Sáng 17.5, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện, tham gia góp ý vào dự thảo Luật Địa chất và Khoảng sản, Luật Công chứng (sửa đổi). Tới dự có đại diện một số sở, ban, ngành, hội của tỉnh; chuyên gia tư vấn phản biện T.Ư và Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo. |
Luật Khoáng sản được thông qua năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện nhiều quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn. Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, các đại biểu cơ bản đồng tình, nhất trí với dự thảo Luật và có ý kiến đóng góp vào nội dung dự thảo Luật như: Đề nghị xem xét, quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc ban hành văn bản để thi hành pháp luật về địa chất, khoáng sản; xem xét, quy định, trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; cần phân loại chi tiết hơn các loại khoáng sản, đơn giản hoá thủ tục khai thác cát san lấp và cần có quy định hạn chế, dừng việc cấp phép và khai thác cát, sỏi lòng sông.
Đối với Luật Công chứng, sửa đổi, các đại biểu đã góp ý về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên; tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng; về chuyển nhượng văn phòng công chứng; bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng; giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng. Các ý kiến tham gia tại hội thảo sẽ được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổng hợp, gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang trình Quốc hội trong thời gian tới./.
Phạm Lực
Ý kiến bạn đọc