Phiên thảo luận của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 được Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp vào sáng 7/6 trên kênh VTV1.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).
Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phiên thảo luận của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp từ 8h00 đến 9h40 trên kênh VTV1.
Trước đó, ngày 30/5, Quốc hội khóa XV đã nghe trình bày các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về quyết toán thu ngân sách nhà nước: Dự toán thu ngân sách nhà nước là 1.413.408 tỷ đồng; quyết toán là 1.820.310 tỷ đồng, tăng 406.902 tỷ đồng (28,8%) so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 19,1% GDP, riêng từ thuế và phí đạt 15,16% GDP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Trong đó, thu nội địa dự toán là 1.178.408 tỷ đồng; quyết toán là 1.447.915 tỷ đồng, tăng 269.507 tỷ đồng (22,9%) so với dự toán, tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu ngân sách nhà nước đạt 79,5%. Thu dầu thô dự toán là 28.200 tỷ đồng; quyết toán là 78.137 tỷ đồng, tăng 49.937 tỷ đồng (177,1%) so với dự toán, chủ yếu do giá dầu và sản lượng khai thác, xuất khẩu tăng so với kế hoạch.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu dự toán là 199.000 tỷ đồng; quyết toán là 285.898 tỷ đồng, tăng 86.898 tỷ đồng (43,7%) so với dự toán do tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt kế hoạch và tăng cao so với năm 2021. Số hoàn thuế giá trị gia tăng theo thực tế phát sinh là 150.729 tỷ đồng, giảm 2.271 tỷ đồng so với dự toán.
Về quyết toán chi ngân sách nhà nước, dự toán là 1.855.641 tỷ đồng; quyết toán là 1.750.790 tỷ đồng, giảm 104.851 tỷ đồng (5,7%) so với dự toán; trong đó quyết toán chi ngân sách trung ương là 651.408 tỷ đồng, bằng 86,7% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương là 1.099.382 tỷ đồng, bằng 99,6% so với dự toán.
Quyết toán chi ngân sách Nhà nước theo các lĩnh vực chi chủ yếu gồm: Chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ lãi. Trong đó, đối với chi thường xuyên, dự toán là 1.111.194 tỷ đồng; quyết toán là 1.034.250 tỷ đồng, giảm 76.944 tỷ đồng (6,9%) so với dự toán do một số nhiệm vụ không triển khai được phải hủy dự toán, một số nhiệm vụ không đủ điều kiện quyết toán phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước, một số nội dung được chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, về thu ngân sách nhà nước, quyết toán là 1.820.310 tỷ đồng, bằng 128,8% (tương ứng vượt 406.902tỷ đồng) so với dự toán giao, bằng 114,3% so với thực hiện năm 2021 (1.591.411 tỷ đồng); trong đó thu nội địa vượt 22,9% dự toán giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 24% dự toán giao; thu dầu thô vượt 177% dự toán giao.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Đa số các khoản thu vượt dự toán, song còn một số khoản thu đạt thấp như: thuế bảo vệ môi trường đạt 72,2% dự toán giao; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước đạt 83,5% dự toán giao (nguyên nhân do số thu hồi vốn ngân sách nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế chỉ đạt 12,83% dự toán giao). Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được Kiểm toán Nhà nước phát hiện qua kiểm toán và kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 3.841 tỷ đồng. Công tác quản lý thu của cơ quan thuế còn hạn chế.
Đối với chi ngân sách nhà nước, quyết toán là 1.750.790 tỷ đồng, bằng 94,3% dự toán (giảm 104.851 tỷ đồng). Trong đó, lĩnh vực chi đầu tư phát triển quyết toán 615.640 tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán giao. Chi thường xuyên quyết toán 1.034.250 tỷ đồng, bằng 93,07% dự toán.
Một số khoản chi sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện thấp so với dự toán giao: Chi lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề; lĩnh vực y tế, dân số và gia đình, lĩnh vực văn hóa thông tin, lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tại một số bộ, cơ quan trung ương còn tình trạng chi sai quy định phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước; có 5/60 địa phương được kiểm toán hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp; 31/60 địa phương sử dụng sai nguồn 3.296,266 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 7/6, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Tiếp đó, Quốc hội họp riêng thảo luận tại hội trường về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc