Trên đường đi tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc đã gặp được chủ nghĩa xã hội cả về lý luận và thực tiễn ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. Thật là điều kỳ diệu, Người đã hô to lên, con đường cách mạng giải phóng dân tộc đây rồi. Người tâm niệm mùa xuân của dân tộc và nhân loại sẽ đến. Vào thời điểm lịch sử đó, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có tầm nhìn thời đại, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức đúng đắn nhất. Người đã trở thành chiến sĩ cộng sản và dương cao ngọn cờ tập hợp mọi lực lượng trong nước và quốc tế đi theo Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa Mác - Lênin chiến đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu đó được Người vận dụng vào cách mạng Việt Nam, nêu ra trong “Chính cương vắn tắt” và “Luận cương chính trị” từ khi Đảng ra đời. Đến nay đã 13 lần đại hội, kiên định mục tiêu đó, Đảng ta sáng tạo đề ra đường lối cách mạng đúng đắn cho từng thời kỳ đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Giành độc lập, đánh thắng “hai đế quốc to”, thực hiện sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn để có được “cơ đồ” như hôm nay.
Đại hội VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước |
Dù gặp thăng trầm, nhưng chủ nghĩa xã hội là quy luật, là mục tiêu tiến bộ xã hội phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, kẻ thù luôn tìm cách xóa bỏ nhưng đều thất bại. Khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan rã Phương Tây đã hí hững tuyên bố: “Đây là sự sụp đổ định mệnh của chủ nghĩa xã hội”. Họ biết đâu đó chỉ là sụp đổ của một mô hình, chứ sự vận động của chủ nghĩa xã hội hiện thực không nằm ngoài quy luật phát triển đa dạng giữa liên tục và đứt đoạn, giữa đường thẳng và gấp khúc, giữa tiến lên và giật lùi, giữa từ từ và nhảy vọt của lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa xã hội khoa học là phát minh của nhân loại, nên phải tìm tòi, sáng tạo để hoàn thiện. Mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu chưa phải là chủ nghĩa xã hội khoa học đúng nghĩa nên bị phá sản.
Trước tình thế đó kịp thời “nhìn thẳng vào sự thật” bằng tư duy khoa học và thực tiễn, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Lào… với trên 1,5 tỷ dân đã tìm ra con đường đổi mới, cải cách phù hợp với xu thế và bản chất của chủ nghĩa xã hội là “giải phóng loài người thông qua các cuộc cách mạng xã hội, với tầm trí tuệ nhân loại và hướng tới mục tiêu bảo đảm chất lượng cuộc sống tự do, hạnh phúc”. Đó là con đường chân chính mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã nêu ra.
Dẫu rằng chủ nghĩa xã hội hiện thực có tạm thời lâm vào thoái trào, bị tổn thất nhưng không có nghĩa là bị diệt vong. Dù thời tiết có thay đổi thì mùa xuân vẫn đến. Lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn tiếp tục trên con đường phát triển. Thế giới đang biến đổi, sự vật mới không ngừng xuất hiện, vấn đề mới không ngừng được đặt ra. Lúc này cần ghi nhớ lời V.Lênin: “Chúng ta không hề coi lý luận Mác về chủ nghĩa xã hội như là một cái gì đã xong xuôi, trái lại chúng ta phải hiểu rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho khoa học phát triển của lịch sử loài người mà chủ nghĩa xã hội là một phát minh cần được hoàn thiện…”. Theo đó cải cách, đổi mới phải đặt chủ nghĩa xã hội trong sự phát triển của quá trình biến đổi và cải tạo thường xuyên; phải suy nghĩ tìm tòi, lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp. Sức mạnh và tương lai của chủ nghĩa xã hội nói chung và của mỗi nước xã hội chủ nghĩa nói riêng tùy thuộc vào công cuộc cải cách, đổi mới; một mặt biết khắc phục những nhược điểm khuyết tật đã vấp phải, mặt khác phải giữ vững nguyên tắc, phải căn cứ vào thực tiễn của “điểm xuất phát” gắn với các truyền thống văn hóa, dân tộc, xã hội để kế thừa và phát huy trong việc lựa chọn phương thức. Mọi ý định tốt đẹp đã và sẽ không diễn ra trong thực tế nếu đi lên chủ nghĩa xã hội thiếu những cơ sở lý luận được luận chứng một cách khoa học và một cương lĩnh thực thi hiệu quả. Điều sai lầm khi tiến hành “cải tổ” ở Liên Xô để lại bài học thấm thía là, trong quá trình phát triển muốn hoàn thiện chủ nghĩa xã hội nhưng lại từ bỏ những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, cho là không còn hợp thời. Với khuôn khổ, điều kiện và từng giai đoạn lịch sử cụ thể việc đổi mới, cải tổ của mỗi nước thực hiện bằng các cách thức phù hợp với tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo khoa học, nhưng phải tôn trọng quy luật chung và bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội. Con đường chủ nghĩa xã hội là con đường mỗi dân tộc lựa chọn để giành độc lập tự do và tiến bộ xã hội. Song chủ nghĩa xã hội không chỉ là lý tưởng hay tài sản riêng của một giai cấp hay một quốc gia, mà đó là mục tiêu của cuộc cách mạng để giải phóng loài người. Trong quá tình phát triển của lịch sử, mỗi quốc gia đi lên chủ nghĩa xã hội bằng con đường riêng của mình nhưng không thể cát cứ, càng không thể cô lập, hoặc cực đoan, mà phải xem chủ nghĩa xã hội là tinh hoa của nhân loại, cần chủ động hợp tác giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau. Giữa các nước, các chế độ cần thúc đẩy sự hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực. Sẽ là sai lầm nếu không trao đổi, cùng hợp tác, cùng nhau rút kinh nghiệm nhằm phát huy những giá trị chung nhằm tránh được những tổn thất không đáng có. Đó chính là vấn đề đang đặt ra cho các nước đi lên xã hội chủ nghĩa không chỉ là đối nội mà là ở phạm vi toàn cầu. Trong thời đại ngày nay cần nhận thức đầy đủ về mối quan hệ, hợp tác quốc tế đa phương, đa dạng, vì lợi ích lâu dài của mỗi dân tộc, của chế chế độ chủ nghĩa xã hội ưu việt.
Mùa xuân năm 2021 Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định quan điểm chỉ đạo trong quá trình tiếp tục hoàn thiện công cuộc đổi mới: “Kiên định và tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Trên tinh thần đó, Đảng đã đề ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045 đưa Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao. Muốn vậy toàn Đảng toàn dân phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, giá trị văn hóa, tinh hoa thời đại để đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung xử lý dịch Covid-19 với tư duy phù hợp ở trạng thái bình thường mới và đón đầu hậu đại dịch nhằm đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, lập nên những kỳ tích mới. Phấn đấu vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, “sánh vai cùng cường quốc năm châu” trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đến mùa xuân tốt đẹp cho dân tộc trong tiến trình lịch sử hướng đến mùa xuân của nhân loại như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TS Đặng Duy Báu
Ý kiến bạn đọc