Để có sản phẩm rau an toàn (RAT) tới người tiêu dùng cần phải có một quá trình từ đất trồng, nước tưới, phân bón, công tác phòng trừ sâu bệnh, quá trình thu hoạch, đóng gói và phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng... Trong đó, công tác bảo vệ thực vật có những qui định bắt buộc riêng, vì nó liên quan trực tiếp đến chất lượng của RAT..
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới tại xã Hữu Vinh huyện Yên Minh |
Theo Qui định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, người trồng RAT phải được tập huấn, trang bị những kiến thức về bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các kiến thức liên quan đến sản xuất RAT (phân bón, đất đai, nước tưới…).
Bên cạnh đó, người trồng RAT phải có hiểu biết về hệ sinh thái đồng ruộng đối với cánh đồng sản xuất rau; phải biết áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) đối với sâu bệnh hại rau; không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất độc hại. Trong trường hợp phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ saaum bệnh hại rau, người trồng rau phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng và đúng thời điểm). Phải tuân thủ nghiêm ngặt những qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với những hoá chất được phép sử dụng trên RAT. Ưu tiên sử dụng các loài thuốc sinh học, thuốc thảo mộc nhằm tránh ô nhiễm môi trường và dư lượng của thuốc trong sản phẩm RAT. Hạn chế đến mức thấp nhất số lần dùng thuốc trên rau. Đảm bảo nghiêm ngặt thời gian cách ly theo qui định đối với từng loại thuốc.
Trang thiết bị dùng để phun thuốc (bình bơm, xô, chậu... ) phải được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên. Phải rửa sạch thiết bị sau mỗi lần sử dụng. Thuốc phun thừa và nước thải sau phun thuốc phải được xử lý để không gây ô nhiễm tới sản phẩm RAT, nguồn nước và môi trường. Những hoá chất đã sử dụng trên RAT, ngày tháng sử dụng, thời gian cách ly phải được lưu giữ trong hồ sơ sản xuất rau. Những hoá chất bảo vệ thực vật phải có nơi bảo quản riêng biệt, an toàn cho khu vực sản xuất rau, nguồn nước và môi trường.
Đối với những loại rau dùng cho mục đích thương mại (xuất khẩu) phải kiểm tra kỹ từng loại hoá chất và mức dư lượng trên từng loại rau theo qui định của nước nhập khẩu. Khi phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn qui định của nước nhập khẩu, phải dừng ngay việc xuất khẩu, kịp thời điều tra, ngăn chặn các nguyên nhân để tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời.
Phạm văn Phú
(Chi cục Trồng trọt và Bảo Vệ thực vật tỉnh)
Ý kiến bạn đọc