Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

17:06, 19/03/2023

Trẻ em là những chủ nhân tương lai của quê hương đất nước, bên cạnh công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang được các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội quan tâm, đảm bảo cho trẻ em phát triển toàn diện, trong điều kiện hội nhập và đảm bảo các quan điểm quốc tế về quyền trẻ em. Trong những năm qua, kể từ khi thực hiện Đề án của Chính phủ về “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” ở nhiều địa phương của tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Chúng tôi đến thăm điểm trường Pản Chuối, thuộc xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, điểm trường có 05 lớp học, trong đó có 2 lớp mần non với 54 trẻ, 03 lớp tiểu học 54 học sinh, tuy nhà trường còn thiếu giáo viên, song cũng đã bố trí được 04 thầy cô giáo giảng dạy tại điểm trường này, điều đặc biệt nhất là đã bố trí được 01 cô giáo mần non là dân tộc Mông để thuận lợi hơn trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Cô giáo Dương Thị Luyến, giáo viên mầm non tại điểm trường chia sẻ: “các em học sinh ở đây 100% là đồng bào dân tộc Mông, trẻ khi bắt đầu vào học mần non đều không biết nói tiếng Việt, do vậy hầu hết các em chưa mạnh dạn khi giao tiếp, chưa tham gia sôi nổi các hoạt động, cả cô và trò đều gặp khó khăn trong giao tiếp, dạy các em học tiếng Việt như “dạy học ngoại ngữ” vậy.

Toàn cảnh giờ học của lớp mẫu giáo 5 tuổi trường Mầm non điểm trường Đăng Vai, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn

Tương tự tại điểm trường Chua Say, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, điểm trường cách khá xa trung tâm xã, giáp ranh với xã Hố Quáng Phìn và xã Sảng Tủng, điểm trường treo leo trên đỉnh núi, 100% đều là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, dân cư thưa thớt, thôn có 67 hộ với trên 300 nhân khẩu; chưa có điện thắp sáng, tỷ lệ hộ nghèo con rất cao, chiếm trên 90%. Điểm trường có 03 lớp học, trong đó có 01 lớp mần non với 31 cháu, có 1 lớp học ghép gồm lớp 1 và lớp 2 với 22 cháu. Trao đổi với cô giáo Vàng Thị Chở là người dân tộc Mông, giáo viên đang giảng dạy trực tiếp tại điểm trường cho hay: Các em học sinh ở đây đều là Dân tộc Mông, cách xa trung tâm huyện gần 50 km và cách xa trung tâm xã gần 10 km, học sinh đều là DTTS trước giờ chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ, do đó dẫn đến khả năng nói tiếng Việt và nghe, đọc, viết và hiểu tiếng Việt của trẻ em còn rất hạn chế. Điều thuận lợi hơn so với nhiều cô giáo khác, cô giáo Chở là dân tộc Mông, nên trong giảng dạy hay giao tiếp với học sinh cô thực hiện song ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Mông để trao đổi với các em, do vậy các em cũng nhanh chóng làm quen và nói được tiếng Việt tốt hơn so với nhiều điểm trường khác.

 Giao lưu VHVN của học sinh trường PTDT Nội trú huyện Đồng Văn
 Giao lưu VHVN của học sinh trường PTDT Nội trú huyện Đồng Văn

Để giúp các em học sinh người đồng bào DTTS tiếp cận tiếng Việt trong giai đoạn chuyển cấp từ mầm non lên cấp 1, nhiều địa phương của tỉnh Hà Giang đã triển khai tích cực, trong đó đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS; nhiều đơn vị trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã có cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế như xây dựng “Góc tiếng Việt”, “Thư viện xanh”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”... tổ chức các cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, “Bé khỏe, bé ngoan”, hội thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống địa phương, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu tiếng Việt cho học sinh ở mọi lúc, mọi nơi. Thông qua đó tạo môi trường tốt nhất để các em được khám phá, trải nghiệm và trau dồi vốn tiếng Việt, khuyến khích trẻ em giao tiếp, tương tác bằng tiếng Việt.

 Giờ học môn tiếng Việt tại trường tiểu học Đồng Văn A, huyện Đồng Văn

Đơn cử tại Đồng Văn là một trong những địa phương có cách làm hay đã đem lại hiệu quả. Huyện thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS như phân công, cử giáo viên là dân tộc Mông đứng lớp, sử dụng song ngữ để luyện tiếng Việt cho trẻ và cử giáo viên khác học tiếng Mông để tăng giao tiếp với các em, luyện phát âm ngọng cho trẻ; khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, phát huy chủ động, sáng tạo, tích cực nghiên cứu, áp dụng các phương pháp nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được thì tại nhiều địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa và miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống ở Hà Giang nói chung và các huyện vùng cao của tỉnh thì việc nói tiếng Việt của nhiều trẻ em là DTTS còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến công tác dạy và học chưa thể nâng cao chất lượng như mong muốn, bởi lẽ trẻ em hạn chế tiếng Việt chính là “rào cản” ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học ở vùng đồng bào DTTS. Để khắc phục tình trạng trên và tiếp tục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng đồng bào DTTS đặc biệt là trẻ em DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao. Trong thời gian tới; cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là ngành giáo dục cần đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể, có chiến lược dạy và học với nhiều hình thức phong phú, phù hợp, phân loại khả năng tiếng Việt của từng em để có phương pháp, nội dung dạy tiếng Việt cho phù hợp, tăng tỷ lệ trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ đi học; tăng tỷ lệ trẻ em mần non, tiểu học người DTTS đi học chuyên cần, hạn chế tối đa trẻ em bỏ học; tăng cường tài liệu học, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, khai thác sử dụng thực hiện tăng cường tiếng Việt; xây dựng môi trường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục; xây dựng, trang trí bổ sung các góc thư viện thân thiện; duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường được học 2 buổi/ngày; tổ chức tốt hoạt động văn hóa đọc, riêng đối với học sinh mầm non thì cần tăng thời lượng tiếng Việt trong ngày, tuần. Đối với học sinh tiểu học, bên cạnh việc tăng thời lượng dạy học thì thực hiện tích hợp dạy tiếng Việt vào các môn học và hoạt động giáo dục ở các khối lớp; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo; bố trí sắp xếp, nâng cao năng lực, đội ngũ cán bộ quản lý, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người DTTS; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách hỗ trợ giáo viên tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.

Hoạt động ngoại khóa của trường PTDT Nội trú huyện Đồng Văn

Với những giải pháp tích cực, đồng bộ, đồng thời được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tin tưởng trẻ em vùng đồng bào DTTS của tỉnh Hà Giang sẽ có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của tỉnh Hà Giang.

Bài, Ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)

 

 


Ý kiến bạn đọc