Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Quản Bạ: Để nghị quyết 27 đi vào cuộc sống

16:37, 04/10/2022

Trước thực trạng các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang hay các hoạt động tín ngưỡng khác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn biến phức tạp gây tốn kém cho kinh tế từng hộ gia đình. Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tiến tới xóa bỏ những hủ tục lạc hậu này.

Hiện nay tại huyện Quản Bạ vẫn còn tồn tại các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số, như: Người chết chưa đưa vào áo quan, giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang dài ngày; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra; một số lễ nghi trong cúng bái còn rườm rà và gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân; một số phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số có nơi còn  bị lợi dụng, biến tướng (như tục kéo vợ của dân tộc Mông) đã gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhiều giá trị văn hóa có kết quả nghiên cứu nhưng chưa được đưa vào sử dụng; tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một. Mối quan hệ giữa xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh với công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc chưa được giải quyết hài hòa. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. 

Lễ cấp sắc dân tộc Dao đã được từng rút gọn về thời gian tổ chức

Cụ thế hóa Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy, việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong nhân dân các dân tộc huyện Quản Bạ luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong đời sống sinh hoạt... từng bước được xóa bỏ; đồng thời gắn với bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc.

Một trong những giá trị văn hóa độc đáo đó chính là lễ cấp sắc - một nghi lễ không thể thiếu trong đời người đàn ông Dao. Lễ cấp sắc có mục đích là chuyển từ giai đoạn trẻ con lên người đàn ông trưởng thành. Người đàn ông cao tuổi mà chưa trải qua lễ cấp sắc thì cũng bị coi như chưa trưởng thành. Ngược lại, dù còn ít tuổi nhưng đã trải qua lễ cấp sắc thì người đó được phép tham dự bàn bạc những công việc của làng bản, dòng họ… Chính vì vậy, để được làm lễ cấp sắc thì bản thân người con trai đó phải nỗ lực cố gắng nhiều. Lúc đó, gia đình và họ tộc mới chuẩn bị mọi thứ để tổ chức lễ cấp sắc.

Nghệ nhân cấp sắc Lý Đại Thông chia sẻ: Đến bây giờ chúng tôi nghiên cứu, thì tổ chức lễ cấp sắc  kéo dài trong nhiều ngày rất phiền hà, ngày xưa là ba ngày bây giờ chúng tôi đã giảm bớt về còn một ngày. Nhưng cái bài bản làm từng bước nghi lễ vẫn còn giữ nhưng sẽ được rút ngắn, vẫn đảm bảo tính trang nghiêm, trình tự từng bài một

13/14 dòng họ dân tộc Mông tại huyện Quản Bạ đã thực hiện đưa người chết vào quan.

Để việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thực hiện tốt hơn. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nêu cao vai trò đối với việc giữ gìn và phát huy. Qua đó lấy việc điển hình tiên tiến, nhân rộng để lấn át dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Song thực tế thấy rằng, để trong việc triển khai, tuyên truyền vận động, để bài trừ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh những thuận lợi thì còn gặp những cái khó khăn. Thứ nhất là trình độ dân trí của bà con không đồng đều; thứ hai giữa các dòng họ, các dân tộc có sự nhận thức không đồng đều; thứ ba các hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào trong tiềm thức những thế hệ đi trước dẫn đến là việc tuyên truyền, vận động, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu bước đầu còn gặp nhiều khó khăn.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử cũng như thay đổi về chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa của Đảng, của Nhà nước ta, cũng như nhiều loại hình văn hóa tín ngưỡng khác nhiều phong tục đã và đang dần khôi phục và quay lại trong sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc. Qua đó đã phát huy được những giá trị trong cuộc sống, được bà con đón nhận, duy trì và phát triển. Tuy nhiên có nhiều phong tục lễ hội vẫn còn rườm ra, tốn kém và thiếu văn minh như lễ tang để dài ngày, tục kéo vợ, nếp sống ăn ở không vệ sinh hay tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Chia sẻ thêm về nội dung này, anh Giàng Mí Páo, thôn Sán Trồ xã Bát Đại Sơn cho hay: Dòng họ Giàng chúng tôi thực hiện tốt Nghị quyết số 27 của tỉnh, Đề án số 16 của huyện Quản Bạ khi có người chết phải cho vào áo quan để đảm bảo môi trường, tiết kiệm chi phí. Đưa người chết vào áo quan thì dòng họ tôi vẫn thấy bình thường, không có gì ảnh hưởng cả.

Nghệ nhân khèn Mông Ma Khái Sò, người có uy tín trong đồng bào Mông Hà Giang, một nghệ nhân rất tâm huyết, coi khèn như là linh hồn của người Mông. Sinh ra và lớn lên ở xã Thái An, huyện Quản Bạ từ nhỏ ông Ma Khái Sò đã gắn bó với khèn Mông, thấm đượm giai điệu của khèn từ ông nội và cha của mình. Từ năm 15 tuổi ông đã biết thổi những nốt nhạc đầu tiên trong bài Khèn gốc mà khi học khèn ai cũng phải học qua bài này, rồi sau đó ông thuộc nằm lòng 36 điệu Khèn tang ca thổi trong những đám ma. Năm nay dù đã bước sang tuổi 90, ông Ma Khái Sò vẫn canh cánh giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua tiếng khèn. Ngoài 20 người trẻ ở bản được ông truyền dạy thổi và múa khèn, ông Ma Khái Sò còn tham gia nhiều lớp dạy khèn ở các địa phương trong tỉnh, với số học viên khoảng trên 100 người. Đến nay đã có rất nhiều người thổi và múa khèn thành thạo khi được ông chỉ dạy. Giờ đây bằng tiếng khèn và uy tín của mình, ông đã tiếp tục vận động người dân thực hiện nếp sống mới, xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang mà thường sử dụng đến cây Khèn.

Nghệ nhân Khèn Ma Khái Sò chia sẻ: Trách nhiệm của tôi và là ước mơ của tôi cuối cùng làm sao cho dân giữ gìn được văn hóa, xóa bỏ cái lạc hậu.Tôi đã nói với các cháu là, tôi là người đi theo Đảng và theo Bác Hồ từ 15,16 tuổi đến bây giờ, khi tôi không may qua đời về với đất mẹ thì cũng làm rất đơn giản đi. Không tổ chức dài ngày, không giết mổ nhiều gia súc.

Để thay đổi quan niệm, suy nghĩ đã thành thói quen, tập tục ăn sâu trong đồng bào dân tộc thiểu số, BTV Huyện ủy Quản Bạ ban hành một Đề án số 16 về phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, đặc biệt là phát huy vai trò của đội ngũ những người là trưởng dòng họ, Chủ trương này đang tạo nên một cuộc cách mạng về thay đổi nhận thức. Ông Dương Chính Phù, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam huyện Quản Bạ cho biết thêm: Ủy ban MTTQ Việt nam huyện phối hợp với 13 xã, thị trấn tổ chức hội nghị, hội thảo, mạn đàm với thành phần là trưởng các dòng họ và bà cô của người Mông, người có uy tín và lực lượng Đoàn viên Thanh niên. Với mong muốn thông qua hội thảo này, từ nhận thức đúng của lực lượng này để thực hiện tốt

Xóa bỏ hủ tục lạc hậu là chủ trương cốt lõi trong Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy và được cụ thể hóa bằng Đề án số 06 của BTV huyện ủy Quản Bạ. Để phương châm: Chủ trương 1; Nghị quyết 10; Cụ thể hóa 100 thực sự là phương châm hành động thì việc lấy người dân làm trung tâm đang là cách làm và hướng đi đúng của huyện Quản Bạ. Nếu các biện pháp thực hiện đi vào lòng dân, người dân thấy được lợi ích của nó thì chắc chắn chủ trương ấy sẽ thành công.

Thanh Nga (Quản Bạ)


Ý kiến bạn đọc