Năm nay, thiên tai có thể sẽ diễn biến bất thường và dữ dội hơn. Công tác cảnh báo, phòng ngừa cần thực hiện từ sớm, chủ động và linh hoạt.
Thông tin trên được đưa ra trong Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn diễn ra sáng nay (10/5).
Theo dự báo từ nay đến cuối năm, thiên tai sẽ bất thường hơn do có sự chuyển giao từ El Nino sang La Nina. Thực tế trong những năm có La Nina tác động, mưa dông, bão lũ đã xảy dồn dập ở nước ta, gây ra thiệt hại rất lớn. Thiên tai năm nay có thể sẽ giống với năm 2020.
Dấu hiệu về thiên tai bất thường đã thấy rõ ngay từ những tháng đầu năm. Mưa đá, dông lốc liên tiếp ở 19 tỉnh phía Bắc. Nắng nóng gay gắt ở hầu khắp cả nước, không chỉ thiết lập những mức nhiệt độ kỷ lục, mà còn là kỷ lục về thời gian nắng nóng. Hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, khô hạn thiếu nước ở Tây Nguyên. Cháy rừng xảy ra ở nhiều nơi.
Dông lốc tàn phá tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Mường Lèo. (Ảnh: Truyền hình Sơn La)
Tại hội nghị, các địa phương ở các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai đã đưa ra nhiều vấn đề cụ thể, tìm ra các hạn chế và giải pháp ứng phó.
Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh đứng trước những khó khăn, thách thức do thiên tai, biến đổi khí hậu càng đòi hỏi nhiều hơn nữa sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ trung ương xuống địa phương và sự chủ động của chính mỗi người dân.
Thời điểm này đã bắt đầu vào mùa mưa bão, các bộ ngành, các địa phương sẽ cần có sự chuẩn bị sớm; sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó, và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Từ 1/7 tới đây, Luật Phòng thủ dân sự sẽ có hiệu lực, công tác điều hành phòng, chống thiên tai sẽ được thực hiện đồng bộ và nhất quán.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc