Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

TRỰC TIẾP: Quốc hội chất vấn về lĩnh vực công thương

12:11, 04/06/2024

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực công thương được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp vào chiều 4/6 trên kênh VTV1.

 

iếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7, chiều 4/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường dự kiến đến 14h20. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trả lời chất vấn. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất.

Thời gian còn lại của buổi chiều, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương:

+ Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

+ Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.

+ Việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Người trả lời chất vấn chính là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phiên chất vấn chiều 4/6 của Quốc hội được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp từ 14h00 đến 17h00 trên kênh VTV1 để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.

Phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream

Trước đó, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7.

Về công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, báo cáo cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Năm 2023, hoạt động TMĐT tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 25% so với năm 2022, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Dự báo, trong những năm tới, hoạt động TMĐT tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…

Trước tình hình đó, nhằm phát triển hoạt động TMĐT lành mạnh, bền vững, Bộ Công Thương đã chú trọng triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), đó là:

Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Trong đó, thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream.

Năm 2023, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.

Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng rà soát, xử lý hàng trăm website/ứng dụng vi phạm mỗi năm, chuyển cơ quan Công an xử lý nhiều vụ việc, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại quy mô lớn cho người dân.

Điển hình nhiều vụ việc bán hàng giả/hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội nổi cộm, đã bị triệt phá như: Ansan Cosmetics - TP Hồ Chí Minh (thu giữ 7.678 đơn vị sản phẩm); TS Việt Nam - Hà Nội (thu giữ 14.000 sản phẩm với với tổng trị giá ước tính trên 11 tỷ đồng); Menshop79 - Hà Nội (2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton… giá trị hơn 20 tỷ đồng); 145 Hoàng Diệu - Lào Cai (thu giữ 237 mặt hàng với 158.014 sản phẩm); Vụ Bản - Nam Định (thu giữ gần 30.000 sản phẩm nhái nhãn hiệu Hermès)...

Mặc dù nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử vẫn còn các tồn tại, hạn chế như: tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp; TMĐT đang ngày càng có tác động lớn, đặc biệt đối với nhóm đối tượng trẻ, người cao tuổi, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa,... trong đó đã phát sinh một số hệ lụy tiêu cực như vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, "nghiện mua hàng".

Nguyên nhân được chỉ ra là do quy định về trách nhiệm và chế tài đối với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái còn thiếu và chưa đủ mạnh. Bán hàng trên môi trường mạng phát triển quá nhanh trên địa bàn rộng (cả nước), với số lượng giao dịch rất lớn trong khi nguồn nhân lực để giám sát, xử lý còn mỏng; các thủ đoạn lừa đảo, giả mạo bán hàng trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng mới tham gia mua hàng online, dễ bị lôi kéo do các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ mua hàng giá rẻ.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc