Những năm qua, xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc đã tập trung lãnh đạo, vận động bà con nông dân khai thác thế mạnh của địa phương, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Xã Sủng Máng có tổng diện tích đất gieo trồng trên 900ha, trong đó diện tích gieo trồng ngô trên 300ha, diện tích gieo trồng lúa 33ha... Dựa vào đặc điểm, điều kiện tự nhiên của từng xóm, xã vận động người dân trồng các loại cây rau màu ngắn ngày, đưa các giống ngô lai, lúa lai vào gieo trồng.
Ông Nguyễn Văn Vàng, Chủ tịch UBND xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc cho biết: Cùng với việc đưa các giống ngô, lúa mới vào gieo trồng. Nhận thấy địa phương có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với trồng các loại cây cây ăn quả, cây ôn đới; xã đã chủ trương tuyên truyền, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, xã có 2 mô hình trồng cây ăn quả là trồng Lê và trồng Ổi; cả 2 mô hình đều đang thực hiện có hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Anh Phàn Lão Ú, thôn Sủng Nhỉ A (Sủng Máng, Mèo Vạc) kiểm tra diện tích ổi của gia đình |
Đến thăm mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình anh Phàn Lão Ú, thôn Sủng Nhỉ A, xã Sủng Máng. Trước đây, diện tích nương chủ yếu của gia đình anh Ú chủ yếu là trồng Ngô, thu nhập thấp, lại vất vả, tốn nhiều sức lao động, lợi nhuận kinh tế thấp. Đến năm 2019, gia đình anh quyết định chuyển đổi sang trồng một số loại cây ăn quả như Ổi, Lê… Sau gần 2 năm trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, diện tích Ổi gia đình anh đã cho thu hoạch. Anh Ú chia sẻ: Sau khi chuyển đổi diện tích nương từ trồng ngô sang trồng cây ổi, tôi thấy thu nhập từ trồng cây ổi cao hơn 10 lần so với trồng ngô. Hiện nay, gia đình tôi đã có khoảng 190 gốc Ổi, 70 gốc Lê… Tiến tới, tôi cũng sẽ nghiên cứu trồng thêm một số loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Ngoài chuyển diện tích nương từ trồng Ngô sang trồng các loại cây ăn quả, gia đình anh Ú còn tiến hành trồng một số loại rau như: Bắp cải, xu hào, rau cải, hành… để phục vụ thị trường. Bên cạnh đó, anh cũng đầu tư nuôi khoảng 80 đàn ong mật. Mỗi năm, tổng thu từ trồng cây ăn quả, các loại rau, nuôi ong gia đình anh thu nhập từ 200 -250 triệu đồng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo thêm việc làm cho một số lao động địa phương. Anh cũng tích cực hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho các hộ gia đình khu vực lân cận đến học hỏi.
Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã cũng chú trọng tuyên truyền người dân tích cực chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã có trên 4.200 con, tổng đàn gia cầm trên 27.000 con.
Với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo động lực cho nông nghiệp địa phương bứt phá, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 21 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trung bình giảm trên 7%/ năm.
Tin, bài: Hà Linh (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc