Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Tỉnh Hà Giang chú trọng bảo tồn và phát triển dược liệu

17:35, 17/04/2024

Tỉnh Hà Giang xác định, phát triển vùng cây dược liệu là một trong những giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn những nguồn dược liệu quý nói riêng. Từ đây cũng mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại các địa phương. Trong đó, phát triển dược liệu gắn với giảm nghèo bền vững được xác định là một trong những nội dung trọng tâm nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Người dân thôn Nặm Đăm sơ chế dược liệu

Thôn Nặm Đăm được biết đến là nơi bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý của huyện Quản Bạ. Xuất phát từ lợi thế này, HTX Cộng đồng Nặm Đăm được thành lập từ năm 2014 đã nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm OCOP từ nguồn cây dược liệu sẵn có và bài thuốc quý. Đồng thời, tạo sự liên kết với người dân cùng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

 

Với lợi thế về địa hình, khí hậu, huyện vùng cao biên giới Đồng Văn có nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng và phong phú như: Thảo quả, Hà thủ ô, Đỗ trọng. Ngoài ra, còn thích hợp trồng các loại cây: Đương quy, Đan sâm, Bạch chỉ, Ý dĩ… Hiện, cây dược liệu được trồng chủ yếu ở các xã: Phố Cáo, Phố Là, Má Lé, Sủng Là, Sảng Tủng, thị trấn Phố Bảng. Cây dược liệu trồng ở nơi không khí trong lành lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có hoạt tính cao, an toàn và cho giá trị lớn.

 

Để bảo tồn dược liệu, tỉnh Hà Giang đã thực hiện quản lý 8 đề tài, dự án về dược liệu cấp tỉnh và đặt hàng 4 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi về dược liệu. Phối hợp với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu trồng, chế biến một số cây thuốc quý nhằm tạo nguồn dược liệu có giá kinh tế và ứng dụng cao trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe con người.

Cùng với bảo tồn, tỉnh Hà Giang đã triển khai trồng mới 10.000 ha dược liệu

Cùng với bảo tồn, tỉnh đã triển khai trồng mới 10.000 ha dược liệu, chú trọng, đẩy mạnh phát triển cây dược liệu theo Dự án trồng cây dược liệu gắn với công cuộc giảm nghèo tại 6 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Ðồng Văn, Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Với định hướng đúng và giải pháp phát triển lâu dài, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương./.

Phương Thảo – Tiến Thành


Ý kiến bạn đọc