Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Đoàn công tác của huyện Bắc Quang học tập kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái

17:26, 12/05/2024

Nhằm tạo cơ hội trao đổi, học tập một số mô hình phát triển kinh tế nông hộ theo chuỗi giá trị; trong 2 ngày 10 và 11/5, Đoàn công tác của huyện Bắc Quang do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đàm Thuyên làm trưởng đoàn đã có chuyến Khảo sát vùng sản xuất, trao đổi học tập kinh nghiệm về mô hình liên kết trồng dâu nuôi tằm tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái và Công ty cổ phần Dầu tằm tơ Yên Bái. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo phòng NN&PTNT; Trạm Chăn nuôi và Thú y; Trung tâm dịch vụ và chuyển giao KHKT về NLN huyện; Lãnh đạo UBND và công chức phụ trách nông, lâm nghiệp xã Đồng Yên, Vô Điếm và 06 hộ trồng dâu nuôi tằm của xã Đồng Yên, Vô Điếm, Việt Vinh.

Nghề dâu tằm tơ gồm 4 công đoạn chính là trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa

Nghề trồng dâu nuôi tằm được tỉnh Yên Bái triển khai từ năm 2001, tập trung tại các xã ven sông Hồng (Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp) của huyện Trấn Yên. Đến nay huyện Trấn Yên đã hình thành được vùng trồng dâu với quy mô diện tích trên 300 ha với gần 1000 hộ nuôi tằm, sản lượng kén hàng năm đạt trên 500 tấn. Giá trị sản phẩm bình quân đạt khoảng 200-220 triệu đồng/ha/năm (giá kén bình quân 190 - 195 nghìn đồng/kg). Thu nhập từ việc trồng dâu, nuôi tằm cao hơn so với trồng lúa hoặc các cây rau màu khác 2,0-2,5 lần.

Nghề trồng dâu nuôi tằm được tỉnh Yên Bái triển khai từ năm 2001

Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ tỉnh Yên Bái đóng chân trên địa bàn thôn Báo Đáp, huyện Trấn Yên có công suất chế biến 300 tấn tơ/năm, tương đương với 2.200 tấn kén. Sau khi chế biến, sản phẩm tơ tằm được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, các nước khối EU.

Thu nhập từ việc trồng dâu, nuôi tằm cao hơn so với trồng lúa hoặc các cây rau màu khác 2,0-2,5 lần.

Qua thăm quan, trao đổi kinh nghiệm thực tế các hộ tham gia liên kết trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ, đoàn công tác của huyện Bắc Quang nhận định: Nghề dâu tằm tơ gồm 4 công đoạn chính là trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa vừa mang tính chất trồng trọt, vừa có đặc điểm của chăn nuôi, vừa kết hợp giữa công nghiệp chế biến và nghệ thuật. Đồng thời khẳng định với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai và sức lao động của 2 địa phương, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển tốt tại các xã ven sông của huyện Bắc Quang.

Sau khi chế biến, sản phẩm tơ tằm được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, các nước khối EU

Trên tinh thần học hỏi, cầu thị, đoàn công tác mong muốn Công ty Cổ phần dâu tằm tơ và các HTX liên kết trồng dâu nuôi tằm của huyện Trấn Yên hỗ trợ bà con nông dân Bắc Quang về chuyển giao KHKT, cung ứng cây, con giống để người dân phát triển vùng hàng hóa, đồng thời bao tiêu ổn định sản phẩm kén tơ cho người nông dân.

Nghề trồng dâu nuôi tằm có thể phát triển tốt tại các xã ven sông của huyện Bắc Quang

Trước mắt, huyện Bắc Quang cử 2 hộ dân trực tiếp tham gia học tập, chuyển giao KHKT tại Công ty, sau khi học tập kinh nghiệm trở về địa phương, những hộ dân trên sẽ là lực lượng kỹ thuật cốt cán để chuyển giao kỹ thuật phát triển nghề dâu tằm tơ tại các xã trọng điểm nông nghiệp của huyện Bắc Quang.

Huyện Bắc Quang cử 2 hộ dân trực tiếp tham gia học tập, chuyển giao KHKT tại Công ty CP Dâu tằm tơ tỉnh Yên Bái

Chí Cường (Bắc Quang)


Ý kiến bạn đọc