Còn 3 tuần nữa năm học mới sẽ bắt đầu, nhưng một số địa phương báo cáo trường lớp vẫn chưa bảo đảm theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn chưa bảo đảm… đang là thách thức của ngành giáo dục và các địa phương.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm học 2023 - 2024, cả nước có gần 2 triệu học sinh (HS) các cấp (tăng 499.960 em). Tỉ lệ HS/lớp ở cấp tiểu học là 32,1, THCS là 37,71 và THPT là 40,27. Tuy nhiên, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng… tình trạng sĩ số HS/lớp vượt xa so với tỉ lệ quy định của Bộ GDĐT vẫn là bài toán khó giải.
Quá tải trường lớp
Quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) những năm gần đây luôn là điểm nóng thiếu trường, lớp. Năm học 2022 - 2023, hàng trăm phụ huynh Trường Mẫu giáo Hoàng Liệt phải bốc thăm suất học trường công cho trẻ trong khi đây là quyền lợi đáng lẽ các em đương nhiên được hưởng, cho thấy thực trạng đáng báo động cần phải giải quyết. Tới tháng 9/2023, quận này đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây mới 4 trường học gồm: Trường Mầm non Hoàng Liệt, Trường THPT Hoàng Liệt và 2 trường tiểu học tại phường Hoàng Liệt, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, quận Hoàng Mai cũng đang gấp rút triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công của 3 dự án trường học tại Định Công, 3 dự án trường học tại Vĩnh Hưng... song song với việc rà soát và bổ sung hơn 20 trường học các cấp cũng dự kiến trong năm học 2025 sẽ hoàn thành.
Như vậy, trước mắt trong năm học 2024 - 2025, quận này vẫn thiếu gần 40 trường công lập nếu đối chiếu với quy định của Bộ GDĐT. Điều này tạo gánh nặng, áp lực cho các trường công khác trong khu vực và chính người dân khi phải xoay xở tìm chỗ học cho con làm sao để đáp ứng chất lượng, thuận tiện gần nhà nhưng chi phí cũng không thể vượt quá khả năng tài chính của gia đình. Vì vậy, dù hệ thống trường ngoài công lập ở khu vực này không thiếu nhưng chọn trường học nào cho con với các bậc phụ huynh vẫn là một bài toán vô cùng khó khăn.
Theo quy định của Bộ GDĐT, mỗi trường mầm non không quá 20 lớp, mỗi lớp quy định theo độ tuổi nhưng tối đa không quá 35 HS. Với trường tiểu học, quy mô tối đa 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 HS. Đối với trường THCS, quy mô tối đa 45 lớp, mỗi lớp không quá 45 HS.
Khó đảm bảo sĩ số theo quy định
Mới đây, Bộ GDĐT tiếp tục yêu cầu các địa phương bảo đảm sĩ số HS/lớp theo quy định tại Điều lệ của trường tiểu học, đảm bảo sĩ số 35 em/lớp trong năm học 2024 - 2025. Quy định này với nhiều địa bàn của TPHCM cũng rất khó đảm bảo bởi lý do tăng dân số cơ học, nhất là các quận vùng ven dẫn đến sĩ số lớp học tăng cao, thường từ 40 - 45 HS/lớp.
Thậm chí, ghi nhận tại quận Bình Tân, năm nay dự kiến có khoảng 66.000 HS tại 28 trường tiểu học. Mặc dù năm học này đã đưa vào sử dụng một số trường học mới xây nhưng mục tiêu đặt ra là giảm sĩ số về 42 HS/lớp học… Còn để đạt tỉ lệ 35 HS như quy định là không khả thi. Tỉ lệ HS bậc tiểu học được học 2 buổi/ngày ở quận Bình Tân cũng mới chỉ đạt 63%.
Điều này sẽ gây khó khăn cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Lý do là vì lớp học đông, mức tương tác giữa cô và trò sẽ khó khăn hơn, khó đảm bảo thành công như kỳ vọng đối với chương trình mới mà ngành giáo dục và xã hội mong đợi.
Cũng quá tải trường lớp, quận Gò Vấp (TPHCM) đã chủ động sắp xếp tại 100% trường THCS trên địa bàn để các em HS được học 2 buổi/ngày. Ở bậc tiểu học, tỉ lệ học 2 buổi/ngày là 89%. Một trong những giải pháp quận này đang thực hiện là sắp xếp học theo lớp học di động. Quận Gò Vấp tận dụng tối đa cơ sở vật chất, chủ động tối đa để ưu tiên các em HS học 2 buổi, tận dụng phòng học chức năng, trường học lân cận…
Tuy vậy, theo các chuyên gia, xây mới trường học vẫn là giải pháp lâu dài để đáp ứng tốt nhất nhu cầu cho HS, đảm bảo sĩ số quy định. Bên cạnh đó là cải tạo, nâng tầng, xây thêm đơn nguyên để nhanh chóng có thêm lớp học, góp phần tăng thêm số HS được học trường công lập.
Đặc biệt, tin vui đối với HS Thủ đô đó là 7 trường liên cấp tiểu học, THCS-THPT tiên tiến, hiện đại hiện nay kế hoạch đầu tư công trung hạn đã bố trí nguồn vốn để xây dựng.
4/7 đơn vị đã có chủ trương đầu tư và HĐND TP Hà Nội sẽ thông qua chủ trương này nhằm làm tiền đề cho các đơn vị triển khai thực hiện dự án. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu trường lớp ở một số quận, huyện đông dân cư.
Chủ động giải bài toán thiếu giáo viên
Câu chuyện thiếu giáo viên (GV) đang là nỗi lo… đến hẹn lại lên của các cơ sở giáo dục mỗi khi năm học mới bắt đầu. Tình trạng này khiến các địa phương loay hoay trong tổ chức dạy học. Đây cũng là bài toán đặt ra với ngành giáo dục để bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình mới ở các cấp học. Tại hội nghị Giám đốc Sở GDĐT năm 2024 do Bộ GDĐT tổ chức mới đây, đại diện nhiều Sở GDĐT như Đắk Lắk, Hậu Giang cũng chia sẻ những trăn trở về tình trạng thiếu GV, khó tuyển dụng GV tại địa phương
Ghi nhận tại TPHCM năm học 2024 - 2025, việc tuyển dụng GV đã được mở rộng phân cấp tuyển dụng cho 29 đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Việc này nhằm giúp các trường chủ động hơn trong công tác tuyển dụng GV, nhân viên, qua đó nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm hiệu quả hoạt động tại đơn vị.
Theo thông báo danh sách ứng viên trúng tuyển viên chức giáo dục năm học 2024 - 2025 của Sở GDĐT TPHCM, có 13/15 môn học tuyển đủ GV so với nhu cầu tuyển dụng. Đây là kết quả khả quan hơn các năm học trước, bởi không còn tình trạng thiếu nguồn tuyển GV ở nhiều môn học. Hai môn học không tuyển đủ GV trong năm học này là Âm nhạc và Mỹ thuật, có 8 ứng viên trúng tuyển trên tổng số 9 nhu cầu tuyển dụng và 3 ứng viên trúng tuyển trên 7 nhu cầu tuyển dụng.
Tình trạng thiếu nguồn tuyển GV không chỉ diễn ra ở TPHCM mà hầu hết các địa phương trên toàn quốc đều phải đối mặt bài toán này. Ngoài 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật, các trường tiểu học, THCS còn thiếu nguồn tuyển các bộ môn đặc thù khác như Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục thể chất.
Giải pháp các địa phương đưa ra nhằm thu hút GV rất đa dạng. Đơn cử như TPHCM đang đang hoàn thiện đề án chính sách thu hút GV công tác tại các trường tiểu học công lập ở các bộ môn đặc thù, khó tuyển dụng.
Theo đó, GV được tuyển dụng lần đầu ở các môn học này sẽ được hỗ trợ từ 30 - 50 triệu đồng/năm học trong 3 năm đầu công tác. Trong đó, các khoản hỗ trợ gồm chi phí sinh hoạt, nhà ở, phương tiện đi lại, chi phí tự học và nghiên cứu…
Theo đánh giá của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, chính sách lương mới từ 1/7 cho đối tượng GV với việc nâng lương cơ sở và nhiều thay đổi trong phụ cấp dành cho GV khiến nhiều thầy cô phấn khởi, phần nào yên tâm gắn bó với nghề nghiệp hơn. Tuy nhiên, để thu hút và giữ chân nhà giáo, cần nhiều hơn những chính sách thiết thực quan tâm tới đội ngũ này.
“Chỉ thị số 29, ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để GV thực hiện tốt nhiệm vụ; có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với GV công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục chuyên biệt. Vấn đề là làm sao để chính sách đi vào thực tiễn. Ngành giáo dục và mỗi địa phương cần chủ động trong việc đề ra các giải pháp linh hoạt và phù hợp với địa bàn của mình để thu hút và giữ chân nhà giáo” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị.
“
Năm học 2024 - 2025, có 6 địa phương thông báo miễn, giảm học phí cho HS các cấp. Cụ thể, Vĩnh Phúc sẽ giảm 50% học phí cho HS các cấp so với năm ngoái, từ 30.000 - 180.000 đồng/HS/tháng. TPHCM cũng thông báo mức học phí mới giảm khoảng 100.000 - 240.000 đồng/tháng tùy cấp học, mức này bằng với mức thu của năm học 2021 - 2022. Long An giảm 50% học phí với trẻ mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và miễn 100% học phí với HS THCS các trường công lập trên địa bàn tỉnh. Đà Nẵng, TP Hải Phòng tiếp tục quyết định miễn học phí cho HS từ cấp mầm non đến phổ thông.
Nguồn: Báo đại đoàn kết
Ý kiến bạn đọc