Xác định chè là một trong những cây mũi nhọn không chỉ giúp phủ xanh đất trống đồi trọc mà sản phẩm từ chè còn giúp người dân phát triển kinh tế thông qua việc chế biến và xuất khẩu. Những năm qua, Hà Giang chú trọng đầu tư, phát triển sản xuất chè theo hướng VietGAP, hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu.
Người dân thu hoạch chè |
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 21.000 ha chè, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 17.900 ha; sản lượng đạt khoảng 70 nghìn tấn/năm. Con số này đã đưa Hà Giang trở thành địa phương có sản lượng chè đứng thứ 3 cả nước. Để nâng cao giá trị cho cây chè, tỉnh đã ban hành nhiều phương án, kế hoạch dài hạn, tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong chế biến. Kết quả, trên địa bàn tỉnh có 11.800 ha chè được chứng nhận theo các tiêu chuẩn GAP, giá trị sản xuất ngành chè chiếm khoảng 10% ngành trồng trọt. Người sản xuất chè sau khi được cấp giấy chứng nhận đã có chuyển biến rõ nét, tuân thủ thực hiện quy trình sản xuất; sản phẩm chè được mua với giá cao hơn. Bên cạnh đó, công tác chế biến chè cũng được quan tâm, đầu tư, từ chú trọng bao bì nhãn hiệu, đầu tư thiết bị, công nghệ đồng bộ đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, nhiều thương hiệu chè đã khẳng định vị thế trên thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Thời gian tới tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo phát triển cây chè theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, tích cực trồng lại diện tích chè cằn xấu, năng suất thấp bằng các giống chè mới năng suất, chất lượng cao. Lựa chọn những vùng trồng chè có đủ điều kiện áp dụng được tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước./.
Phương Duyên - Văn Bính
Ý kiến bạn đọc