Những bất cập trong công tác quản lý giết mổ, vận chuyển và kinh doanh sản phẩm thịt lợn trên địa bàn thành phố Hà Giang được phản ánh trong số báo trước đã đặt ra câu hỏi: Vì sao việc quản lý các cơ sở giết mổ gia súc không phép tại nhà dân lại gặp khó khăn?
Bất cập giết mổ gia súc (P2)
Cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại TP Hà Giang |
Theo tổng hợp của Trạm chăn nuôi thú y, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng số lợn giết mổ tại 3 cơ sở giết mổ tập trung đã được cấp phép của thành phố Hà Giang là 4.192 con. Trung bình mỗi ngày toàn thành phố Hà Giang có 28 con lợn bày bán ngoài thị trường được kiểm dịch. Trong khi đó, lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình toàn thành phố là từ 60 đến 80 con/ngày. Như vậy, 40 đến 60% lượng thịt lợn tiêu thụ trên thị trường thành phố Hà Giang hiện nay là chưa qua kiểm dịch.
Tại lò giết mổ tập trung của Công ty TNHH AH Hà Giang, mặc dù đã được đầu tư 2 dãy nhà với quy mô giết mổ 200 con mỗi ngày. Tuy nhiên theo người quản lý tại đây cho biết, mỗi ngày chỉ có từ 15 đến 22 lợn được giết mổ tại đây. Chính vì vậy, một trong 2 dãy nhà của lò giết mổ không sử dụng đến.
Còn theo lãnh đạo phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, trên địa bàn phường hiện nay còn 3 hộ giết mổ gia súc tại nhà. Mặc dù chính quyền cơ sở đã nhiều lần tuyên truyền, xử phạt hành chính song các cơ sở này vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm. Trong khi đó mức xử phạt vi phạm hành chính và việc đánh giá tác động ô nhiễm môi trường đều vượt quá thẩm quyền của phường.
Còn theo Luật Thú y quy định các cơ sở giết mổ gia súc phải được cấp phép đồng thời cách xa khu dân cư từ 500m trở lên. Các cơ sở, hộ gia đình giết mổ gia súc khi chưa được cấp phép sẽ bị xử phạt từ 6 đến 8 triệu đồng.
Phải nhấn mạnh rằng tình trạng giết mổ gia súc không phép tại nhà ở thành phố Hà Giang làm ảnh hưởng đến cuộc sống của Nhân dân đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thực trạng này cũng đã được phản ánh tới các cấp chính quyền, các buổi tiếp xúc cử tri; thậm chí là bà con có cả cả đơn thư phản ánh lên phường, lên thành phố, nhưng không được giải quyết dứt điểm.
Khi mà cơ quan chuyên môn thiếu người, thiếu phương tiện, còn chính quyền phường có người, có phương tiện lại vượt quá thẩm quyền đã khiến cho các cơ sở giết mổ gia súc không phép ngang nhiên hoạt động. Những điều này gây bức xúc trong dư luận, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh đồng thời tạo sự bất bình đẳng trong kinh doanh. Do đó, để giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới, bên cạnh việc chấp hành quy định pháp luật của các hộ gia đình kinh doanh giết mổ gia súc, thì rất cần có sự quyết liệt, thường xuyên của chính quyền cơ sở.
Hải Tú - Tuấn Quỳnh
Ý kiến bạn đọc