Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

11:15, 30/05/2023

 Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và chủ trương đầu tư 2 Dự án quan trọng.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 30/5, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Quốc hội sau đó thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về:

+ Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

+ Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Soạn thảo Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về:

+ Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

+ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Công nghệ của Việt Nam đã sẵn sàng, đảm bảo tin cậy cho giao dịch điện tử

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là những nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Tại Phiên họp thứ 20 của UBTVQH và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, các ĐBQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật. Trên cơ sở kết luận của UBTVQH và các ý kiến tại Hội nghị, UBTVQH chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là dựa trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam đã sẵn sàng, đảm bảo tin cậy. Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định pháp lý cần thiết để quy định về việc giao dịch điện tử mở rộng.

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách

Về xử lý vi phạm, tranh chấp, Bộ trưởng cho biết, chế tài xử lý vi phạm sẽ quy định ở Nghị định của Chính phủ. Việc xử lý tranh chấp thì quy định ở pháp luật chuyên ngành. Về cung cấp dịch vụ tin cậy, Bộ Thông tin và Truyền thông không cung cấp dịch vụ mà chỉ cấp phép, ban soạn thảo sẽ xem xét lại các điều khoản để không bị hiểu nhầm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là luật chuyên ngành khó, chuyên môn cao, nhiều thuật ngữ và khái niệm mới. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan. Đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật như: phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy, tài khoản định danh điện tử.

Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 7 chương, 54 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 31 điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 9 điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 5 điều và bỏ 3 điều; đồng thời bãi bỏ 2 điều của Luật Công nghệ thông tin; sửa đổi 1 ngành nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư; sửa đổi 1 tên phí thuộc Danh mục Phí, Lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí.

Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ quả lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm

Về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về nội dung này tại phiên họp thứ 23.

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) - Ảnh 2.

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Việc sửa đổi Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ, trong đó có Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Dự thảo Nghị quyết thể chế các nội dung của Quy định số 96-QĐ/TW về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại Điều 10 dự thảo Nghị quyết; sửa đổi, bổ sung Điều 15 dự thảo Nghị quyết về hệ quả bỏ phiếu tín nhiệm cho phù hợp với hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo trong phiên làm việc chiều 30/5 trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ. Nội dung này được thảo luận hội trường vào chiều 9/6 và xem xét biểu quyết thông qua chiều 23/6.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc