Trang thiết bị được đầu tư hiện đại, đồng bộ; tư duy làm báo đổi mới với cách tiếp cận thông tin đa chiều; nội dung, phương thức thể hiện hấp dẫn, phong phú; công nghệ số được ứng dụng mạnh mẽ trong hoạt động nghiệp vụ và chuyển tải thông tin; báo chí đang tiên phong chuyển đổi số (CĐS) đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng.
Phòng Tổng khống chế của Đài PT - TH tỉnh được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. |
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng CĐS Quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số và xã hội số. Năm 2020, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định rõ CĐS là quá trình tất yếu của đất nước trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay. Trong hành trình CĐS ấy, báo chí đóng vai trò rất quan trọng, vừa tuyên truyền, cổ vũ hoạt động CĐS trên cả 3 trụ cột, báo chí đồng thời cũng là lĩnh vực xã hội số và xu hướng trở thành ngành kinh tế truyền thông số. Mục tiêu cơ bản của Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả. Công chúng được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.
Các BTV, PV báo điện tử đang kiểm duyệt phóng sự truyền hình để truyền tải lên Báo Điện tử. ảnh: HQ |
Bắt kịp xu thế của báo chí hiện đại, Báo Hà Giang không ngừng đổi mới nội dung và phương thức thể hiện, đặc biệt Báo Hà Giang điện tử ngày càng phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện như: Ra mắt phiên bản giao diện trên các thiết bị điện thoại thông minh, nâng cấp, thay đổi giao diện mới với nội dung, hình thức đẹp mắt, khoa học, phù hợp với sự phát triển của báo chí hiện đại, sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình Internet, điểm tin thời sự cuối tuần, truyền hình và phát thanh trực tiếp một số sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh trên Báo điện tử và trên trang fanpage của báo; hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ giúp việc quản lý, biên tập tin, bài, ảnh nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp.
Cùng với Báo Hà Giang, Đài PT - TH tỉnh cũng chủ động đón đầu xu thế CĐS, lấy nội dung làm cốt lõi và công nghệ số làm trung tâm để sản xuất nhiều chương trình truyền hình hấp dẫn, sáng tạo, thu hút sự quan tâm của khán giả. Hiện nay, kênh truyền hình Hà Giang được phát sóng lên vệ tinh VINASAT. Ngoài nền tảng truyền hình truyền thống, các chương trình của đài được phát trên các nền tảng số như: Website, youtube, facebook, zalo, tiktok… giúp diện phủ “sóng ảo” trên môi trường mạng tăng lên, thu hút sự quan tâm và tương tác của đông đảo người dân. Cùng với nội dung, kỹ xảo, đồ họa được chú trọng trong sản xuất chương trình, phục vụ hiệu quả thông tin cần truyền đạt bằng hình thức trực quan, sinh động, hiện đại cho mỗi chương trình. Các phần mềm dựng hình phi tuyến trên máy tính đã thay thế cho bộ dựng tuyến tính trước đây; trang thiết bị được đầu tư, nâng cấp đồng bộ giúp tín hiệu truyền dẫn tốt hơn, hình ảnh đẹp, sắc nét hơn. Ngoài ra, các thiết bị ghi hình chỉ xuất hiện trong kỷ nguyên số được sử dụng để hỗ trợ cho camera như smartphone, flycam, gymbal đem lại hình ảnh đẹp, lạ mắt.
Ê kíp phòng Báo Điện tử Hà Giang thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp. ảnh: ĐT |
Giám đốc Đài PT - TH tỉnh Hoàng Thị Hằng chia sẻ: “Chuyển đổi số mang lại sự tươi mới, sáng tạo, linh hoạt trong sản xuất các chương trình PT - TH, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của khán, thính giả; đặc biệt hơn, ngoài việc đầu tư may móc, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, chiếm lĩnh công nghệ, thay đổi phương thức truyền dẫn, chuyển đổi số đã làm “chuyển đổi tư duy” của người làm báo. Giờ đây, những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đều phải thay đổi phương thức làm việc, chủ động học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chuyên môn, chiếm lĩnh công nghệ, không ngừng đổi mới, sáng tạo”.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã tạo ra những thay đổi đột phá trong tư duy và cách thức tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, giúp việc kết nối trở nên thuận tiện và đơn giản hơn bao giờ hết. Thay vì phải làm việc theo phương pháp truyền thống là thường xuyên có mặt tại cơ quan để viết, biên tập, dựng tin, bài thì hiện nay, phóng viên, biên tập viên có thể ngồi ở bất kỳ đâu có kết nối Ineternet để viết bài, dựng hình, gửi dữ liệu, bài viết về tòa soạn, cơ quan qua hệ thống tòa soạn hội tụ, server, gmail, facebook messenger hay zalo. Các biên tập viên nhận và biên tập được ngay lập tức các tin bài gửi về trên hệ thống giúp thông tin được đăng tải kịp thời. Mô hình làm việc “phi tòa soạn” đang phát huy ưu thế và trở thành xu hướng của báo chí hiện đại. Đặc biệt, nhờ chủ động trong sử dụng công nghệ, các phóng viên có thể mở rộng diện kết nối, thực hiện phỏng vấn các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ sĩ… ở T.Ư và khai thác các đề tài ngoài địa phương thông qua hình thức trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Lan, tổ 17, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên đọc Báo Hà Giang điện tử và xem chương trình của Đài PT - TH Hà Giang vào buổi tối để nắm bắt thông tin thời sự, chính trị, kinh tế văn hoá, xã hội trong tỉnh. Các bài viết, chương trình, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự được đăng tải, phát sóng trên báo, đài ngày càng đẹp, bắt mắt, hấp dẫn, sinh động, chất lượng hình ảnh sắc nét”.
Kỷ nguyên 4.0 với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung và công nghệ làm báo nói riêng, đồng thời thay đổi hành vi của độc giả, khán, thính giả. Để đáp ứng yêu cầu thông tin, báo chí không có cách nào khác là phải tích cực số hoá. Nhưng CĐS không chỉ là vấn đề về công nghệ, không chỉ đơn giản là số hoá nội dung đưa lên nền tảng số mà quan trọng hơn là chuyển đổi tư duy của người làm báo, các tòa soạn phải tạo ra được đội ngũ những người làm báo sáng tạo, có trình độ, năng lực chiếm lĩnh và làm chủ công nghệ số, tạo ra một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới hấp dẫn, phù hợp với môi trường CĐS.
Nguồn: Báo Hà Giang
Ý kiến bạn đọc