Nhận thức được việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, khách hàng giao dịch tiền tệ, mua bán hàng hóa, vừa đảm bảo an ninh, an toàn, đặc biệt đối với khách du lịch đến tham quan tại huyện Mèo Vạc.
Xác định Mèo Vạc là một trong những huyện trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang, có nhiều tiềm năng, thế mạnh và cơ hội để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Trong thời gian qua, cùng với ban hành các chương trình, nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện Mèo Vạc đã có nhiều giải pháp về kích cầu du lịch, như: Tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao và các hoạt động trải nghiệm để phục vụ du khách.
Khách du lịch thanh toán các dịch vụ qua hệ thống mạng |
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là khách du lịch đến tham quan có nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa (thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt). Để thực hiện tốt mục tiêu này, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện chủ động đến các ngân hàng để được hướng dẫn cài đặt; đồng thời Agribank Mèo Vạc đã thiết kế và lắp đặt mã VietQR miễn phí 100% phù hợp với từng mô hình kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương và người dân để tiện lợi thanh toán. Bên cạnh đó, Agribank Mèo Vạc đã cử cán bộ xuống tận cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn cách cài đặt và thanh toán bằng mã VietQR trên ứng dụng Agribank e-mobile banking. Vì vậy, trong 7 tháng đầu năm 2022, Agribank Mèo Vạc đã cài đặt cho 460 tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, trong đó có 98% cơ sở kinh doanh dịch lưu trú và ăn uống trên địa bàn huyện.
Các cơ sở kinh doanh đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt |
Đến thăm quán cà phê Cao nguyên xanh tại thị trấn Mèo Vạc đúng thời điểm anh Jimmy (là du khách đến từ Canađa) đang thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua việc quét mã QR, tôi mới thấy sự tiện lợi của hình thức thanh toán này. Anh Jimmy cho biết: “Tôi đã sống ở Việt Nam nhiều năm, khi đến tham quan tại huyện Mèo Vạc, tôi rất ấn tượng với việc triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Vì đối với du khách chúng tôi thì việc mang nhiều tiền mặt đi tham quan, sẽ gặp nhiều khó khăn trong quản lý”. Cùng chung nhận định đó, nhiều du khách đến từ các tỉnh Nam Định, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mà tôi đã gặp tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, đều đánh giá cao việc triển khai hình thức thanh toán này, vừa nhanh gọn, vừa an toàn cho khách hàng.
Được biết, bên cạnh việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các các cơ sở kinh doanh dịch vụ triển khai hóa đơn điện tử, vé điện tử. Đến nay đã có 68 tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện triển khai hóa đơn điện tử, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và du lịch Tu Sản đã áp dụng vé điện tử đối với du khách đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1. Vì vậy, vào các dịp nghỉ lễ hay ngày nghỉ cuối tuần, lượng khách đi thuyền rất đông, hơn 2000 người/ngày nhưng việc thực hiện vé điện tử diễn ra nhanh chóng, không bị tắc nghẽn và giúp cho công tác theo dõi số lượng khách hằng ngày của cơ quan quản lý thuận lợi hơn.
Từ thành công bước đầu về thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực du lịch, huyện Mèo Vạc đang tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Giang, nhằm từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu, mua sắm và kinh doanh, góp phần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số, công dân số trong tương lai.
Quỳnh Lưu (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc