Ảnh: VGP |
Nhìn lại năm 2024, có lẽ không ai có thể quên được những ký ức của trận siêu bão số 3 (Yagi) và thảm họa mưa lũ trong những ngày tháng 9.
Trong cơn bão lũ lịch sử, đất nước Việt Nam đã một lần nữa chứng minh sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự kiên cường và lòng nhân ái của cả dân tộc để vượt qua gian nan, thử thách.
Mạnh mẽ trong cơn bão lũ
Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền với nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ. Cơn bão đã ảnh hưởng lớn tới toàn bộ 26 tỉnh thành phía Bắc, gây ra những cảnh tượng tàn phá kinh hoàng: những mái nhà bị thổi bay, cây đổ gãy la liệt, tàu thuyền bị lật chìm, nhiều khu vực mất điện, mất liên lạc...
Sau bão là những trận lũ lụt, lũ quét thảm khốc, vùi lấp hàng loạt căn nhà, ngôi làng. Đây là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình. Ngập lụt nghiêm trọng đã làm nhiều vùng đô thị biến thành biển nước, cô lập hoàn toàn, buộc người dân phải sơ tán để tránh bị mắc kẹt.
Siêu bão số 3 đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về người và tài sản. Hình ảnh tang thương ở thôn Làng Nủ hay cây cầu Phong Châu đột ngột sập hẳn khiến nhiều người vẫn còn bị ám ảnh.
Thôn Làng Nủ tan hoang sau trận lũ quét
Cầu Phong Châu - Phú Thọ bất ngờ sập xuống một đoạn dài khiến một số người và phương tiện đang đi qua cầu rơi xuống sông
Thống kê sơ bộ, bão lũ đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người, khoảng 2.000 người bị thương, gần 300.000 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ chưa đầy đủ trên 81.000 tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ USD).
Tuy nhiên, những thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo theo sát tình hình bão lũ cũng như trực tiếp thăm hỏi, động viên chiến sĩ, đồng bào.
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra công tác củng cố, khắc phục sự cố một số điểm xung yếu ở đê sông Lô (xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương) - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát tình hình, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VGP
Trong thời điểm bão lũ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 công điện, theo dõi sát tình hình kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ ngay từ sớm, từ xa với phương châm chỉ đạo là "chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất".
Chính quyền các cấp và người dân kịp thời phát hiện, di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đã giúp giảm thiểu thiệt hại về người. Điển hình là câu chuyện anh Ma Seo Chứ - Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất.
Các lực lượng công an, quân đội đã khẩn trương huy động khoảng 300.000 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện, tàu thuyền, không quản ngại gian khổ, hy sinh để cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân.
Công tác tuyên truyền, thông tin đã được các cơ quan báo chí triển khai sâu rộng, sáng tạo, hướng dẫn kỹ năng, cách ứng phó thiên tai cho người dân nhằm hạn chế tối đa thiệt hại có thể, nhất là bảo vệ tính mạng con người.
Kiên cường tiến bước
Bão lũ đi qua cũng là thời điểm cả hệ thống chính trị cùng người dân chung tay khắc phục hậu quả, hỗ trợ đồng bào, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống. Chính phủ đã đề ra mục tiêu rõ ràng: Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, không để học sinh gián đoạn học tập và khẩn trương đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Với sự chung tay của toàn xã hội, Quỹ Cứu trợ Trung ương của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ hơn 2.000 tỷ đồng để kịp thời giúp đỡ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Việc "sao kê" của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được sự đồng tình của người dân.
UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
Cùng với đó là hình ảnh đồng bào từ mọi miền Tổ quốc sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, hay những đoàn xe cứu trợ nối dài hướng về các tỉnh miền Bắc đã tạo nên bức tranh nhân văn đầy cảm động.
Trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách nhất, chúng ta lại được thấy rõ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" của người Việt Nam.
Nhằm phục hồi kinh tế - xã hội sau bão, Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3 về lâu dài, ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; những nơi không bị ảnh hưởng bù lại cho những nơi bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn. Ngoài ra cần rà soát, đánh giá, có chương trình, dự án lâu dài phòng chống sạt lở, thiên tai.
Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, 3 tháng sau thiên tai thảm khốc, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm.
Các cấp ủy, chính quyền từ trung ương tới cơ sở đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân; khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho nhân dân.
Khu tái định cư thôn làng Nủ với những ngôi nhà mới khang trang
Cuộc sống của đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã dần ổn định. Những ngôi nhà mới khang trang được xây dựng lên giúp bà con nguôi ngoai đau thương để thắp lên hy vọng cho một khởi đầu mới.
Nguồn: Vtv.vn
Ý kiến bạn đọc