Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3; nhanh chóng ổn định tình hình cho nhân dân, khôi phục hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Hôm nay (15/9), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị với các bộ, ngành, địa phương bị ảnh hưởng của bão số 3 để triển khai 4 nhiệm vụ lớn, đó là: khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khôi phục sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên Chính phủ và đại biểu dành 1 phút mặc niệm đồng bào bị tử nạn do cơn bão số 3. (Ảnh: TTXVN)
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.
Theo các báo cáo, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta. Đây là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: cường độ lớn; tốc độ cao; phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; kéo dài nhiều tiếng khi đổ bộ vào đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tích cực, chủ động, tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp nhanh chóng, đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn để khắc phục hậu quả bão số 3, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ, chia buồn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng của bão số 3, nhất là các gia đình có người thiệt mạng, mất tích, bị thương do bão lũ gây ra.
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ rất đồng bộ, quyết liệt, bài bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè quốc tế. Bộ Chính trị đã họp chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp đến chỉ đạo, thăm hỏi, động viên kịp thời; Thường trực Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, hội ý, trao đổi; các lãnh đạo Chính phủ tới chỉ đạo tại các địa phương. Riêng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 công điện bám sát diễn biến, tình hình thực tế, chỉ đạo xử lý kịp thời những diễn biến đột xuất, bất ngờ về lũ ống, lũ quét, sập cầu, vỡ đê, vỡ đập…; thành lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão.
Tuy nhiên, do đây là siêu bão với nhiều yếu tố chưa từng có trong lịch sử nên vẫn gây thiệt hại rất nặng nề. Đến nay đã có hơn 330 người thiệt mạng và mất tích, gần 2.000 người bị thương.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương trên 350 tỷ đồng, 300 tấn gạo… Hơn 1.000 tỷ đồng đã đươc quyên góp để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương đã thể hiện trách nhiệm rất cao, nỗ lực rất lớn để làm tốt nhất trong khả năng có thể; cảm ơn nhân dân đã đồng hành, vào cuộc cùng cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an trong ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão.
Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời cảm ơn các cơ quan chức năng phía Trung Quốc đã phối hợp kịp thời, hiệu quả với các cơ quan Việt Nam trong việc điều tiết lượng nước các dòng sông giữa hai nước, đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ.
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm: Bám sát tình hình, dự báo chính xác; công tác tuyên truyền, vận động phải nhanh, kịp thời, rộng rãi; chỉ đạo kịp thời, chính xác, phù hợp, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương, các cấp phải chủ động, tích cực với "3 trước, 4 tại chỗ" trong phòng chống và khắc phục hậu quả. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 6 mục tiêu lớn trong khắc phục hậu quả bão lũ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng cũng nhấn mạnh từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp tương ứng với từng mục tiêu. Trong đó, với nhóm nhiệm vụ khắc phục hậu quả siêu bão, Thủ tướng yêu cầu tập trung cho công tác tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, bố trí chỗ ở tạm thời cho người bị mất nhà hoặc nhà bị hư hỏng, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch, cứu chữa người bị bệnh. Rà soát, kiểm tra, tiếp cận bằng được, bằng mọi cách những nơi bị chia cắt, cô lập để hỗ trợ, tiếp tế người dân. Tập trung cả hệ thống chính trị, các lực lượng dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu; sửa chữa ngay các cơ sở y tế và giáo dục bị hư hỏng.
Về nhóm nhiệm vụ ổn định tình hình cho nhân dân, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại của nhân dân và Nhà nước, hỗ trợ ngay cho người dân bị thiệt hại, cố gắng ổn định tại chỗ, hỗ trợ, giải quyết hậu sự cho những người xấu số. Thủ tướng đánh giá cao Quỹ Tấm lòng Việt Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Lào Cai khẩn trương triển khai việc tái thiết, xây dựng nhà ở cho tất cả người dân thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên và thôn Nậm Tông, huyện Bắc Hà; đồng thời cho biết đã giao Tập đoàn Dầu khí phối hợp với tỉnh xây nhà mới cho 17 hộ dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương rà soát các thôn bản bị vùi lấp, các gia đình mất nhà, tổ chức tái định cư tại nơi an toàn, chậm nhất tới 31/12 năm nay phải hoàn thành việc xây nhà mới đảm bảo an toàn, an dân với yêu cầu nhà phải có 3 cứng là nền cứng, vách cứng và mái cứng. Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, thống kê, sửa chữa các trường lớp, thiết bị để trong tháng 9 này tất cả các cháu học sinh trở lại trường. Kết nối giao thông thông suốt, làm tốt công tác an sinh xã hội; nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng.
Về nhóm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng... Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...
Về đề xuất của các địa phương, Thủ tướng đồng ý hết về chủ trương, yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với địa phương triển khai ngay và luôn. Trong đó, các địa phương cần bao nhiêu gạo cấp bấy nhiêu, và cấp thêm gạo cho lực lượng quân đội, công an để chuyển đến người dân.
Về cầu Phong Châu, Phú Thọ, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chỉ đạo phải hoàn thành sớm việc xây cầu mới. Thủ tướng đồng ý về việc sẽ sử dụng ngân sách trung ương để xây cầu mới, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025. Còn trước mắt, Thủ tướng đã chỉ đạo bắc cầu phao qua sông khi điều kiện thời tiết cho phép để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Sau hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, về trước mắt, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân. Còn về lâu dài, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu quy hoạch, sắp xếp nhân dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn để ổn định cuộc sống.
Thủ tướng cũng đã giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng lại 17 trường học không thể phục hồi để các em học sinh có nơi học tập kiên cố, an toàn.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc