Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Mức sinh thấp: Nhiều hệ lụy trong tương lai

08:00, 25/08/2024

Gánh nặng kinh tế, áp lực tinh thần cùng những lo lắng về trách nhiệm nuôi dạy trẻ khiến nhiều cặp vợ chồng có tâm lý không sinh con hoặc sinh ít con. Thực tế này đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, bởi có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực trong bối cảnh đang già hóa dân số.

Nhiều áp lực khi sinh thêm con

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ có xu hướng ngại sinh con hoặc sinh ít con. Nguyên nhân là do áp lực về kinh tế, công việc, thu nhập, nhà ở… khiến họ phải cân nhắc trong việc sinh con. Có nhiều cặp vợ chồng kết hôn đã 4 - 5 năm nhưng vẫn không muốn sinh con, họ muốn cống hiến cho công việc, kiếm tiền, tận hưởng trọn vẹn cuộc sống cá nhân mà không muốn vướng bận con cái.

Chị Nguyễn Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) có con trai năm nay đã 15 tuổi nhưng chị vẫn không có ý định sinh thêm con. Lý do chị đưa ra là con đã lớn, đang rảnh rang, chị muốn dành nhiều thời gian cho công việc, đi chơi, du lịch nên ngại sinh thêm con và nuôi con nhỏ.

“Đến thời điểm này kinh tế gia đình tôi khá ổn định. Làm cho công ty tư nhân, thu nhập của 2 vợ chồng khoảng hơn 50 triệu đồng/tháng. Công việc bận rộn, cuối tuần có thời gian rảnh, chúng tôi chỉ muốn nghỉ ngơi hoặc về quê thăm bố mẹ, họ hàng. Nếu sinh thêm con sẽ rất vất vả vì cũng gần 40 tuổi rồi. Chúng tôi không muốn vướng bận việc nuôi con nhỏ nữa mà chỉ sinh 1 con để có thể chăm lo cho con đầy đủ nhất”, chị Trang nói.

muc sinh thap nhieu he luy trong tuong lai hinh anh 1

Mức sinh thấp có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực trong bối cảnh đang già hóa dân số (Ảnh minh họa: BSCC)

Ở hoàn cảnh khác, chị Hoàng Hồng Hà (Hai Bà Trưng) chia sẻ, hiện, vợ chồng anh chị năm nay 38 tuổi và mới chỉ có 1 đứa con 13 tuổi. Tuy vậy, anh chị không có ý định sinh thêm con vì áp lực kinh tế. Cả hai vợ chồng làm công nhân, thu nhập bấp bênh, hàng tháng dao động từ 12-14 triệu/tháng. Với số tiền đó, anh chị phải chi tiêu tằn tiện mới đủ trang trải cho cả gia đình trong 1 tháng.

“Chỉ có 1 đứa con mà tháng nào cũng âm tiền, thiếu trước hụt sau. Nếu sinh thêm con thì chi phí sẽ đội lên rất nhiều, khi đó cuộc sống còn túng thiếu và vất vả hơn. Mặc dù rất muốn có thêm con nhưng điều kiện không cho phép nên chúng tôi đành chịu”, chị Hà chia sẻ.

Theo Ths - Luật gia Ngô Doanh, sinh ít con hoặc không sinh con là xu hướng đang diễn ra và tác động xấu đến chính sách “Dân số và phát triển”. Thực trạng này đang xảy ra rõ nét ở thành phố lớn như TP.HCM, với tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước. Có rất nhiều lý do khiến các cặp vợ chồng trẻ ngày nay ngại sinh con, sợ sinh con, thậm chí còn có xu hướng người trẻ “lấy thú cưng làm niềm vui.

“Tôi lấy ví dụ một thực tế hiện nay, ở TP. HCM và Hà Nội cũng như các đô thị lớn, người lao động thu nhập bình quân từ 6-12 triệu đồng/tháng, cha mẹ nếu nuôi 2 người con nữa sẽ không đủ trang trải chi phí cơ bản để nuôi con ăn học. Đó là chưa nói đến nhiều cặp vợ chồng còn phải trang trải tiền thuê nhà, lễ Tết, đi lại thăm quê, ma chay hiếu hỷ…”, ông Doanh chia sẻ.

Nguyên nhân chính củ thực trạng này là do áp lực về kinh tế, việc làm, nhà ở, chi phí học hành, lo ngại gián đoạn sự nghiệp… Khi nhiều người trẻ có tâm lý không muốn sinh con thì đó không còn là chuyện của cá nhân mà sẽ gây ra nhiều hệ lụy lâu dài cho xã hội. Đặc biệt, mức sinh thấp kéo dài sẽ làm suy giảm quy mô dân số, thiếu hụt lực lượng lao động, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, chi phí chăm sóc sức khỏe và các chi phí xã hội khác cao hơn...

Hệ lụy của việc sinh ít con

Việt Nam đang trải qua quá trình giảm sinh nhanh hơn so với thế giới. Trước đây, mỗi phụ nữ ở thành thị sinh trung bình hơn 1,7 con, nhưng trong 2 năm trở lại đây, con số này giảm xuống dưới 1,7; Ở nông thôn, tỷ lệ sinh năm 2024 cũng dự kiến giảm xuống dưới mức sinh thay thế. Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Mức sinh thấp là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến già hóa dân số và dân số già. Mức sinh giảm, tỷ lệ trẻ em trong tổng dân số giảm nên tỷ lệ người trong độ tuổi lao động và người cao tuổi tăng lên, dẫn đến già hóa dân số, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đây là vấn đề đáng báo động.

Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình, sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì nòi giống. Mức sinh thay thế là khi tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con/phụ nữ.

Khi mức sinh giảm thấp dẫn tới suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…

"Việt Nam đang có xu thế giảm mức sinh thay thế, mặc dù chưa ở mức báo động nhưng điều này chắc chắn sẽ trở thành vấn đề lớn nếu chúng ta không có giải pháp can thiệp từ bây giờ", ông Lê Thanh Dũng cảnh báo.

muc sinh thap nhieu he luy trong tuong lai hinh anh 2

TS.BS. Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số

TS.BS. Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) nêu quan điểm, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Do vậy, việc bỏ các hạn chế về số con là một việc phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là việc đặt ra các quy định về số con, dù là ở con số nào cũng là không phù hợp. Việc quyết định số con là quyền sinh sản của các cặp vợ chồng. Nhà nước  ở bình diện vĩ mô cần có các chính sách để đảm bảo quyền, mong muốn của các gia đình phù hợp và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước. Cần nhiều các chính sách hơn là việc chỉ đặt ra quy định là sinh bao nhiêu con.

Trước đây, Singapore đã từng có chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng tri thức sinh con và hạn chế những người có trình độ văn hóa thấp hơn sinh ít con. Các nhà lãnh đạo của Singapore khi ấy nghĩ rằng, như vậy họ sẽ làm tăng chất lượng dân số, xã hội sẽ có nhiều người có phẩm chất tinh tú vì được sinh ra từ các cặp vợ chồng có trình độ giáo dục cao. Tuy nhiên, họ đã thất bại. Những người mà nhà nước muốn sinh nhiều con vẫn không sinh nhiều con, thậm chí còn sinh ít hơn mặc dù nhà nước đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi về nhà cửa, học hành... Đó là vì những người ở thành phố, có trình độ giáo dục cao họ có rất nhiều cơ hội khác mà các ưu đãi của nhà nước không quan trọng bằng các cơ hội hiện hữu của họ. Trong khi đó người dân ở quê vẫn sinh nhiều con vì họ cần người để hỗ trợ họ trong công việc hoặc là nơi nương tựa về già sau này. 

Bà Tú Anh cũng cho biết thêm, hiện nay có rất nhiều lý do khiến các cặp vợ chồng trẻ ngại sinh con, sự lo ngại ấy rất đa dạng, có thể do hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, nơi sinh sống, truyền thống gia đình, giá trị của bản thân… Do vậy, để các chính sách phù hợp và hiệu quả, trước hết, nhà nước cần thực hiện ngay các nghiên cứu để biết được nhu cầu sinh con và sự lo lắng của các cặp vợ chồng rồi dựa vào đó để đưa ra chính sách. Để thực hiện được chủ trương này của nhà nước cũng cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp.

Bà Tú Anh đưa ra ví dụ, một trong những nơi có đông người lao động trẻ, các cặp vợ chồng trẻ và có thể gặp khó khăn trong việc sinh con và chăm sóc con là các khu công nghiệp. Nhiều cặp vợ chồng không dám sinh con hoặc sinh con xong thì phải gửi con về quê nhờ bố mẹ, ông bà chăm sóc vì các khu công nghiệp này không có sẵn nhà trẻ. Các nhà trẻ tư hoặc nhà trẻ tự phát lại thường đắt hoặc không đảm bảo chất lượng. Như vậy, nhà nước phải đưa quy định về việc quy hoạch các khu công nghiệp bắt buộc phải có nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế, hoặc các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phải đảm bảo cung cấp các dịch vụ này cho người lao động. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích với các doanh nghiệp và đảm bảo được các tiêu chí này. Đồng thời, cần tuyên truyền để các doanh nghiệp thấy rằng, nếu đảm bảo được các dịch vụ này cho người lao động thì họ sẽ có lực lượng lao động khỏe mạnh hơn, ổn định và bền vững hơn.

Năm 2023, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số thực hiện khảo sát ở một số doanh nghiệp tại 3 khu công nghiệp là Hải Phòng, Nam Định và Bình Dương và thấy rằng, tình trạng sức khỏe và tiếp cận giáo dục của con là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của lao động nữ, ảnh hưởng tới sự tập trung của họ trong công việc. Do vậy, nếu doanh nghiệp đảm bảo được các điều kiện chăm sóc này thì người lao động sẽ yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó là việc đánh giá lao động và thưởng cho người lao động trong thời gian nghỉ sinh. Việt Nam có chính sách nghỉ sinh tương đối tốt và phụ nữ mang thai cũng được khám thai chăm sóc trước sinh tốt, nhưng ở hầu hết các cơ quan, xí nghiệp, phụ nữ nghỉ sinh không được xét hạng lao động tốt, do vậy họ sẽ không được hưởng các chế độ khen thưởng tương ứng. Đây là một điều rất thiệt thòi cho người phụ nữ. Nếu nhà nước coi việc các cặp vợ chồng sinh con không phải chỉ để cho gia đình của họ mà cũng là nghĩa vụ với đất nước thì cần thay đổi điều này.

“Mọi người có quyền tự quyết về số con, tuy nhiên vai trò rất quan trọng của nhà nước là đảm bảo quyết định đó là một quyết định tự nguyện, dựa trên cơ sở có đầy đủ thông tin. Tôi tin rằng, nếu nhà nước chỉ hô khẩu hiệu việc sinh thêm con nhưng không có chính sách hỗ trợ phù hợp thì sẽ không có các thay đổi tích cực. Việc tư vấn tiền hôn nhân, hỗ trợ tiếp cận các biện pháp tránh thai khi cần, hỗ trợ tiếp cận tới các chính sách phúc lợi xã hội phù hợp, phòng ngừa bạo lực gia đình, nâng cao quyền năng của phụ nữ sẽ giúp các cặp vợ chồng ra các quyết định phù hợp và góp phần thực hiện chính sách dân số đảm bảo phát triển và bền vững”, bà Hoàng Tú Anh chia sẻ.

Nguồn: Vov.vn


Ý kiến bạn đọc