Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

16:27, 24/11/2021

Ngày 24/11, tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND – UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh.

1

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy dự tại điểm cầu tỉnh

Báo cáo về việc kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao. Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động. Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh,nhất là đại dịch covid 19 từ cuối năm 2019 đến nay. Trên quan điểm, chủ trương của Đảng vềvăn hóa trong Nghị quyết Đại hội 13 đã xác định là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh một số bài học được rút ra, đó là không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.Đẩy nhanh, đồng bộ việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, con người thành pháp luật, các chính sách cụ thể, thiết thực, kể cả các chính sách đặc thù, tạo môi trường pháp lý, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực của xã hội.Nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết là xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, xã hội, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào vấn đề như động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tất cả các tham luận đã khẳng định rõ hơn vai trò soi đường cho quốc dân đicủa văn hóa. Đồng thời, hiến kế định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức của con người Việt Nam thời đại mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 

 Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vinh dự và hào hứng khi tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Đây là lần thứ hai kể từ hội nghị lần thứ Nhất được tổ chức vào ngày 24/11/1946, có ý nghĩa trên nhiều phương diện, bởi lâu nay còn có những nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa. Điểm lại những mốc son lịch sử của Đảng, của đất nước và thành tựu quan trọng trong phát triển văn hóa của Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Vị trí quan trọng của văn hóa trong xây dựng và bảo vệ đất nước: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”… Tổng Bí thư nhấn mạnh việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa đang được thực hiện bài bản, đồng bộ theo quan điểm: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, dọc ngang thông suốt, trên dưới đồng lòng”. Tổng Bí thư hệ thống lại quá trình phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam qua 4.000 năm xây dựng và phát triển đất nước; những định hướng, quan điểm xây dựng, phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc từ khi thành lập Đảng đến nay gắn với các giai đoạn đấu tranh giành độc lập và xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đảng ta luôn coi trọng văn hóa, phát triển văn hóa, nhất là trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; là một định hướng căn bản trong xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

 Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, lần thứ 2 sau 75 năm (từ năm 1946) Đảng ta tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc; là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quán triệt sâu sắc, toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.Tổng Bí thư nhấn mạnh: Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là nền tảng tinh thần, độc lực phát triển, “soi đường cho quốc dân đi”, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho toàn dân tộc.

Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong phát triển văn hóa. Đồng thời cho rằng, với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, văn hóa Việt Nam đứng trước thời cơ và thách thức mới. Tổng Bí thư yêu cầu: Chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng, hệ thống chính trị, trong công chức, công vụ, chú trọng đạo đức công vụ, tính nêu gương trong cán bộ, đảng viên; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tạo nguồn lực nội sinh, xây dựng con người việt nam thời kỳ đổi mới, gắn với hội nhập, kết hợp những giá trị văn hóa truyền thống với giá trị thời đại; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao chất lượng, hiệu quả văn hóa mới; đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, bảo vệ giá trị chân - thiện – mỹ; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tuyên truyền, quán triệt thống nhất các quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, khắc phục tư tưởng chỉ tập trung phát triển kinh tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế; với quan điểm nhất quán: “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là tinh thần, bảo vệ quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên”…

Tổng Bí thư mong muốn công tác văn hóa sẽ có bước phát triển mới, hiệu quả, ghi dấu mốc mới trong chặng đường chấn hưng văn hóa Việt Nam, tạo thành sức mạnh vô song xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng, phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.

Tại hội nghị, các đại biểu được xem phim tài liệu và tham quan triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; tham luận về giải pháp quán triệt, triển khai thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển, chấn hưng văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới…

Hoàng Gia- Hồng Duyên


Ý kiến bạn đọc