Trong những vật nuôi, trâu là loài gia súc truyền thống, có số lượng đông đảo, mang ý nghĩa tinh thần phong phú và giá trị biểu tượng cao. Nó thể hiện vai trò gần gũi mà quan trọng, tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ, đa dạng và tích cực trong đời sống văn hóa Việt Nam.
Được thuần dưỡng từ rất sớm, sử dụng phổ biến, liên tục, lâu dài, mang giá trị vật chất đa dạng và mật thiết, nên trâu cũng tạo giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến tâm linh và đời sống văn hóa của người Việt Nam. Trong các hang động Thấm Khuyên, Phai Vệ, Kéo Lèng (Lạng Sơn), hang Hùm (Hòa Bình), Thẩm Òm (Hà Tĩnh)…, đã tìm thấy hóa thạch loài trâu sống thời tiền sử, cách đây 200-300 thế kỷ. Tại những di chỉ thời đồ đá mới (cách đây 60-100 thế kỷ), đã thấy nhiều vật trang sức, bùa đeo, đồ dùng được chế tác từ xương, sừng, da trâu, thậm chí cả những tượng đẽo, tranh vẽ, hình khắc về trâu của người Việt cổ. Vật trang sức hình đầu trâu bằng đá mài nhẵn bóng ở Đình Tràng (Đông Anh - Hà Nội) và hình lễ hội đâm trâu chạm khắc trên mặt trống đồng ở Bắc Lý (Hiệp Hòa - Bắc Giang), đều có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm. Sang thời Văn Lang và Âu Lạc (cách đây 21-27 thế kỷ), tìm thấy nhiều hình trâu, lợn, gà, chim hạc và cá sấu được dập đúc hoặc chạm khắc trên các vật dụng bằng sắt, đồng, gốm như trống chiêng, chum vại, bình ấm, nồi bát, giáo mác, gậy cột… Các nghiên cứu lịch sử cho rằng trâu đã được thuần hóa, nuôi dưỡng ở Việt Nam từ cách đây khoảng 4.500 năm, ban đầu để dùng làm thực phẩm và một số đồ gia dụng, sau đó thêm việc kéo gỗ, tiếp theo được lùa xuống ruộng dẫm cho đất lún thành bùn để dễ cấy (như người Mường vẫn còn làm cách đây không lâu), rồi cuối cùng mới là dùng để kéo cày, kéo bừa và những việc khác như hiện nay.
Trâu là một trong 6 vật nuôi thông dụng nhất (đứng đầu lục súc: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn) và một trong 3 thứ lễ vật đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thần thánh (tam sinh: trâu, lợn, dê). Theo quan niệm tín ngưỡng truyền thống, trâu (ngưu) được coi là đại diện cho ngày thứ năm, ngày con nước, ngày quan trọng trong dải 8 ngày đầu năm âm lịch: ngày mùng Năm tháng Giêng gọi là ngưu nhật (ngày mùng Một tháng Giêng ứng với gà, mùng Hai - chó, mùng Ba - lợn, mùng Bốn - dê, mùng Năm - trâu, mùng Sáu - ngựa, mùng Bảy - người, mùng Tám - lúa). Trong sự kết hợp thiên can với địa chi để tính thời gian và chu kỳ phát triển, trâu nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng của chi Sửu - chi thứ hai, quan trọng, mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Sửu kéo dài từ lúc 1 đến 3 giờ đêm, là thời gian giữa đêm, con người và mọi vật đều ngủ say nhất. Tháng Sửu là tháng 12 âm lịch, cuối đông, trời lạnh giá; con người hoàn thành kế hoạch, công việc của năm, cây trồng và vật nuôi cũng cho thu hoạch sản phẩm, đồng thời ủ ươm đón mùa xuân sắp tới. Khi năm mới đến, ngay sau đón giao thừa, người ta thường ra chuồng trâu, nhìn con trâu lúc đó đứng hay nằm, đầu quay ra hay ngoảnh vào… để đoán biết năm nay gia đình mình việc sức khỏe, quan hệ, làm ăn có hanh thông, thuận lợi hay không. Quan niệm tín ngưỡng phương Đông cho rằng trên trời có 28 chòm sao sáng nhất (nhị thập bát tú), trong đó ngôi sao mang tên Trâu (sao Ngưu) là một trong hai ngôi sao nổi bật (sao Ngưu và sao Đẩu), ứng với tư chất của những người thông tuệ, uyên bác. Người ta còn cho rằng người sinh năm Trâu (tuổi Sửu) thường cần cù, kiên nhẫn, khỏe mạnh, tài giỏi, gặp nhiều may mắn và hạnh phúc trong đời.
Ngôn ngữ luôn là nền tảng của đời sống tinh thần và văn hóa con người. Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình ảnh trâu xuất hiện rất đa dạng, sinh động, hấp dẫn, diễn tả chi tiết hoặc đầy ngụ ý. Chúng ta gặp “trâu” ở nhiều tình huống, nhiều lĩnh vực ngôn từ: tự nhiên và xã hội, lý thuyết sách vở và giao tiếp thực tiễn… “Sức trâu”, “khỏe như trâu” khen thể lực cường tráng, sức khỏe hơn người, có thể làm được, làm nhanh những việc nặng, việc khó. “Óc trâu” chế giễu, miệt thị sự hiểu biết chậm chạp và ngu ngốc. “Đầu trâu mặt ngựa” chỉ hạng người lưu manh, ngang ngược và hung hãn. “Lỳ như trâu” đánh giá sự quá lỳ lợm, chây ỳ. “Mũ sừng trâu” là mũ có hình sừng ở hai bên, đầu sừng hướng cong vào giữa. “Ổ trâu” chỉ những vết lõm sâu rộng trên đường, gây khó khăn cho đi lại. “Trẻ trâu” (ngày nay) là thanh thiếu niên ăn mặc kỳ dị, dáng vẻ bặm trợn, bản tín hung hăng, thích thể hiện cái tôi và không biết sợ. “Trâu nái” ví với người phụ nữ nhiều con, cơ thể nhão sệ. “Trâu già” lại chỉ người có tuổi, giàu kinh nghiệm hoặc đại gia ăn chơi sành sỏi… Trâu (ngưu, nghé) hiện diện trong nhiều loại địa danh đồi núi, sông hồ, bến đảo, ga chợ… trên khắp mọi miền đất nước: chùa Kim Ngưu và núi Trâu (Bắc Ninh), làng Đa Ngưu (Hưng Yên), thị trấn Trâu Quỳ, sông và đền Kim Ngưu (Hà Nội), vũng Trâu Nằm và đảo Hòn Trâu (Bình Định), suối Sừng Trâu và hồ Sông Trâu (Ninh Thuận), bãi Đầm Trâu (Bà Rịa-Vũng Tàu), sông và phường Bến Nghé (Thành phố Hồ Chí Minh), vùng đất Cầm Trâu (Sóc Trăng)… Trâu (ngưu) được lấy tên cho nhiều loài động vật: ruồi trâu, bọ cạp trâu (bọ cạp rừng), cá trâu, ếch trâu, rắn ráo trâu (rắn hổ trâu), đại bàng trâu, chim sáo trâu (chim sáo đen), linh ngưu (dê rừng), tê ngưu (tê giác)… Trâu được dùng khá phổ biến làm thực phẩm và dược liệu, nên tên của nó (trâu, ngưu) cũng được đặt cho nhiều loài thực vật - nhất là những cây trồng để ăn, làm cảnh và chế thuốc: cây chân trâu, cây đuôi trâu, cây mắt trâu (kim tiền thảo), cây ngưu thiệt (cây lưỡi trâu), cây sừng trâu, cỏ ngưu căn (cỏ mần trầu), củ móng trâu (củ khát nước), dây khiên ngưu (khiên ngưu tử), dây mạnh trâu (thiên ngưu đằng), dây trâu cổ (dây xộp), rau ngổ trâu (rau ngổ, cúc nước)…
Trâu (ngưu, nghé) còn được lấy làm đối tượng cho hàng trăm câu ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ sinh động, dân dã và thâm thúy. Các thành ngữ “khỏe như trâu”, “ngu như trâu”, “thề lái trâu”, “đàn gảy tai trâu”, “dai như trâu đái”, “lấm như trâu đầm”, “cưa sừng làm nghé”, “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”… là lời ví dùng phổ biến trong đời sống dân cư mọi miền. “Cương ngựa ách trâu” diễn tả sự bị thống trị, chèn ép, kìm giữ. “Dắt trâu chui qua ống” nói về chuyện làm một việc ngược đời, không thể thực hiện được. “Làm thân trâu ngựa” là lời than thân trách phận hèn kém, phải phục dịch, hầu hạ người khác. “Sai con toán, bán con trâu” đánh giá vai trò quan trọng của tính toán trong làm ăn, sai một con số nhỏ có thể gây ra tác hại, hậu quả lớn. “Như bông hoa nhài cắm bãi phân trâu” ví với sự yêu đương, hôn nhân quá chênh lệch, không tương xứng. “Tan đàn xẻ nghé” là sự đổ vỡ, tan tác vì không gắn bó, mất đoàn kết. “Trâu chậm uống nước đục” chỉ sự thất thiệt, thua kém do chậm trễ hơn người khác. “Trâu ta ăn cỏ đồng ta” là tinh thần tự lập, giữ vững bản sắc cá nhân, hoặc cảnh sống đơn điệu, cục bộ, cô lập. “Vợ bé nghé con” ý chỉ những sản phẩm của người đàn ông ngoại tình…
Trâu cũng là hình tượng tiêu biểu, đi vào văn thơ, ca nhạc, điện ảnh, tạo nên những tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thể loại và ở nhiều thời đại. Truyện cổ dân gian Sự tích con trâu kể lại nguồn gốc loài vật này: thuở xưa, Ngọc Hoàng tạo ra trần gian có loài người và muông thú sống chung. Ngài giao cho một vị thần 2 túi hạt, truyền đem xuống hạ giới gieo lấy thức ăn cho muôn loài: hạt ngũ cốc cho người và hạt cỏ cho muông thú. Ngài dặn hai loại hạt này phải gieo ở những nơi riêng biệt hoặc hạt cỏ chỉ được gieo vào những nơi mà hạt ngũ cốc không mọc được. Vị thần vì lười biếng, hay quên, lại mong muốn nhanh xong việc, nên đã gieo lẫn lộn các loại hạt. Hậu quả là cỏ mọc nhiều và lan rộng, lấn át các loại ngũ cốc của người. Loài người kêu than vọng tới thiên đình, Ngọc Hoàng tức giận đày vị thần kia xuống hạ giới làm kiếp trâu, hàng ngày ăn cỏ và có trách nhiệm diệt cỏ. Truyện cổ dân gian Trí khôn của ta đây lại lý giải việc trâu không có răng ở hàm trên: cọp trong rừng ra, thấy trâu nhẫn nhịn chịu đựng cày dưới sự điều khiển của bác nông dân thì ngạc nhiên lắm, hỏi trâu thì trâu bảo người có trí khôn, cọp hỏi bác nông dân thì bác bảo trí khôn có nhưng để ở nhà, nếu cọp cần bác sẽ về lấy cho, nhưng bác phải buộc cọp lại lúc về lấy trí khôn kẻo cọp ăn thịt mất trâu của bác lúc vắng chủ. Cọp đồng ý và bị bác nông dân buộc chặt vào thân cây. Trói xong, bác nông dân chất rơm xung quanh và châm lửa, vừa đốt vừa nói: “Trí khôn của ta đây!”. Cọp vùng vẫy mãi mới thoát được vào rừng, lông cháy loang lổ thành vằn đen vàng. Trâu chứng kiến, gục đầu cười ngất, va cả hàm trên vào tảng đá trước mặt khiến rụng hết răng. Còn Lục súc tranh công là truyện Nôm khuyết danh khá sinh động: 6 con vật nuôi trong nhà (trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn) tranh nhau công trạng của mình với người, với đời (trong đó trâu cho rằng mình có công lớn khi làm việc vất vả để sản xuất ra thóc, gạo, ngô, đỗ) khiến gia chủ phải can thiệp, dàn hòa mãi mới yên, ghi nhận công riêng cho từng con vật… Ca dao truyền thống thì đề cập nhiều về ảnh hưởng, quan hệ mật thiết của trâu với những gia đình người Việt thời xưa: từ cảnh cùng lao động, làm ăn “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” hay “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn” đến trở thành đối tượng của việc mặc cả vui nhộn, đầy ngụ ý “Của chua ai thấy cũng thèm/ Em cho chị mượn chồng em ít ngày/ Chồng em đâu phải trâu cày/ Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm”. Thế kỷ 3, sách Giao Châu ký mô tả sinh động trẻ em vùng Giao Châu (Bắc Bộ ngày nay) vắt vẻo trên lưng trâu, dọc ngang đường thôn ngõ xóm, vừa chăn trâu vừa thổi sáo. Thế kỷ 13, trong sách Lĩnh Nam chích quái (của Trần Thế Pháp) có lý giải thần thoại những địa danh ở Hà Nội và phụ cận gắn với trâu vàng: tại vùng núi Tiên Du (Bắc Ninh) có con trâu vàng thành tinh, hàng đêm tỏa sáng. Bị một vị pháp sư dùng tích trượng (gậy thiếc) yểm lên trán, nó hoảng loạn chạy trốn nhiều nơi, những chỗ nó chạy qua đều để lại những vết tích và địa danh tên trâu (thôn Trâu Húc, làng Đa Ngưu, hồ Trâu Đằm…). Chạy đến kinh đô (Hà Nội ngày nay), vết chạy của nó tạo thành sông Kim Ngưu, cuối cùng đến một cái đầm và nó lặn xuống mất tăm, sau này người ta dựng tại đây đền Kim Ngưu và đặt tên đầm đó là hồ Trâu Vàng (hồ Tây ngày nay). Cuối thế kỷ 13, vua Trần Nhân Tông ngắm cảnh nơi quê nhà, cảm tác bằng bài thơ tứ tuyệt Thiên Trường vãn vọng với hai câu cuối rất đẹp: “Mục đồng sáo vẳng trâu về hết/ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”. Giữa thế kỷ 16, Phùng Khắc Khoan trên đường công cán Nghệ An ghi lại cảnh thả rông vật nuôi trong Đào Nguyên hành: “Trâu, bò, gà, lợn, dê, ngan/ Đầy lũ đầy đàn rong thả khắp nơi”. Thế kỷ 18, trong sách Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn miêu tả và bình chú kỹ từng đoàn xe trâu đi dọc dãy Trường Sơn, từ địa phận Quảng Bình tới Quảng Nam. Cuối thế kỷ 19, thi sĩ Học Lạc (Nguyễn Văn Lạc) nổi tiếng với bài Vịnh con trâu đầy trăn trở: “Mài sừng cho lắm cũng là trâu/ Ngẫm lại mà coi thật lớn đầu/ Trong bụng lam nham ba lá sách/ Ngoài cằm lém đém một chòm râu/ Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy/ Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu/ Nghé ọ già đời quen nghé ọ/ Dăm dây đàn gảy biết nghe đâu”. Sang thế kỷ 20, trâu đi sâu hơn vào những phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, tiểu thuyết của các nhà báo, nhà văn Trần Tiêu, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… và hàng loạt thi sĩ của phong trào Thơ mới (1932-1945). Từ giữa thế kỷ 20, trâu tiếp tục lan tỏa trong văn thơ dân tộc, làm nên tiểu thuyết nổi tiếng Con trâu của Nguyễn Văn Bổng (năm 1952) và nhiều bài thơ đặc sắc: Cưỡi trâu về niên thiếu (của Trần Mạnh Hảo), Chăn trâu (của Kim Long), Chăn trâu đốt lửa (của Đồng Đức Bốn)…, thậm chí hóa thân thành văn thơ như bài Trâu thơ (năm 1995) của Trần Mạnh Hảo: “Hãy lột da tôi mà làm trống/ Sừng tôi xin đẽo chiếc tù và/ Thơ ơi nếu hóa thành trâu mộng/ Đến chết rồi thơ mới nói ra”. Trẻ em Việt Nam thì khá quen thuộc với các bài hát thiếu nhi về trâu, nghé (Con trâu, Gọi trâu, Gọi nghé…), bài thơ Thi nghé (của Huy Cận) và thuộc lòng bài đồng dao Thằng Cuội (Chú Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…). Trong âm nhạc, trâu có trong nhiều bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, như: “Ai bảo chăn trâu là khổ/ Chăn trâu sướng lắm chứ…” (bài Em bé quê) hay “…Này em con trâu già/ Nằm chơi trâu nhai cỏ…” (bài Bình ca). Bài hát Lý con trâu của Lưu Nhất Vũ lại vừa vui nhộn vừa mượt mà theo điệu dân ca Nam Bộ. Còn bài Đường cày đảm đang của An Chung là bài ca gắn kết tinh thần lao động của trâu với người: “Trời vừa tinh mơ, dọc đường rộn tiếng trâu đi/ Ta với trâu sương gió quản gì/ Bừa kỹ xong gieo luống cho đều/ Trâu ơi… Mai lúa khoai nhiều…”. Trong điện ảnh, cũng từ giữa thế kỷ 20, trâu xuất hiện phổ biến trong các bộ phim về nông thôn Việt Nam, mà ấn tượng và thành công nhất là bộ phim Mùa len trâu (năm 2004) của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, không những thu hút rất đông khán giả trong nước, mà còn giành được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá (giải Đặc biệt tại Liên hoan phim Locarno ở Thụy Sĩ, giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Chicago - Mỹ, giải cao nhất Grand Prix tại Amiens - Pháp, giải Đặc biệt tại Amazonas - Brazil…).
Ở một lĩnh vực khác, trầm lặng nhưng phong phú, bền vững là hình tượng trâu trong kiến trúc, tạo hình, trang trí. Trâu thể hiện khá đa dạng trên tranh, bia, miếu, đình, đền, chùa, rạp, nhà… với đủ chất liệu (đất, đá, vữa, bạc, đồng, gỗ, mực…) và bằng nhiều kỹ thuật (tạc, đắp, nặn, xăm, chạm, khắc, đúc, nung, vẽ…). Hình tượng trâu xuất hiện trên nhiều vật dụng thời xưa của người dân và trong các đình chùa, đền miếu. Chẳng hạn, tại chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh, xây dựng từ thời Bắc thuộc) có tượng trâu bằng đá sẫm, đang nằm, to cỡ con nghé. Đến thời Lý (1010-1225), đạo Phật trở thành quốc giáo, nên tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh, dựng năm 1057) có cặp tượng trâu được tạc trên đài sen, to bằng trâu thật và trông rất sống động. Sang thời Lê trung hưng (1533-1786), hình tượng trâu nơi đình chùa, đền miếu phổ biến hơn, nhất là hình chạm khắc trang trí: tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh, năm 1647), chỗ lan can đá thượng điện và tháp Bảo Nghiêm đều có hình trâu chạm nổi; tại diềm tấm bia đá Văn Miếu (Hà Nội, năm 1653) có chạm cảnh trâu cày tịch điền; tấm bia đá chùa Cảnh Phúc (Nam Định, năm 1695) lại có hình trâu nằm nghỉ; còn các đình xây dựng cuối thế kỷ 17 thì thường chạm khắc cảnh trâu kéo cày (như đình Thổ Tang - Vĩnh Phúc) và cảnh trâu đấu chọi (như đình Liên Hiệp - Hà Nội)… Đồ gốm có hình tượng trâu là sản phẩm thấy ở nhiều làng gốm cổ truyền: Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thụy Lôi (Hà Nam), Gia Thủy (Ninh Bình), Thanh Hà (Quảng Nam), Bàu Trúc (Ninh Thuận), Tân Phước Khánh (Bình Dương)… Với đồ mỹ nghệ, hình tượng trâu cũng phổ biến không kém, như một biểu tượng của niềm vui, sự ngộ nghĩnh, chăm chỉ, sung túc và tài lộc, được đúc, dập, khắc, chạm từ vàng, bạc, đồng, đá, nhựa, gỗ, tre. Trâu cũng được lấy làm biểu tượng, linh vật cho các tổ chức, ngành nghề, diễn đàn, hội thi… khắp nơi, tiêu biểu phải kể đến linh vật “Trâu vàng” của SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam tháng 12/2003. Trâu còn là hình ảnh hấp dẫn trong các làng tranh nổi tiếng: tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) đặc trưng với các bức Chăn trâu thổi sáo, Chăn trâu thả diều, Chọi trâu, Hội trâu, tranh Hàng Trống (Hà Nội) với bức Cờ lau tập trận, tranh Kim Hoàng (Hà Nội) với bức Thập nhị đồ… Nhiều họa sĩ (nhất là các họa sĩ thời hiện đại) say mê, gắn bó với tranh trâu như họa sĩ Nguyễn Sáng (với bức họa nổi tiếng Chọi trâu), Tô Ngọc Vân (Con trâu quả thực), Nguyễn Tư Nghiêm (Con nghé, Mười hai con giáp), Thành Chương, Nguyễn Văn Cường, Đỗ Trung Quân… Đặc biệt, họa sĩ điêu khắc Lê Đình Nguyên có biệt danh là “Nguyên trâu” bởi cả cuộc đời sáng tác của ông gắn chặt với chủ đề “trâu”, đến nay đã tạo nên hàng ngàn tác phẩm điêu khắc, tạo hình cực kỳ ngộ nghĩnh, ấn tượng về con trâu từ những vật dụng và sinh hoạt trong đời sống thường ngày: Trâu bơi qua sông, Trâu áo tơi, Trâu giã gạo, Trâu sáo diều, Trâu lưỡi cày, Trâu kẻng, Trâu pháo, Trâu bom, Trâu đèn, Trâu đàn nhạc, Cầu trâu, Trâu đồng hồ, Trâu xe Vespa…
Hình ảnh trâu trở nên sống động, gần gũi qua những sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống. Lễ tiến xuân ngưu (dâng cúng trâu xuân) là nghi lễ quan trọng tổ chức ở cung đình hàng năm trong suốt thời phong kiến tập quyền (1010-1945). Lễ này được tổ chức vào ngày lập xuân, tiến cúng những con trâu bằng đất để tống tiễn khí lạnh của mùa đông và đón thời tiết ấm áp của mùa xuân đang tới. Con trâu đất chính phải có kích cỡ to như trâu thật và màu sắc ứng với ngũ hành của ngày lập xuân năm đó (hành Kim thì màu trắng, Mộc - xanh, Thủy - đen, Hỏa - đỏ, Thổ - vàng), ngoài ra, có thêm khoảng 1.300 con trâu phụ, mỗi con cao 1 thước (khoảng 40 cm), tất cả được đặt ở cửa Đông của kinh thành để vua, hoàng gia và quan lại tế lễ. Tế xong, trâu chính được phá ra, lấy các phần cơ thể nó cùng với những trâu phụ, coi như lộc, dâng lên vua và chia cho các quan lại, binh lính, dân chúng. Còn lễ cày tịch điền có sớm hơn: đầu xuân năm 987, Lê Đại Hành - vị vua đầu tiên của thời Tiền Lê (980-1009) - đã cho đưa trâu ra ruộng Đọi Sơn ở Duy Tiên (Hà Nam) cúng tế Thần nông, rồi đích thân cùng trâu cày ruộng để thể hiện tinh thần trọng nông và làm gương cho dân chúng. Lễ cày tịch điền được các triều đại sau đó duy trì và ngày nay đã được khôi phục tại Đọi Sơn cùng một số địa phương khác (ngày lễ, từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người đại diện chính quyền trung ương hoặc địa phương sẽ mặc trang phục nông dân cổ truyền, ra cày ruộng với trâu trong sự chứng kiến, cổ vũ của người dân; lễ có thể kèm theo các lễ hội văn hóa khác, rất vui và giàu ý nghĩa, như lễ cày tịch điền Đọi Sơn năm 2020 có thêm Hội Thi vẽ trang trí trâu, với sự tham gia của 25 họa sĩ các tỉnh thành và cả một số họa sĩ người Nga). Nhưng lâu đời, sâu rộng và cuốn hút hơn cả là lễ chọi trâu: được tổ chức lần đầu ngay từ thế kỷ 2, lễ hội này liên tục phát triển, lan rộng khắp cả nước với những nơi tổ chức nổi tiếng: Đồ Sơn (Hải Phòng), Hàm Yên (Tuyên Quang), Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Phù Ninh (Phú Thọ), Hớn Quản (Bình Phước)… Trong mỗi lễ hội, hàng chục cặp trâu được chăm sóc, huấn luyện công phu từ trước, sẽ giao đấu, chọi nhau quyết liệt trong sự hò reo vang dội của hàng nghìn, hàng vạn khán giả. Con nào bỏ chạy hoặc bị đánh gục, đánh bật khỏi vòng đấu là thua cuộc. Con chiến thắng cuối cùng và chủ của nó sẽ được trao giải thưởng đặc biệt nhất. Ngoài ra, tại những địa phương trên cả nước, còn có một số lễ hội về trâu đặc sắc, riêng biệt. Chẳng hạn, một số vùng nông thôn miền Trung như Nga Sơn và Hoằng Hóa (Thanh Hóa), Vĩnh Linh (Quảng Trị) có lễ tết trâu: trước Tết âm lịch vài hôm, người ta tìm cỏ ngon, rơm được nắng… để thưởng cho trâu ngày Tết. Chiều 30 Tết, trâu được tắm rửa, chuồng dọn sạch, máng ăn chất đầy những thứ trâu thích. Sáng mùng 1 Tết, trâu được dán một lá bùa trên trán để xua đuổi vận hạn, rủi ro năm cũ. Một chiếc bàn được đặt trước chuồng trâu, trên bày nhiều lễ vật (gà, xôi, bánh chưng, bánh tét…). Gia chủ ăn mặc chỉnh tề, khấn trước chuồng trâu để cầu bình an, sức lực, trâu ăn tốt, cày khỏe. Sau khi cúng “thần trâu”, đồ trên bàn lễ sẽ được đút cho trâu ăn, sau đó, người ta chọn một ngày tốt để dắt trâu đi “thưởng xuân” và ướm vai cày cho trâu để lấy may. Còn độc đáo nhất là lễ trâu rơm bò rạ ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), được tổ chức tại xã Đại Đồng vào mùng 4 Tết âm lịch hàng năm. Rơm rạ được bện thành hình trâu bò vào dịp cuối năm và mỗi con trâu, bò này được buộc theo một cái cày đã tháo lưỡi. Tất cả tập trung ở sân miếu làng. Khi chiêng trống vang lên, những con trâu do người dân hóa trang đi cày, những chàng trai giả gái tung trấu, gieo mạ, ngư dân đi câu cá, trâu nhỏ thì nhởn nhơ gặm cỏ, nô đùa trên đồng. Lễ hội này là cách bày tỏ ước vọng của người dân cầu sự phù trợ của thần linh, trời đất cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, vật nuôi phát triển… Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có lễ đâm trâu để cúng tế, ăn mừng những sự kiện quan trọng với buôn làng. Trong sân ngôi nhà chung của buôn làng (nhà rông), có dựng một cây cột lớn bằng gỗ hoặc tre, trên cột treo buộc và trang trí sặc sỡ, cầu kỳ. Một con trâu sạch sẽ, khỏe mạnh được dắt tới, buộc lỏng ở cổ để nó có thể chạy quanh cột. Chủ trì lễ hội (già làng) đọc lời khấn cầu xin, tạ ơn và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần. Tiếp đó, các đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu, đám đông dân làng kể chuyện, múa hát, đấu võ và ăn uống suốt đêm. Đến sáng, lễ đâm trâu mới tiến hành: những chàng trai khỏe mạnh cầm lao dài phóng đâm trâu, vừa phóng lao vừa biểu diễn các bài võ thuật. Trâu bị giết được đem xẻ thịt, chia nhỏ cho các nhà trong buôn làng cùng liên hoan.
Như vậy, dọc theo lịch sử phát triển đất nước, con trâu đã gắn chặt với truyền thống và đời sống văn hóa Việt Nam. Ngày nay, dù số lượng trâu đã giảm đi, những công việc trâu tham gia đã ít hơn…, nhưng các ảnh hưởng vật chất, tinh thần của nó vẫn còn. Chúng ta cần hiểu biết, tôn trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị, ý nghĩa và mối quan hệ với loài vật nuôi thân thuộc này.
ANH HÙNG
Ý kiến bạn đọc