Chiều ngày 10.1.2022, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với các sở, ngành để làm rõ một số vấn đề liên quan đến tiến độ triển khai các dự án khởi công mới năm 2020 sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp tỉnh quản lý; các dự án sử dụng vốn nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020 chuyển tiếp sang 2021 – 2025; các dự án sử dụng vốn NSTW hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Dự buổi làm việc có đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.
Toàn cảnh buổi giám sát |
Theo báo cáo kết quả giám sát tiến độ triển khai các dự án khởi công mới năm 2020 sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp tỉnh quản lý, các dự án sử dụng vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 chuyển tiếp sang 2021 - 2025, các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Giang của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy: Năm 2020, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 07 Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới 45 dự án, trong đó 09 dự án nhóm B và 36 dự án nhóm C; dự kiến tổng mức đầu tư là 3.181,737 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn quản lý hành chính, nguồn kinh phí bảo trì đường bộ…(trong đó có 10 dự án về giao thông; 21 dự án cải tạo, sửa chữa, trụ sở làm việc và nâng cấp Quảng trường; 02 dự án về truyền hình; 02 dự án mật thuộc lĩnh vực Quân sự và 11 dự án thuộc lĩnh vực dân dụng và lĩnh vực khác).
Đối với dự án ODA, có tổng số 14 dự án nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ Quốc tế và vốn vay ưu đãi chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư 5.188.782 triệu đồng.
Các dự án sử dụng kinh phí Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai với tổng kinh phí Trung ương cấp là 225.000 triệu đồng, UBND tỉnh đã cấp kinh phí cho 02 huyện Vị Xuyên và Xín Mần để hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở cho người dân, tổng số tiền là 44 triệu đồng; số còn lại là 224,956 tỷ đồng cấp bổ sung cho 11 huyện, thành phố và 02 đơn vị khác với tổng số 42 dự án(trong đó có 24 công trình khắc phục hậu quả thiên tai, 02 công trình thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng; 02 dự án đảm bảo an toàn đường biên mốc giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; 05 công trình sửa chữa hồ đập; 03 dự án xây dựng hạ tầng di dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao; 01 dự án nhiệm vụ cần thiết khác).
Qua giám sát cho thấy: Công tác thực hiện dự án từ khâu lập, thẩm định phê duyệt dự án; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình; lựa chọn nhà thầu đến quá trình triển khai thi công đã được chủ đầu tư, các cơ quan chức năng phối hợp cơ bản đồng bộ, phù hợp với chức năng, thẩm quyền được giao, trình tự thực hiện cơ bản phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và Nghị định, Thông tư hướng dẫn của Trung ương. Các dự án sử dụng vốn nước ngoài được các chủ đầu tư cùng các đơn vị có liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện dự án từ bước lập văn kiện, ký kết hiệp định vay cho đến bước thực hiện dự án. Công tác phân bổ vốn được giao tập trung ngay từ đầu năm, tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công, quản lý về đầu tư xây dựng và thanh toán vốn đầu tư các dự án được thực hiện tương đối đầy đủ theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Mạnh Lợi phát biểu tại buổi giám sát |
Đối với các dự án sử dụng vốn NSTW hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 được UBND tỉnh phân bổ kinh phí kịp thời cho các huyện, thành phố theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 118/QĐ-TTg tỉnh được phân bổ 150 triệu đồng, UBND tỉnh đã cơ bản lựa chọn, quyết định thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên phân bổ cho các công trình, dự án và phân bổ cho các huyện, thành phố khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng nặng do mưa lũ gây ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế đề nghị các sở, ngành làm rõ như: tiến độ thi công một số công trình còn chậm như dự án Khu liên hợp thể thao và văn hóa tỉnh, dự án cải tạo sửa chữa Bệnh viện mắt Hà Giang…; đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng giá cả thị trường, người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện nhiều ảnh hưởng đến công tác GPMB triển khai dự án. Việc đấu thầu qua mạng còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ thực hiện Dự án “mua sắm xe truyền hình lưu động tiêu chuẩn HD” hoặc vướng mắc trong việc giải ngân đối với dự án Nhà khách N1/Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; hay khó khăn trong việc xin ý kiến thống nhất của nhà tài trợ, chậm được cấp ý kiến pháp lý; kinh phí NSTW hỗ trơ khắc phục hậu quả thiên tai còn ít so với nhu cầu thực tế nên các huyện phải cân đối, bố trí ngân sách. Nguyên nhân một số dự án còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chưa được giao đất như dự án di chuyển trung tâm phát sóng, phát thanh truyền hình Núi Cấm về thôn Mè Thượng, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang để dự án phải tạm dừng, giãn hoãn thời gian thi công xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ dự án; có dự án tỷ lệ phân bổ vốn rất thấp so với tổng mức đầu; tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt thấp; chất lượng lập, thẩm định dự án chưa đảm bảo dẫn đến phải thay đổi quy mô điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư so với tổng mức đầu tư ban đầu; chất lượng một số công trình chưa đảm bảo…
Sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành trả lời làm rõ, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng nhất trí đề xuất, kiến nghị: Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên giám sát thực hiện các dự án đầu tư công thuộc cấp tỉnh, cấp huyện quản lý trên địa bàn đảm bảo dự án thi công xây dựng đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát lãng phí. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Ban quản lý, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian thực hiện dự án; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để giải ngân theo tiến độ bố trí vốn.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các cơ quan liên quan nâng cao chất lượng khảo sát, lập, thẩm định dự án, hạn chế điều chỉnh chủ trương đầu tư; có giải pháp xử lý vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ… Đối với dự án đầu tư công khẩn cấp không phải quyết định chủ trương đầu tư theo Luật đầu tư công đề nghị UBND tỉnh sau khi quyết định đầu tư dự án báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất theo Khoản 3, Điều 42, Luật Đầu tư công.
Đề nghị các Sở, ngành, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo giải ngân vốn theo kế hoạch phê duyệt; cần lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế, nhà thầu thi công đảm bảo điều kiện theo quy định; nâng cao hơn nữa việc thẩm định thiết kế xây dựng, thiết kế bản vẽ thi công; làm tốt công tác quản lý đất đai của cơ quan quản lý nhà nước; công tác phối kết hợp giữa các sở, ngành, chủ đầu tư, đơn vị thi công, các huyện, thành phố trong việc triển khai, thực hiện dự án…
Tin, ảnh: Lan Phương (HĐND tỉnh)
Ý kiến bạn đọc