Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều nay, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội doanh nhân Tư nhân Việt Nam.
Cách đây 20 năm, vào ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990, lấy ngày 13/10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, đây cũng là ngày mà vào năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò của giới doanh nhân và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của doanh nghiệp với sự phát triển của đất nước, Bác viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.
Kể từ năm 2004, ngày 13/10 đã trở thành Ngày Tết Doanh nhân, là ngày các doanh nhân tập hợp lại và cùng suy ngẫm mình đã làm được gì và cần tiếp tục làm gì để giúp cho nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, để thúc đẩy Việt Nam sớm sánh vai các cường quốc năm châu.
Được sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2004, số lượng doanh nghiệp hoạt động chỉ có khoảng 92 nghìn doanh nghiệp, thì sau 20 năm, chúng ta đã có hơn 930 nghìn doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, còn có đội ngũ gần 30 nghìn Hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 122 nghìn doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 61 nghìn doanh nghiệp. Dự báo, năm 2024 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Bên cạnh vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước, khu vực kinh tế tư nhân cũng đóng góp tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân. Khu vực kinh tế tư nhân đã xuất hiện một số tập đoàn lớn, có tiềm lực mạnh, trình độ công nghệ, năng lực quản trị tiên tiến, có thương hiệu quốc gia và uy tín quốc tế, dũng cảm vươn ra cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận và biểu dương các thành tích, kết quả quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển đất nước. Đồng thời ghi nhận và biểu dương Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những hạn chế của đội ngũ doanh nhân nước ta vẫn còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, năng lực quản trị hạn chế, chưa có nhiều doanh nhân vươn tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Tỷ lệ số lượng doanh nghiệp và doanh nhân so với dân số còn thấp so với các nước trong khu vực. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, bên cạnh những khó khăn do sự bất ổn và sụt giảm của thị trường toàn cầu, hoạt động kinh doanh của các doanh nhân còn gặp nhiều khó khăn do những rào cản của cơ chế, chính sách, pháp luật, năng lực của các cơ quan quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi phát triển của giới doanh nhân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao trong tầm nhìn 20 năm tới và xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững, chúng ta cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ kinh tế và pháp luật, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành xương sống, mũi nhọn và tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng chiến lược như hạ tầng điện, giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin, kỹ thuật số...
Quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng hướng tới những chuẩn mực quốc tế. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, doanh nghiệp thịnh vượng thì quốc gia sẽ thịnh vượng. Bởi vậy, việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói: “Khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa, quan trọng hơn nữa cho sự thịnh vượng của quốc gia. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi người dân, mỗi doanh nhân đều phải hun đúc cho mình một tinh thần doanh nhân mạnh mẽ và đầy khát vọng. Đối với các thế hệ doanh nhân hiện tại, đây chính là thời điểm để định hình lại vai trò của nhà lãnh đạo doanh nghiệp và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân chúng ta. Tôi tin rằng, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp của chúng ta chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, thế giới đang ở vào giai đoạn khó khăn do nhiều bất ổn kinh tế, căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu. Điều này càng đòi hỏi nền kinh tế của chúng ta phải tăng cường năng lực chống chịu và thích ứng để vượt qua các thách thức đó; càng khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong nỗ lực này có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp thiết thực vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô lâm đề nghị: “Tôi mong muốn và cũng đề nghị đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, đề cao đạo đức kinh doanh, có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành mẫu mực của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm. Luôn giữ vững niềm tin đối với cơ nghiệp của bản thân, cơ đồ và tương lai đất nước.Tôi đề nghị các doanh nhân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển. Phát huy tin thần đổi mới, sáng tạo và nghệ thuật tiếp thị sản phẩm; đề cao quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ, thực thi chính sách lao động công bằng, chú trọng xây dựng thương hiệu. Tôi cùng mong rằng các cơ quan của nhà nước tích cực đối thoại với doanh nghiệp, với doanh nhân, làm sao để tạo được sự thấu hiểu, chia sẻ”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, thành quả của gần 40 năm đổi mới đất nước chúng ta vui mừng có được có được đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo và lớn mạnh như ngày nay. Đó là những con người có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hóa kinh doanh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tương lai năm 2045 liệu nước ta có thể trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao hay không là nhờ sự gánh vác của đội ngũ doanh nhân hôm nay và tương lai. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc đội ngũ doanh nhân nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững, vượt qua thách thức, đón nhận cơ hội, gặt hái được nhiều thành quả kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước và sự phồn vinh của xã hội.
Nguồn: Vov.vn
Ý kiến bạn đọc