Chiều 10/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 21 và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Canada.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 21, Lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao cam kết của Ấn Độ đặt ASEAN ở vị trí trung tâm trong Chính sách Hành động Hướng Đông cũng như trong Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ, đóng góp tích cực cho sự phát triển toàn diện của quan hệ ASEAN-Ấn Độ.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100,7 tỷ USD, đầu tư FDI của Ấn Độ vào ASEAN đạt 5,63 tỷ USD. Lượng khách du lịch Ấn Độ vào ASEAN năm 2023 đạt 4,29 triệu lượt, tăng mạnh so với mức 2,39 triệu lượt của năm 2022.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Ấn Độ, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác phát triển lấy người dân làm trung tâm, hợp tác kết nối, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế biển xanh, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao năng lực y tế…. Hai bên cũng tiếp tục duy trì đối thoại, tăng cường hợp tác và tổ chức diễn tập hàng hải bảo đảm an ninh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN và Ấn Độ tiếp tục vun đắp nền tảng chung về văn hóa, xã hội, con người, phát triển quan hệ hai bên ngày càng vững mạnh, toàn diện. Thủ tướng khẳng định, trên nền tảng chung vững chắc, gắn kết lâu đời, ASEAN mong muốn cùng Ấn Độ, láng giềng gần gũi, người bạn chân thành và đối tác tin cậy toàn diện, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển thịnh vượng, bền vững của mỗi bên, trong khu vực và trên thế giới.
Nhấn mạnh quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Ấn Độ cần chia sẻ tầm nhìn chung dài hạn về khu vực và thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển, Thủ tướng đề nghị hai bên cùng thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, ứng phó các thách thức chung, định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, đề cao luật pháp quốc tế. Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao và ủng hộ các sáng kiến của Ấn Độ như Sáng kiến Liên minh năng lượng mặt trời, Liên minh nhiên liệu sinh học, Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai, cũng như đề nghị Ấn Độ hỗ trợ phát triển dược phẩm.
Đề nghị tăng cường hành động chung quyết liệt, đưa quan hệ phát triển năng động, hiệu quả, thực chất, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN và Ấn Độ cần thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư phát triển bứt phá, phát huy những thế mạnh có tính hỗ trợ lẫn nhau và mở cửa thị trường của nhau hơn nữa. Thủ tướng cũng đề nghị mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ lõi, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, liên quan đến điện toán đám mây, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo.
Cùng với việc tăng cường phối hợp đóng góp vào nỗ lực chung ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững, Thủ tướng bày tỏ mong muốn Ấn Độ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ triển khai hiệu quả khuôn khổ hợp tác Mê Công-Sông Hằng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững toàn khu vực.
Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo thông qua Tuyên bố về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Ấn Độ vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực và Tuyên bố chung về thúc đẩy chuyển đổi số.
* Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Canada về Thúc đẩy Kết nối và Tự cường, Lãnh đạo các nước hoan nghênh những tiến triển tích cực đạt được trong quan hệ và hợp tác ASEAN-Canada kể từ khi nâng cấp lên Đối tác Chiến lược năm 2023. Triển khai Kế hoạch hành động ASEAN-Canada giai đoạn 2021-2025 đến nay đạt 94,17%. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Canada. Năm 2023, kim ngach thương mại hai chiều đạt 20,35 tỷ USD, và tổng đầu tư FDI từ Canada vào ASEAN đạt 3,39 tỷ USD.
Nhấn mạnh ASEAN giữ vị trí trung tâm và quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định quyết tâm cùng ASEAN hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Canada vào năm 2025, mang lại lợi ích thiết thực và thịnh vượng cho người dân. Đồng thời, Canada sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các cam kết và ưu tiên hợp tác, như sáng kiến Cửa ngõ Thương mại Canada tại Đông Nam Á trị giá 24 triệu đô-la Canada (CAD), cũng như giải ngân hiệu quả Quỹ tín thác ASEAN-Canada trị giá 01 triệu CAD cho các các chương trình, dự án hợp tác hai bên.
Lãnh đạo các nước cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khai thác hiệu quả dư địa và tiềm năng hợp tác còn rất lớn, thúc đẩy quan hệ phát triển xứng tầm Đối tác Chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi số, an ninh lương thực, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển...
ASEAN kỳ vọng Canada, Chủ tịch G7 năm 2025 và thành viên quan trọng của G20, sẽ đóng góp có trách nhiệm hơn cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, trong đó có Biển Đông, ủng hộ định hình cấu trúc khu vực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, có lợi cho cả hai bên.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ ý nghĩa của việc nâng cấp Đối tác Chiến lược ASEAN-Canada năm 2023 mở ra kỷ nguyên mới với những cơ hội cho quan hệ hai bên, và đề xuất 3 định hướng để phát triển quan hệ thực chất, hiệu quả và cùng có lợi.
ASEAN và Canada cần ưu tiên tăng cường kết nối giao thương, đầu tư, hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Canada trong năm 2025 cũng như tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP.
Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên kết nối người dân, mở rộng hợp tác giáo dục, đào tạo, hỗ trợ ASEAN phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cấp thêm học bổng cho các sinh viên, nghiên cứu sinh của các nước ASEAN đến Canada nghiên cứu và học tập.
Để phát triển Đối tác chiến lược ASEAN-Canada tự cường mạnh mẽ hơn, Thủ tướng đề nghị Canada đẩy mạnh hợp tác nâng cao khả năng chống chịu trước các thách thức của biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nước ASEAN và đặc biệt là tiểu vùng Mê Công trong chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải, hướng tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Canada cũng cần tham gia hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh mạng.
Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo các nước ASEAN và Canada nhất trí thông qua Tuyên bố chung về Thúc đẩy Kết nối và Tự cường ASEAN.
* Ngày 11/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ, Hội nghị Cấp cao Đông Á và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên Hợp Quốc.
Nguồn: Vov.vn
Ý kiến bạn đọc