Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

"Sóng và máy tính cho em": Gieo những hạt mầm lan toả thành xã hội số

14:23, 13/09/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Mỗi máy tính, mỗi khu vực có sóng trong điều kiện giải quyết tình thế góp phần gieo những hạt mầm để những hạt mầm đó lớn lên và tiếp tục lan toả tạo thành xã hội số, kinh tế số, tạo thành tình yêu thương trên mọi miền của đất nước ta".

Miễn cước viễn thông cho học trực tuyến 

Tối nay (12.9), Thủ tướng Chính phủ tổ chức phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" kêu gọi toàn xã hội chung tay, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến.

Chương trình được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện (nhằm triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Cùng dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện một số bộ ngành và doanh nghiệp tài trợ. Điểm cầu 63 tỉnh/thành do đại diện lãnh đạo địa phương chủ trì.

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại cuộc điện thoại của Thủ tướng nói về ý nghĩa của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ngoài việc ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi học trực tuyến, chương trình còn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số.

Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, việc dạy – học phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều học sinh không có máy tính, thiết bị để học. Giai đoạn 1 của chương trình huy động 1 triệu máy tính bảng cho học sinh trong giai đoạn này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “Sóng và máy tính cho em” là chương trình lớn, có liên quan đến học sinh toàn quốc. Một lời hiệu triệu cả triệu người theo. Chủ trương đúng đắn, nhân văn nên chỉ trong 5 ngày phát động, các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã vào cuộc tích cực và có được sự kiện ngày hôm nay.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chương trình gồm 3 phần: Sóng Internet, máy tính và giá cước viễn thông phù hợp. “Sóng và máy tính cho em” sẽ thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, ở các vùng quê, các em sẽ hỗ trợ bố mẹ làm quen với chuyển đổi số, mua bán bằng điện tử.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, trong tháng 9 học sinh ở khu vực giãn cách xã hội sẽ có sóng để học. Cuối năm 2021, học sinh cả nước sẽ có sóng để học. Từ nay đến cuối năm, các nhà mạng sẽ miễn phí cước viễn thông cho chương trình học tập trực tuyến.

An toàn trường học phải được đặt lên trên hết 

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu; thay đổi cách vận hành, cách quản trị xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, với ý chí và quyết tâm, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tại Hà Nội, với việc đẩy mạnh tiêm chủng cho nhân dân, cuộc sống đang dần ổn định và trở lại bình thường. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, nóng vội.

Nhấn mạnh, một trong những mục tiêu là sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Thủ tướng chia sẻ, phải tăng cường tiêm phòng vaccine, đồng thời thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước.

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh Hải Nguyễn

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh Hải Nguyễn

Theo Thủ tướng, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của chúng ta hiện nay là ứng phó với dịch bệnh COVID-19 với mục tiêu kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng an toàn với dịch bệnh do xuất hiện nhiều các biến chủng mới. Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc với quyết tâm rất cao, sự đồng lòng của nhân dân đã từng bước kiểm soát đẩy lùi và xây dựng các giải pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ rất quan tâm tới việc mở cửa, an toàn trường học, an toàn phải được đặt lên trên hết vì sức khoẻ của các cháu, thế hệ tương lai của đất nước phải được học tập, học tập phải an toàn. 

Gieo những hạt mầm lớn lên, lan toả thành xã hội số

Theo người đứng đầu Chính phủ, tất cả chúng ta, ai cũng phải ngậm ngùi khi dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa của tuổi thơ của các cháu khi chưa được cắp sách tới trường hàng ngày, không được nghe tiếng trống trường, không được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, thầy cô. Nhiều nơi các cháu phải học trực tuyến suốt 2 năm qua. Điều đó ảnh hưởng tới tâm lý, kiến thức và sự phát triển toàn diện của các cháu, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình. Nhiều gia đình khó khăn, các cháu còn thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng.

Theo Thủ tướng để thực hiện chủ trương "tạm dừng tới trường nhưng không dừng học", nhiều cháu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa mang sách vở, dựng lán trên đỉnh đồi để có sóng để học. Nhiều gia đình không có điều kiện mua máy tính cho con nên các cháu không học trực tuyến được, thua thiệt so với bạn bè.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. Ảnh Hải Nguyễn

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. Ảnh Hải Nguyễn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chương trình “Sóng và máy tính cho em” góp phần tiến tới phủ sóng internet ở những vùng còn chưa có sóng, nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu thực hiện ứng dụng khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số. 

Ông cho rằng, tiếp cận máy tính và không gian mạng đối với trẻ em là một trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn, mở ra chân trời mới có nhiều kiến thức rộng lớn, bổ ích và lý thú nhưng cũng tiềm ẩn những nguy hiểm, nếu nhà trường, gia đình không chủ động, có các biện pháp định hướng và các giải pháp đề phòng rất dễ có những vấn đề xảy ra không đáng có.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, sóng và máy tính là phương thức học tập mới, nhưng phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đòi hỏi các nhà giáo cần điều chỉnh phương pháp dạy học để học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất, đặc biệt là với học sinh lớp 1.

Thủ tướng mong muốn, thông qua chương trình cần phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” và đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ trong mấy ngày, chương trình đã huy động hàng triệu máy tính cho học sinh. Bộ TTTT đã chỉ đạo các công ty viễn thông giảm cước phí, phủ sóng vùng lõm.

Thủ tướng mong muốn, chương trình "Sóng và máy tính cho em" sẽ lan toả tinh thần nhân ái, truyền đi năng lượng tích cực, góp phần xây dựng xã hội tốt hơn trong kỷ nguyên số. Để học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được tiếp cận giáo dục bình đẳng và những gì tốt đẹp nhất.

Cuối cùng, theo Thủ tướng, hiện nay người ta nhắc nhiều tới cụm từ thế giới phẳng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã làm phẳng thế giới và sự kết nối toàn cầu qua không gian mạng. Chúng ta cần có tầm nhìn về xu hướng chung để phát triển đất nước mang lại nhiều tiện ích, giá trị và hiện đại hoá đời sống của nhân dân.

"Những điều to lớn đó phải bắt nguồn từ sự thay đổi ứng dụng công nghệ của mỗi cá nhân trong xã hội. Mỗi máy tính, mỗi khu vực có sóng trong điều kiện giải quyết tình thế góp phần gieo những hạt mầm để những hạt mầm đó lớn lên và tiếp tục lan toả tạo thành xã hội số, kinh tế số, tạo thành tình yêu thương trên mọi miền của đất nước ta" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn: Lao động


Ý kiến bạn đọc