách, pháp luật mang lại quyền lợi tốt hơn cho người lao động.
Hàng trăm công nhân “chạy đua với thời gian” để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN |
Trong bối cảnh hiện nay, công đoàn có những hoạt động cụ thể nào chăm lo sát sườn hơn tới người lao động, thưa ông?
Sau đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế thế giới và khu vực dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều đoàn viên, người lao động bị mất việc làm hoặc bị giảm việc làm. Điều này dẫn đến thu nhập, cũng như đời sống của họ gặp khó khăn nhiều hơn.
Trước bối cảnh như vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động ban hành một số chính sách để hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khi bị mất việc làm, hoặc bị giảm thời gian làm. Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cùng các Bộ, ban, ngành khác, đưa ra kiến nghị với Chính phủ có những chính sách mang tính lâu dài, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, cũng như hỗ trợ cho người lao động khi mà họ gặp khó khăn.
Trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ cho người lao động tốt hơn và bền vững hơn, trước tiên Chính phủ phải ổn định vĩ mô, cũng như quan tâm tới các doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, thì công nhân lao động cũng sẽ có việc làm, đảm bảo được quyền lợi cho họ.
Các doanh nghiệp cũng có sắp xếp, đổi mới quy trình sản xuất, đặc biệt là phải nâng cao các công nghệ trong quá trình sản xuất. Việc doanh nghiệp đổi mới công nghệ cũng yêu cầu trình độ tay nghề lao động phải cao hơn. Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp cùng với chủ sử dụng lao động hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan, có chiến lược đào tạo đội ngũ công nhân, đáp ứng được yêu cầu trong thời đại khoa học công nghệ không ngừng đổi mới.
Công đoàn tham gia với các chủ sử dụng lao động cũng như các Bộ, ban, ngành để có chiến lược đào tạo lại cho công nhân lao động để có kỹ năng nghề tốt hơn. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để giúp cho người lao động có việc làm, thu nhập tốt hơn.
Vấn đề quan hệ hài hoà giữa các bên trong doanh nghiệp đang được công đoàn thực hiện ra sao, thưa ông?
Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam cũng đã xem đây là một trong ba khâu đột phá và được ưu tiên hàng đầu. Đó là phải đẩy mạnh đối thoại, thương lượng, để từ đó đưa vào các thỏa ước lao động được tốt hơn, đặc biệt là vấn đề về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cũng như điều kiện làm việc của người lao động.
Để đạt được vấn đề này, hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang chỉ đạo các Ban có liên quan để xây dựng một đề án về đối thoại thương lượng, thỏa ước lao động tập thể.
Đại diện công nhân, lao động tại một buổi đối thoại về quyền của người lao động. Ảnh: TTXVN |
Để cho thỏa ước lao động có lợi hơn so với quy định của pháp luật, đối với các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở, phải phải bám sát được tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn của người lao động tại đơn vị của mình, để có sự chuẩn bị chu đáo khi tổ chức đối thoại với chủ sử dụng lao động. Từ đó xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, cũng như mang lại được quyền lợi tốt hơn cho người lao động tại doanh nghiệp đó.
Người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp lắng nghe ý kiến của công đoàn cơ sở, ý kiến của người lao động để xử lý hài hòa, cũng sẽ động viên người lao động sản xuất được tốt hơn, tạo ra năng suất cao hơn. Từ đó mang lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp, cũng như người lao động.
Trong đối thoại, thương lượng, mục tiêu tập trung tới là gì để có thể mang lại quyền lợi tốt nhất cho người lao động, thưa ông?
Đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng, từ đối thoại dẫn đến thương lượng, sau đó tiến tới ký bản thỏa ước giữa chủ sử dụng lao động với người lao động. Hiện nay, chúng tôi đang quan tâm nhất là vấn đề tiền lương, tiền thưởng, thu nhập của người lao động. Vấn đề thu nhập của người lao động liên quan đến lợi ích của các bên.
Nếu chúng ta xây dựng được lợi ích của các bên hài hòa sẽ tạo ra động lực, không khí trong lao động sản xuất.
Tiếp đó, vấn đề về điều kiện làm việc của người lao động cũng rất quan trọng, vì nếu doanh nghiệp không đảm bảo được điều kiện làm việc của người lao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tai nạn trong quá trình lao động sản xuất. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải chi phí rất lớn trong vấn đề bồi thường cho người lao động khi bị tai nạn động.
Nếu sức khỏe của người lao động không tốt, se dẫn tới năng suất lao động thấp và có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Do đó, nếu doanh nghiệp quan tâm đến điều kiện làm việc, thì người lao động sẽ làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn, thậm chí sáng tạo trong lao động, năng suất cao hơn.
Hầu hết, các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đều đã ký thoả ước lao động tập thể ở cấp doanh nghiệp, nên tính bền vững chưa được lâu dài. Để phù hợp với bối cảnh hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang chỉ đạo để có được các thỏa ước trong nhóm doanh nghiệp, thậm chí là có thỏa ước của ngành, sẽ bao phủ rộng hơn, công khai, minh bạch hơn. Từ đó sẽ mang lại những quyền lợi tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Baotintuc.vn
Ý kiến bạn đọc