Đến sáng 4/12, thế giới có trên 264,96 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,25 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Hơn 264,96 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 49,78 triệu ca mắc và hơn 807.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 69.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố một kế hoạch nhiều hướng nhằm đối phó với biến thể Delta và biến thể Omicron. Theo đó, Mỹ mở rộng việc xét nghiệm tại nhà, thắt chặt quy định xét nghiệm với du khách quốc tế cũng như khuyến khích người dân tiêm vaccine và tiêm mũi tăng cường. Trong bài phát biểu tại Viện Y tế quốc gia, Tổng thống Joe Biden tái khẳng định, các biến thể mới là "nguyên nhân gây lo ngại nhưng không gây hoảng sợ", đồng thời cam kết sẽ phản ứng với các biến thể bằng khoa học và tốc độ, không phải sự hỗn loạn và nhầm lẫn.
Ba bang của Mỹ đã ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên do biến thể Omicron gồm California, Colorado và Minnesota. Giới chức y tế Mỹ cho biết, các trường hợp trên đều đã được tiêm phòng đầy đủ và chỉ có các triệu chứng nhẹ.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, đến ngày 3/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 470.100 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Ấn Độ đã phát hiện 2 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có một trường hợp rất đáng quan ngại khi người đàn ông này không có lịch sử du lịch nước ngoài. Hai trường hợp nhiễm Omicron tại Ấn Độ đều đã được tiêm chủng đầu đủ trước đó và có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, với trường hợp nhiễm Omicron là một bác sĩ 46 tuổi ở Karnataka, có kết quả dương tính hơn một tuần trước. Nam bác sỹ này không đi du lịch nhưng có thể đã tiếp xúc với một số người từng đi du lịch. Năm trong số những người tiếp xúc với vị bác sĩ này có kết quả dương tính với COVID-19 và đang được xác định xem có phải do biến thể Omicron hay không.
Hãng tin AFP trích nhận định của giảng viên tại đại học Ashoka đang nghiên cứu về mô hình dịch bệnh COVID-19 rằng, có thể biến thể Omicron đã xâm nhập vào Ấn Độ trước khi nó được phát hiện lần đầu tại Nam Phi, tuy nhiên do chậm trễ trong xét nghiệm nên đã chưa thể phát hiện nhanh chóng. Trong bối cảnh Omicron bắt đầu lan rộng trên thế giới, Chính phủ Ấn Độ khuyến cáo các bang tăng cường xét nghiệm.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 615.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,1 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo, biến thể Omicron có thể chiếm hơn một nửa số ca mắc COVID-19 ở các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu trong vài tháng tới. ECDC đã dựa trên các thông tin về khả năng lây truyền của omicron và áp dụng một mô hình toán học để có thể đưa ra dự đoán này. Hiện nhiều nước châu Âu ghi nhận các ca đầu tiên mắc biến thể Omicron. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào có các triệu chứng nặng. ECDC cho biết, các biện pháp giãn cách, tiêm chủng được chứng minh là có hiệu quả trong việc làm giảm sự lây lan của virus.
Australia đã ghi nhận ca mắc biến thể Omicron trong cộng đồng đầu tiên. (Ảnh: AP)
Ngày 3/12, giới chức Australia đã báo cáo 2 ca mắc biến thể Omicron trong cộng đồng đầu tiên ở nước này. Các trường hợp nhiễm nói trên là học sinh ở thành phố Sydney. Các học sinh này không đi du lịch nước ngoài, cũng như không tiếp xúc với người nào từng đi nước ngoài, một dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron đã có trong cộng đồng. Giới chức y tế đang khẩn trương giải trình tự gene của các ca nghi nhiễm, đồng thời tiến hành cách ly và xét nghiệm toàn bộ giáo viên, nhân viên cũng như học sinh của trường.
Mặc dù một số bang đã thắt chặt kiểm soát biên giới trong nước nhưng Chính phủ liên bang Australia hy vọng sẽ tránh được việc tái áp đặt lệnh đóng cửa toàn quốc.
Bộ Y tế Pháp thông báo hiện có 9 ca được xác định nhiễm biến thể Omicron tại nước này. Trước đó, cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Pháp nhận định, Omicron có thể trở thành một biến thể chủ đạo ở nước này vào cuối tháng 1/2022.
Na Uy đang có nguy cơ trở thành ổ dịch biến thể Omicron lớn nhất khu vực châu Âu khi đã ghi nhận 5 trường hợp nhiễm biến thể này trong một ổ dịch COVID-19 gồm khoảng 50 người. Hiện cơ quan chức năng Na Uy vẫn đang tiến hành thêm các xét nghiệm để xác định liệu có thêm các ca nhiễm Omicron trong ổ dịch này hay không. Trong trường hợp các ca mắc COVID-19 trong ổ dịch này được xác nhận nhiễm biến thể Omicron, đây sẽ là ổ dịch Omicron lớn nhất tại châu Âu.
Ngày 2/12, Chính phủ Na Uy đã công bố tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, bắt buộc người nhập cảnh, cả người đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng, đều phải tiến hành xét nghiệm với COVID-19 trong 24 giờ sau khi nhập cảnh.
Giới chức khu vực Madrid của Tây Ban Nha thông báo đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng đầu tiên. Đây là trường hợp đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 và không có yếu tố dịch tễ liên quan đến các quốc gia có nguy cơ cao lây lan biến thể này. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng đang có 2 ca khác nghi nhiễm biến thể Omicron. Tính đến nay, Tây Ban Nha đã có tổng cộng 5 ca nhiễm biến thể Omicron.
Số liệu do kênh truyền hình NTV của Đức cho biết, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 70.681 ca mắc COVID-19 và 399 người tử vong, đưa tổng số cư dân nhiễm và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 6,09 triệu trường hợp và 103.308 bệnh nhân.
Sau khi Chính phủ liên bang và các bang ở Đức thông qua nghị quyết với nhiều biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn, trong đó đặc biệt nhắm tới những người chưa tiêm chủng, nhiều bang ở Đức đã lên kế hoạch áp đặt các biện pháp quyết liệt nhằm kêu gọi người dân đi tiêm chủng cũng như tiêm mũi tăng cường nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm đang ở mức cao.
Tại Anh, nước này ngày 3/12 ghi nhận 50.584 ca nhiễm mới và 143 người tử vong vì COVID-19. Trong số các ca mắc mới, nhóm trẻ em ở độ tuổi 5-9 chiếm tỷ lệ cao nhất, trong khi nhóm người cao tuổi ở độ tuổi 80 có tỷ lệ thấp nhất.
Chính phủ Anh cùng ngày đã công bố kế hoạch chi thêm 700 triệu Bảng (khoảng 945 triệu USD) cho hệ thống dịch vụ y tế quốc gia nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như giải quyết danh sách bệnh nhân chờ đợi trong mùa đông năm nay. Số tiền này sẽ được chi cho việc nâng cấp các cơ sở của dịch vụ y tế quốc gia, các công nghệ mới và lĩnh vực hỗ trợ. Khoản ngân sách này cũng sẽ được phân chia cho các vùng của nước Anh, giúp nhiều người được điều trị hơn thông qua việc nâng cấp các khu khám bệnh, phòng phẫu thuật và các thiết bị chẩn đoán. Trong năm nay, Chính phủ Anh đã đầu tư bổ sung 34 tỷ Bảng cho dịch vụ y tế và chăm sóc xã hội.
Hai bang Geneva và Vaud của Thụy Sĩ đã tiến hành cách ly 2.000 người, phần lớn là trẻ em, sau khi phát hiện 2 ca nhiễm biến thể Omicron tại một trường quốc tế. Sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm nói trên tại Trường Quốc tế Geneva thuộc khu vực La Chataigneraie, các đơn vị y tế 2 bang Geneva và Vaud đã thống nhất quyết định cách ly tất cả sinh viên, giáo viên và nhân viên của trường trong 10 ngày và 1.600 trường hợp trong số này là trẻ em. Hiện nhà chức trách đang tiến hành xét nghiệm tất cả những người cách ly để rà soát có thêm trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron hay không.
Trên quy mô toàn quốc, Thụy Sĩ đã ghi nhận một số ít ca nhiễm biến thể Omicron tại 5 bang và áp đặt lệnh cấm hành khách nhập cảnh từ Nam Phi cũng như yêu cầu cách ly ngay sau khi nhập cảnh đối với hành khách từ 23 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Anh và Canada.
Bộ Y tế Israel ngày 3/12 thông báo đến nay đã ghi nhận 7 ca nhiễm tại nước này. Ngoài ra, 27 trường hợp nghi nhiễm khác đang đợi kết quả xét nghiệm chính thức. Trong các ca nhiễm đã được xác nhận, 6 trường hợp là người nhập cảnh từ châu Phi và 1 trường hợp nhập cảnh từ Anh. Đối với 27 trường hợp nghi nhiễm, 8 người mới trở về từ nước ngoài, 19 người còn lại không xuất cảnh trong thời gian gần đây. Cũng trong các ca nghi nhiễm, chỉ có 5 người đã tiêm vaccine đầy đủ ngừa COVID-19 hoặc đã có miễn dịch, chẳng hạn người khỏi COVID-19 dưới 6 tháng.
Israel phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại nước này hôm 26/11. Ca này là một người trở về từ châu Phi. Ngay lập tức, nước này đã đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài và siết chặt các quy định phòng dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các quốc gia châu Phi đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, cụ thể bằng việc phát hiện và kiểm soát nhiều hơn do số ca lây nhiễm COVID-19 hàng tuần đang tăng tới 54%, chủ yếu ở miền Nam châu Phi. WHO đã cử một nhóm chuyên gia tới Gauteng, tỉnh có số ca nhiễm nhiều nhất Nam Phi, để giúp nước này tăng cường các biện pháp phòng ngừa và điều trị COVID-19. Tổ chức này cho biết thêm rằng, các chuyên gia và 12 triệu USD đã được huy động để hỗ trợ lần lượt cho Botswana, Mozambique và Namibia trong 3 tháng tới.
Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng tại khu vực châu Phi vẫn ở mức thấp, chỉ 7,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ và hơn 80% vẫn đang chờ tiêm liều đầu tiên.
Hành khách tại sân bay Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: AP)
Tại Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla ngày 3/12 cảnh báo, nước này đang bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát do biến thể Omicron. Tuy nhiên, ông Phaahla khẳng định, hệ thống y tế và bệnh viện hiện vẫn hoạt động bình thường.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Phaala cho biết, các ca mắc biến thể mới đã được ghi nhận tại 7 trong tổng số 9 tỉnh ở Nam Phi. Ông bày tỏ hy vọng, Nam Phi có thể kiểm soát hiệu quả biến thể này, giảm tối đa nguy cơ bệnh nhân tử vong. Người đứng đầu Bộ Y tế Nam Phi cũng kêu gọi người dân tiêm phòng đầy đủ, nhấn mạnh đây là biện pháp phòng ngừa tốt nhất.
Các nước châu Á - Thái Bình Dương cần củng cố năng lực của hệ thống y tế và tiêm phòng đầy đủ cho người dân để chuẩn bị ứng phó với đợt dịch mới do biến thể Omicron gây ra. Đây là khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra vào ngày 3/12. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Takeshi Kasai nhấn mạnh, các nước không nên chỉ dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới. Ông Kasai kêu gọi các nước đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương và triển khai các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Cùng ngày, Malaysia thông báo ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại nước này. Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin trong cuộc họp báo cho biết, bệnh nhân là công dân nước ngoài, từ Nam Phi nhập cảnh vào Malaysia hôm 19/11. Người này cũng đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết, nước này ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, là 2 hành khách xuất phát từ Johannesburg (Nam Phi) nhập cảnh nước này ngày 1/12 có kết quả xét nghiệm ban đầu dương tính với loại biến thể này. Cả hai trường hợp đều là người đã tiêm vaccine đầy đủ và không có bất kỳ tương tác nào trong cộng động. Tất cả 19 hành khách còn lại trên chuyến bay từ Nam Phi đến Singapore nói trên đã được cách ly sau khi nhập cảnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Chính phủ Thái Lan sẽ không áp đặt lệnh phong tỏa quốc gia bất chấp những lo ngại trên thế giới về biến thể Omicron. Tuy nhiên, việc đóng cửa các địa điểm giải trí có thể sẽ được kéo dài.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định, việc đóng cửa trên toàn quốc là không cần thiết và Chính phủ nước này sẽ đối phó bằng cách tiếp tục xét nghiệm du khách nước ngoài để sàng lọc. Chính phủ Thái Lan cần ưu tiên cả an toàn công cộng và nền kinh tế quốc gia. Vì lợi ích của sức khỏe cộng đồng, Chính phủ có thể kéo dài việc đóng cửa các quán rượu, quán bar và quán karaoke.
Giới chức y tế Thái Lan đang truy vết những người đến từ miền Nam châu Phi để xét nghiệm biến thể Omicron. Cho đến nay. Thái Lan chưa ghi nhận ca mắc biến thể này.
Trước sự xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế Lào khuyến nghị, người từng mắc COVID-19 hoặc người đã tiêm 2 mũi vaccine nên tiêm mũi nhắc lại để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Bộ trên cho biết, người có đủ điều kiện tiêm mũi vaccine tăng cường có thể lựa chọn bất kỳ loại vaccine nào sẵn có như vaccine của các hãng Pfizer, Johnson & Johnson, AstraZeneca. Chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường cho người trước đó đã tiêm vaccine của Sinopharm có thể được triển khai vào tháng 1/2022. Hiện tại, nhiều nhân viên y tế tại Lào đã được tiêm mũi vaccine thứ 3 không cùng loại với các mũi vaccine tiêm trước đó.
Hàn Quốc xác định, 4 tuần tới sẽ được coi là "thời kỳ phòng chống dịch đặc biệt" sau khi nước này xác nhận 6 ca nhiễm biến thể Omicron. Hàn Quốc sẽ giới hạn các cuộc tụ tập riêng tư từ 10 người xuống 6 người ở thủ đô và từ 12 người xuống 8 người ở các khu vực khác, bắt đầu từ tuần tới. Nhà hàng, quán cà phê sẽ được thêm vào danh sách các cơ sở yêu cầu phải có chứng nhận đã tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính khi vào cửa.
Bắt đầu từ ngày 3/12, tất cả người từ nước ngoài nhập cảnh Hàn Quốc, bất kể đã tiêm chủng hay chưa đều bắt buộc phải cách ly trong 10 ngày.
Ngày 3/12, giới chức y tế Sri Lanka cho biết đã xác định bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại nước này. Bộ Y tế Sri Lanka nêu rõ ca nhiễm biến thể mới Omicron là công dân Sri Lanka gần đây trở về từ Nam Phi.
Cùng ngày, Sri Lanka ghi nhận ca mắc mới COVID-19 và người tử vong. Như vậy, đến nay quốc gia Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 565.471 ca mắc COVID-19.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc