Bốn năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất nhập khẩu và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực EU đã có nhiều khởi sắc.
EVFTA giúp nhiều sản phẩm từ Việt Nam sang EU được lợi. |
Thương mại hai chiều gia tăng nhờ EVFTA
Sau 4 năm thực thi EVFTA (tháng 8/2020-8/2024), gạo là một trong những sản phẩm được đánh giá là đã tận dụng hiệu quả Hiệp định này để xuất khẩu. Theo đó, trong quý I/2024, Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường EU gần 46.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thị trường Pháp tăng đột biến với 18.200 tấn tương đương giá trị 19,1 triệu USD, tăng gần 180 lần so với cùng kỳ.
Bộ Công thương đánh giá, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu tốt nhờ phát triển thị trường xuất khẩu gạo sang EU. So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là nước có thể cạnh tranh lớn nhất ở các thị trường EU, nhờ việc đã ký kết EVFTA.
Đơn cử như Tập đoàn Lộc Trời, năm 2023, doanh nghiệp này đã xuất khẩu sang EU 20.263 tấn gạo, đạt giá trị trên 12 triệu USD. Hết quý I/2024, công ty đã xuất khẩu sang châu Âu đạt gần 2.700 tấn gạo, trị giá gần 2 triệu USD.
Theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.
Cùng với gạo, nhiều mặt hàng khác như dệt may, da giày, thuỷ sản… cũng được đánh giá là đã tận dụng tốt nhất hiệu quả từ EVFTA để gia tăng xuất khẩu.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, trong số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia thì có thể nói, Hiệp định EVFTA là Hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất. Theo Bộ Công thương, sau 4 năm thực thi, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng gần 50%. Ở chiều ngược lại, hàng hoá xuất khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 40%.
Hiện nay, xuất khẩu sang EU luôn chiếm khoảng 12-15% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Quan trọng hơn, đây là một thị trường với quy mô dung lượng rất lớn, có tiềm lực về khoa học công nghệ và quản lý để nếu như doanh nghiệp có khả năng thành công ở thị trường này thì cũng có khả năng đi vào những thị trường khó tính khác.
Bên cạnh hoạt động xuất nhập khẩu, một trong những điểm sáng được đánh giá cao từ EVFTA chính là Việt Nam đã chủ động cải cách thể chế để có thể tạo được môi trường kinh doanh mang tính minh bạch, thuận lợi hơn, từ đó tăng cường thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, bao gồm vốn đầu tư từ các nước EU. Cho đến nay, EU đã đầu tư vào Việt Nam 28 tỷ Euro, đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư.
“Cùng với EVFTA, chúng ta cũng đã ký Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hiệp định này đang chờ một số nước thành viên EU phê chuẩn để đưa vào thực thi. Dự kiến, sau khi các nước EU phê chuẩn, hiệp định này sẽ tạo động lực và sẽ đem lại lợi ích lớn hơn nữa về đầu tư”, ông Lê Hoàng Thái nói.
Rào cản và cơ hội mang tên “tiêu chuẩn xanh”
Sau 4 năm đầu được đánh giá là thành công, bước sang năm thứ 5 thực thi, cùng với các cam kết ngày càng khắt khe hơn, rất nhiều các đạo luật khác liên quan đến tiêu chuẩn xanh đã được EU ban hành cho từng loại sản phẩm, ngành hàng và sẽ áp dụng ngay trong thời gian tới đây.
|
Các tiêu chuẩn xanh vừa thách thức, song cũng là cơ hội cho doanh nghiệp. |
Ông Lương Hoàng Thái chia sẻ, EU nói riêng cũng như một số nước phát triển nói chung hiện nay đang có xu hướng chuyển đổi rất mạnh với những quy định mang tính chất ngày càng ngặt nghèo liên quan đến chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chống chặt phá rừng và những quy định tương tự.
EU là nơi đi đầu trong thực thi những quy định này. Thí dụ, họ đã bắt đầu thực hiện những quy định về thuế điều chỉnh các bon tại biên giới, hay là có những quy định ngặt nghèo đối với những sản phẩm xuất khẩu sang EU được trồng trên đất đã xảy ra phá rừng. Hoặc là những quy định về xuất khẩu thủy sản, phía EU cũng có những quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp và không khai báo…
Tuy nhiên, những quy định này được đánh giá là có hai mặt. Một mặt là rào cản, nhưng mặt khác, nếu như đáp ứng được những tiêu chuẩn này, đó cũng là cơ hội để chúng ta vươn lên, có lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ cạnh tranh khác của chúng ta chưa đáp ứng quy định này. Chính vì vậy mà Chính phủ cũng đã có một chương trình hành động rất chi tiết để giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan.
“Ví dụ, đối với thuế điều chỉnh các bon tại biên giới, Chính phủ đã giao Bộ Công thương có một đề án. Chúng tôi đang xây dựng đề án này và sẽ có sự phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như tham gia lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để làm sao có những chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đồng đáp ứng được tiêu chuẩn cao mà phía bạn đặt ra”, ông Lương Hoàng Thái thông tin.
Về phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Kim Ngân, đại diện Công ty TNHH CTC vải không dệt Việt Nam, trước các yêu cầu của thị trường EU về phát triển bền vững, ban đầu cũng khá khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu đầu vào, vì nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ chất lượng.
Để đáp ứng tiêu chuẩn EU, bản thân nhà cung ứng phải đáp ứng tiêu chí đó, nên đa số vẫn phải nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, bà Ngân lạc quan cho rằng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cấp. Vì đây là xu hướng toàn cầu nên buộc doanh nghiệp phải thay đổi, đổi mới để tạo ra sản phẩm mới an toàn với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu hơn. Đồng thời, cũng chính là động lực để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường.
Vì xét cho cùng, EU chính là một trong những khu vực thị trường có yêu cầu cao bậc nhất thế giới. Do đó, xuất khẩu thành công sang thị trường EU sẽ giúp sản phẩm có cơ hội xuất khẩu đến rất nhiều thị trường khác trên thế giới.
Nguồn: Nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc