Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Tăng cường các giải pháp Quản lý thị trường hàng hóa dịp cuối năm

16:42, 03/11/2022

Thời điểm cuối năm, các hoạt động mua bán, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa diễn ra sôi động nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do đó, Cục Quản lý thị trường Hà Giang đã triển khai các giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra tại các cửa hàng kinh doanh hàng hóa

Thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường trên địa bàn thành phố Hà Giang và huyện Bắc Mê với trên 2 nghìn hộ kinh doanh. Thời gian qua, Đội QLTT số 1 đã phân công các kiểm soát viên thường xuyên bám, nắm địa bàn. Từ đó có kế hoạch quản lý hoạt động của các hộ kinh doanh trong từng lĩnh vực và nắm chắc thông tin đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và nhân dân. Đồng thời, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và thông báo đường dây nóng để nhân dân phát giác các hành vi vi phạm. Trong 10 tháng năm 2022, đơn vị đã phát hiện và xử lý 184 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước là trên 600 triệu đồng.

Lực lượng QLTT kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc vận chuyển, buôn bán hàng hóa không đảm bảo chất lượng

Theo báo cáo của Cục QLTT Hà Giang, trong 10 tháng năm 2022, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 761 vụ vi phạm về hàng hóa, với tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là gần 2,6 tỷ đồng. Thị trường hàng hóa cuối năm được dự báo sẽ rất sôi động, đây cũng là cơ hội thuận lợi để các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng hoạt động mạnh, đòi hỏi các kiểm soát viên quản lý thị trường phải thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó góp phần đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng.

Để thị trường hàng hóa lành mạnh và an toàn, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, các hộ kinh doanh, thì người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, có như vậy, công tác quản lý thị trường mới đạt hiệu quả, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng./.

Hoàng Gia - Văn Hương


Ý kiến bạn đọc